Chuyện ban mai về bản
"Trước đây, anh đặt tên nhóm là Hương Lúa, thấy hay hay, đẹp đẹp... Sau này thì nghĩ đến cái tên Ban Mai Xanh. Nơi Tây Bắc này toàn màu xanh của rừng, của ruộng. Cứ mong là sớm mai lên, sẽ có một màu hy vọng đến với bản làng, cộng đồng mình...”
Với giọng nói nhỏ nhẹ, anh Thi kể chúng tôi nghe về sự tích tên nhóm. Vết sẹo nơi khóe mắt do vụ tai nạn thập tử nhất sinh gần đây không làm vơi đi sự lành hiền và khiêm tốn của người đàn ông với cuộc đời nhiều thăng trầm này.

TIA NẮNG MỚI - NƠI TÌNH YÊU BẮT ĐẦU

Theo gia đình rời Thái Bình lên Điện Biên khi mới 7 tuổi, cậu con út tên Thi vốn được bố mẹ nuông chiều bỏ học sớm, theo chúng bạn trong các cuộc vui quên tháng ngày. Rồi giống như nhiều thanh niên khác sinh sống tại Điện Biên – tỉnh biên giới với con đường vận chuyển heroin từ Lào sang Trung Quốc, anh nghiện ma túy và mang trong mình vi rút HIV.
“Hồi ấy mỗi lần giặt đồ, mẹ lại lấy cái que dài cả mét khều qua khều lại, ngâm quần áo anh vào thuốc tẩy. Cái quần vải thô màu xanh loang hết, như quần dàn di…”
Hình ảnh chiếc quần vải thô loang màu ấy vẫn luôn gợi anh nhớ về những đêm dài không ngủ, anh sống trong kỳ thị, của người thân, của chính mình, trong lo sợ và trống rỗng khi nghĩ về tương lai.
Cũng tại mảnh đất Điện Biên, chị Lả, người con gái lớn lên từ bản Mới, lại mang những ký ức buồn về mối tình thanh xuân khi HIV đã lấy đi người chị thương và để lại chị một cuộc sống khép mình trong bốn bức tường.
Không muốn sống nữa, đau khổ lắm,
người ta không hiểu như bây giờ.
“Lúc đó người yêu mất, mình lại nhiễm. Không muốn sống nữa, đau khổ lắm, người ta không hiểu như bây giờ. Đi ăn đám cưới, đám cỗ, người ta còn không dám ngồi cạnh mình…”
Đâu ai biết được rằng chính những tháng ngày sinh hoạt ở Tia Nắng Mới – CLB hỗ trợ những người sống chung với H vào năm 2008, tia nắng tình yêu đã le lói trong hai mảnh đời riêng, nhưng chung nhiều nỗi niềm ấy.
“Nói thật khi anh chị đến với nhau, hai bên gia đình đều phản đối. Trong quan niệm của các cụ lúc bấy giờ, chồng thì nghiện, vợ lại bệnh tật như thế thì chúng mày sống với nhau kiểu gì, chỉ có làm khổ nhau thôi...”
Nhưng chị Lả quyết tâm về chung một mái nhà với anh Thi. Những ngày đầu khi về sống với nhau, khó khăn chồng chất. Có khi chưa đến mùa thóc, nhà hết cả gạo ăn, tài sản của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn một chiếc xe đạp cọc cạch.
 
 
“Lúc anh chị đến với nhau ý, Tết mà, đêm giao thừa, hai đứa muốn đi xem pháo hoa trên phố. Vẫn cái xe đạp cọc cạch, hai đứa đèo nhau đi. Ôi ra ngoài đường, người ta đi xe máy hết, cứ vút qua vút qua. Anh cũng chẳng biết có cái sức mạnh gì mà đi xe đạp thôi cũng vui, cũng cứ đi như người ta.”
Bằng tình yêu và sự kiên trì, chị thuyết phục anh vào điều trị methadone vào tháng 7/2011. Một chương đời mới mở ra khi hai vợ chồng cùng Trung tâm Học tập Cộng đồng xã bắt đầu hành trình truyền thông đến các bản về phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng, trên chính chiếc xe không có nổi tấm chắn bùn ngày nào.

TÌNH YÊU LỚN DẦN THEO NHỮNG BAO THÓC

Anh Thi kể những ngày đầu về ra mắt, mẹ chị Lả nhất quyết không đồng ý. Ngại ngần khi chàng rể tương lai chưa thoát khỏi con đường nghiện ngập, bản thân con gái mình lại đang sống chung với bệnh tật. Mỗi lần chị không ở nhà, bà lại sang nói khéo để anh Thi đi về. Dần dần, chính sự tu chí và chân tình của anh đã cảm hóa được trái tim người mẹ ấy.
Lúc đầu bà cho vợ 3 bao thóc, rồi tăng lên 7 bao. Dần dần về sau này, gần một năm, bà thấy anh không đến nỗi nào, so với các con thì có phần quý mến hơn. Bà mới chuyển hết thóc sang bên này.
Giờ anh là rể cưng của bà luôn!

HÀNH TRÌNH CỨU SỐC 24/7

Nếu không có vợ chồng Thi Lả,
thì ở đây nhiều người chết vì ma túy.
Vào năm 2016, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), anh Thi và những thành viên nhóm bắt đầu hành trình cứu sốc tại các bản. Sau gần 4 năm triển khai hoạt động cứu sốc, tính đến nay, Ban Mai Xanh đã cứu được 143 người. Ca cứu sốc đầu tiên luôn là một kỷ niệm không thể nào quên với những “hiệp sĩ cứu sốc” này”. 
“Lúc đó, anh còn đang trong 3 tháng thử việc. Nhận tin của bà con, nạn nhân bị vứt xuống ao cho “tỉnh” đang nổi lều phều. Anh và mọi người vớt lên, quần áo bạn ấy ướt hết. Anh làm theo quy trình. Thế rồi nạn nhân tỉnh lại. Vừa run, vừa sợ, vừa vui, anh gọi điện khoe, kể đi kể lại với chị cán bộ dự án..."
“Lần đầu tiên cứu sốc, mình vừa làm vừa run, mồ hôi vã hết ra. Lúc ấy, đằng sau ai mà làm gì, hù mình là mình có thể ngất được mất. Cứu xong, cảm thấy mình đã làm được, vui lắm nhưng chân tay vẫn run...” – Anh Sơn, thành viên nhóm.
“Hôm đó có người gọi em, em tưởng là ai. Ra thấy thằng bạn thân nằm đấy. Lúc đầu, em ép tim, thấy chưa tỉnh, em sợ phát khóc. Lúc nó mở mắt, em vẫn vừa khóc vừa mừng...”. Anh Trung, thành viên nhóm.
Khi các anh đang kể cho chúng tôi những kỷ niệm đầy ly kỳ, thì có tiếng người thất thanh “Thi ơi, nhanh, nhanh, có người bản Xôm bị sốc...”. Và thế là chúng tôi lập tức lên xe máy, theo chân các anh ra hiện trường.
Xa xa một nhóm người nháo nhác, người đàn ông nằm ven đường, bất tỉnh. Các anh chia nhau thực hiện sơ cứu và khẩn trương thao tác tiêm naloxone. “Bệnh nhân ngừng thở. Sơn, ép tim…”
Những khuôn mặt căng thẳng, mồ hôi chảy dài. Dường như tất cả mọi người cũng nín thở chờ đợi và cầu nguyện. Rồi khi sắc hồng trở lại trên khuôn mặt kia, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Một mạng người vừa được cứu, trong gang tấc!
Dọc đường về nhà, anh Thi vừa cười vừa kể tôi nghe kỷ niệm vui về một buổi tối hai vợ chồng cùng đi cứu sốc. Khi nạn nhân vừa tỉnh, lại có tiếng bước chân chạy đến “Anh ơi, bên này còn ca sốc nữa..”. Và vậy là một tay cầm bơm tiêm, vẫn quần đùi, cởi trần anh chạy bộ một mạch, quên cả xe máy.
Nhưng không phải lúc nào đằng sau những ca cứu sốc là những nụ cười. Có những lần được cứu, bệnh nhân tỉnh rồi hiểu lầm các anh ăn cướp, xách cả cổ áo đòi đánh. Rồi những lần không cứu được, “anh cảm thấy như chân mình không bước nổi”.
Có những người họ nói mấy cái thằng nghiện ngập này, chết đi cho xong, cứu làm gì. Mà anh chị thì không thấy như thế, dù sao cũng là một
mạng người…
Có chăng là tình yêu với công việc cộng đồng khiến Ban Mai Xanh thêm vững bước trên hành trình, đầy gian nan này?

NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

Anh Thi trầm ngâm kể về những ngày đầu kêu gọi mọi người tham gia nhóm, khó khăn đủ đường. Do đặc thù của địa bàn là một tỉnh vùng cao, phần lớn là người dân tộc. Những câu nói anh nhận được trong những chuyến đi thôn bản đầu tiên gặp anh em sử dụng ma túy thường là “Đằng nào chả nghiện”, “HIV là “đứt” rồi”, “Không đi đâu”,... Nhưng anh may mắn khi có chị Lả là người đồng hành. Với lợi thế là người dân bản địa, chị vừa đóng vai trò phiên dịch vừa giúp anh Thi gần gũi hơn với bà con.
“Đợt anh em xuống tập huấn dưới Hà Nội. Suốt dọc đường về Điện Biên, điều hòa của nhà xe có trục trặc, anh Thi quạt tay cho anh em phải tầm 2-3 tiếng..."
Giữa nơi nẻo cao giản dị, điều thu phục lòng người đâu phải là những câu chữ đẹp, mà là một tấm lòng chân thật, giản dị. Với chính tâm huyết đó, đến nay, anh Thi đã xây dựng nhóm Ban Mai Xanh với 17 thành viên nòng cốt và tự hào khi không có ai còn sử dụng ma túy.

KHI BAN MAI VỀ BẢN

Ngày xưa về ở với nhau, không ai dám vào nhà.
Trẻ con vào nhà, về bị người lớn mắng. Bây giờ, họ hiểu hơn, họ sẵn sàng chia sẻ, đi ăn uống...
“Nhiều người nói không có thằng Thi và dự án thì có nhiều người chết. Nhà mình ở gần điểm nóng mà, gọi cái là đi ngay. Hàng xóm, ai cũng biết và ủng hộ vợ chồng Thi Lả.”
Qua rồi những ngày tháng khi bà con còn ngần ngại chàng trai từ dưới xuôi lên mạn ngược làm công tác cộng đồng, giờ đây căn nhà đơn sơ của anh Thi chị Lả là địa chỉ quen thuộc của người dân bản Xôm và các bản lân cận.
Không chỉ nhận được sự yêu quý của bà con thôn bản, Ban Mai Xanh cũng được chính quyền địa phương tin tưởng và ghi nhận nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS tại địa phương. Hàng tháng, các thành viên nhóm vẫn tổ chức các buổi truyền thông cộng đồng về cứu sốc và phòng tránh lây nhiễm HIV.
“Chú Thi cứu những người bị sốc thuốc tại bản. Người dân trong bản đều quý, không ghét chú Thi đâu...”, chú Sơn – trưởng bản Xôm

Bài viết và Hình ảnh: Thảo Trang
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI Việt Nam