10/09/2018
Thành tựu
Hải Oanh và hành trình sẻ chia
Hải Oanh và hành trình sẻ chia

Báo Phụ nữ Thành phố - Giản dị trong chiếc váy màu vàng, tóc ngắn, giọng nói nhỏ nhẹ, chị xuất hiện trong buổi lễ công bố sự hợp tác của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) và Liên minh HIV/AIDS quốc tế (AIDS Alliance).

Với phong cách dịu dàng và đằm thắm, khó ai biết rằng người phụ nữ đó là Trưởng ban điều hành Diễn đàn Hợp tác phòng, chống HIV/AIDS (VCSPA) với hơn 200 nhóm trải dài từ Bắc đến Nam - Khuất Thị Hải Oanh. Năm 2009, chị trở thành đại diện nữ duy nhất của Việt Nam được vinh danh là Lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) - một giải thưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).




Chị Khuất Thị Hải Oanh (ngoài cùng bên trái) với nhóm nghiên cứu về Phụ nữ tiêm chích ma túy.

Nói đến Hải Oanh là nói đến những hành trình. Con đường mà chị và các thành viên của SCDI xây dựng là những hành trình đến với những người có HIV từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trải qua thời gian dài hỗ trợ người nhiễm HIV và ấp ủ ước mơ thành lập một tổ chức của những người bị bệnh, nhưng phải đến khi được giải thưởng Lãnh đạo trẻ toàn cầu, chị mới đủ tự tin.

Trong lĩnh vực hoạt động phi chính phủ, SCDI trẻ về tuổi đời như chính những cộng sự làm việc ở đó. Đến SCDI vào những ngày bình thường sẽ thấy không khí của một gia đình, mọi người đều tôn trọng những khác biệt của nhau và trìu mến gọi người thủ lĩnh của mình là "Xì Trum", là mình với tớ. Trong góc phòng, những nhóm nghiên cứu quốc tế đang cặm cụi xử lý số liệu; vài đại diện của đối tác tỏ rõ sự hài lòng với các kết quả hoạt động của nhóm tại Việt Nam; những tiếng nói cười rộn ràng của thành viên các nhóm vang lên ở văn phòng chính... Họ là những người nghiện ma túy, những người có HIV, nhưng tự tin và vui vẻ. Câu chuyện của họ với SCDI không chỉ là những hỗ trợ kỹ thuật và những thông tin cần thiết mà họ còn đem cả những lo âu không thể nói với người thân để chia sẻ với đại gia đình SCDI.

Trong hành trình chống lại căn bệnh HIV/AIDS, SCDI hướng đến những hoạt động định hướng về tinh thần cho người nghiện ma túy, người có HIV... Từ con số vài nhóm ban đầu, hơn 200 nhóm của những người nghiện ma túy, người có HIV đã được thành lập trên 40 tỉnh/thành. Đó là những nhóm mở, tự nguyện. Những người nhiễm HIV bị thuyết phục bởi các hoạt động của nhóm rồi chủ động tham gia. Hải Oanh kể, trong một lần đến đảo Quan Lạn, Quảng Ninh, chị gặp một đôi vợ chồng nhiễm HIV. Người chồng bắt đầu điều trị từ năm 2005 nhờ tiếp cận được thuốc giá rẻ qua tổ chức mà SCDI hỗ trợ - Mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng. Gia đình ấy nói rằng, nhờ có mạng lưới này, nếu không thì người chồng ấy đã không còn. Họ không biết Hải Oanh là giám đốc của tổ chức hỗ trợ mạng lưới ấy. Chị cảm thấy thật hạnh phúc khi được sẻ chia với người không may.

Tuy nhiên, câu chuyện về người nhiễm HIV vẫn còn là vấn đề của xã hội. Dù đã trải qua hơn 30 năm kể từ lần đầu tiên được phát hiện, y học đã có những bước tiến mới trong việc điều trị HIV, nhưng sự kỳ thị của cộng đồng, gia đình vẫn hiện hữu. Với Hải Oanh, trải nghiệm về sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV đã tác động nhiều đến định hướng hoạt động của chị tại SCDI.

Chị cùng cộng sự của mình xây dựng chương trình hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân ở bệnh viện kéo dài trong nhiều năm. Tiếp đó là sự ra đời của tạp chí Sống chung với HIV (NCH). Số đầu tiên xuất bản năm 2007, 2.000 bản được phát hành. Đến năm 2012, con số phát hành đã là 12.000 bản. Những nỗ lực đó đã tác động khá lớn vào đời sống tinh thần của người có HIV. Hiện nay, hoạt động hỗ trợ tinh thần cho người có HIV còn được mở rộng sang mảng phát thanh với kênh Radio Nắng Mới.

SCDI dù sinh sau đẻ muộn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, nhưng đã được Liên minh HIV/AIDS Quốc tế (Alliance) tìm đến đặt vấn đề hợp tác (mỗi quốc gia Alliance chỉ chọn một đối tác). Việc trở thành đối tác của Alliance đồng nghĩa với hai năm nữa, SCDI phải tiếp tục đạt thêm 365 tiêu chí khác của Alliance. Đó là một hành trình mới cho Hải Oanh và SCDI.

Hương An

Xem bài gốc TẠI ĐÂY