Operational area
Dự án Bảo vệ Tương lai: Kết quả khảo sát và xây dựng chiến lược can thiệp
Sept. 18, 2018
Dự án “Bảo vệ tương lai – Chiến lược mới nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy ở Việt Nam” đã hoàn thành giai đoạn khảo sát đầu vào nhằm tiến đến xây dựng chiến lược can thiệp hiệu quả cho nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá tại Việt Nam. Sáng ngày 10/3/2017, Hội thảo thông báo kết quả nghiên cứu bước đầu của Dự án đã được tổ chức tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội.
Gần 70 khách mời, bao gồm Chủ tịch và các chuyên gia từ Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) – đơn vị tài trợ cho Dự án; GS. Françoise Barré-Sinoussi; TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đại biểu quốc hội khóa XIV; Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI; các đại biểu từ các Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội; các thành viên từ CBOs, ANPUD (Mạng lưới người sử dụng ma túy châu Á), VNPUD (Mạng lưới người sử dụng ma túy tại Việt Nam), cũng như nhiều cơ quan báo chí như Tuổi trẻ, Thanh niên, Pháp Luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Nghiên cứu đầu vào đã được thực hiện tại TP. HCM, Hải Phòng và Hà Nội, với sự hợp tác chặt chẽ của các nhóm cộng đồng (CBOs) và PACs, từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017. Báo cáo kết quả khảo sát đầu vào của bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI đã đem lại nhiều chi tiết quan trọng như: cần sa được sử dụng phổ biến hơn ma túy đá, heroin không còn là loại ma túy được sử dụng phổ biến như trước kia, ma túy đá bắt đầu được tiêm chích; đặc biệt, những trải nghiệm tiêu cực thời ấu thơ (tên gọi Tiếng Anh là ACE - Adverse Childhood Experiences) là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi sử dụng ma túy của thanh thiếu niên; hơn 20% thanh thiếu niên được phỏng vấn (tổng số 584 người) vẫn đang đi học và đi làm, do đó hành vi sử dụng ma túy có thể đem lại nhiều rủi ro cho công việc và cuộc sống của họ khi phải vào các Trung tâm cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, hơn 50% các bạn trẻ được phỏng vấn thể hiện mong muốn có những biện pháp giúp điều trị nghiện và giảm hại, đây là dấu hiệu khả quan giúp chương trình có thể đào tạo và nâng cao năng lực cho các lãnh đạo của cộng đồng người trẻ sử dụng ma túy, nâng cao hiệu quả của gói can thiệp.
Ảnh: BS. Khuất Thị Hải Oanh trình bày về kết quả khảo sát đầu vào của Dự án.
Trong các phần tiếp theo, chị Nguyễn Thùy Linh – chủ nhiệm chương trình Trẻ em tại SCDI và bác sĩ Olivier Phan đã có bài trình bày về phương án và các gói can thiệp cho thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá. Theo chị Linh, truyền thông kiến thức về ma túy, cơ chế gây nghiện cho giới trẻ là vô cùng quan trọng, do phần lớn trong số thanh thiếu niên được phỏng vấn còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin về sức khỏe của bản thân. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tiếp cận giới trẻ qua các kênh trực tuyến Internet, do các bạn trẻ có nhu cầu tìm hiểu thông tin nhưng tâm lý còn e ngại và chưa thể cởi mở về tình trạng của mình khi giao tiếp ngoài đời thực. Do đó, đại diện từ KTM Advance - đơn vị chuyên thiết kế trò chơi và ứng dụng giúp nâng cao kiến thức và trải nghiệm của người chơi – đã giới thiệu về các chương trình mà công ty đã thiết kế cho các doanh nghiệp tại Pháp và cơ sở y tế tại Việt Nam. Nhờ việc thiết kế trò chơi phù hợp với nhu cầu của giới trẻ, chương trình hy vọng sẽ cuốn hút giới trẻ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm hại, cũng như giao lưu và kết nối với xã hội bên ngoài.
Ảnh: Chị Nguyễn Thùy Linh, phụ trách Chương trình Trẻ em & Thanh thiếu niên tại SCDI, trình bày về phương án và kế hoạch can thiệp
Các khách mời từ Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp- Expertise France, cũng như đại biểu từ Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội và thành viên các nhóm cộng đồng cũng đóng góp rất nhiều câu hỏi và ý kiến sôi nổi. Theo chuyên gia Vikas đến từ Mạng lưới người sử dụng ma túy Châu Á (ANPUD), Heroin khác với ma túy đá về mặt dược động học nên việc chuyển từ hành vi hút sang chích ma túy đá là do hoàn cảnh, không phải để tìm cảm giác mạnh hơn. Theo ông Eric Fleutelot từ Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp, nghiên cứu cần tính đến phương pháp can thiệp và giảm hại cho hành vi tình dục rủi ro cao cũng như xăm mình trong giới trẻ. BS Oanh đã ghi nhận tất cả các đóng góp trên và nhấn mạnh lý do sử dụng ma túy đều xuất phát từ yếu tố tâm lý, hoàn cảnh. Do vậy, sau khi hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi hành vi sử dụng ma túy đá từ hút sang chích, cần tìm ra biện pháp can thiệp để ngăn chặn quá trình này, nhằm đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm HIV/HCV, và phương pháp can thiệp chắc chắn không thể giống với heroin như trước đây.
Bên cạnh đó, các nhóm cộng đồng cũng trao đổi rất thẳng thắn về nguy cơ phơi nhiễm các bệnh trên diện rộng. Theo khách mời từ nhóm cộng đồng tại Hải Phòng, hành vi sử dụng ma túy đá diễn ra tập thể; không phải một người, nên phải đề phòng phơi nhiễm trên diện rộng (HIV, viêm gan B và C, STIs- các bệnh lây truyền qua đường tình dục). Chị Phạm Thị Minh, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Người sử dụng ma túy Việt Nam (VNPUD) thể hiện mong muốn chương trình tạo ra môi trường thuận lợi với tinh thần lắng nghe cởi mở, không phán xét, nhằm khuyến khích các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy đá có thể đến các hội nghị, hội thảo để chia sẻ những trải nghiệm của mình; và để điều đó thành hiện thực, cần mội đội ngũ hỗ trợ vận động chính sách, nhất là tại các địa phương.
Ảnh: GS. Françoise Barré-Sinoussi phát biểu kết luận phiên khởi đầu Hội thảo
Phiên khởi đầu Hội thảo đã được khéo lại với lời kết luận của GS. Françoise Barré-Sinoussi: Đây là chương trình đòi hỏi sự phối hợp của tất cả các thành phần liên quan, do đó đối thoại và hợp tác là hai yếu tố quan trọng nhất nhằm triển khai biện pháp can thiệp phù hợp cho thế hệ trẻ - tương lai của Việt Nam.
Trong phiên tiếp theo của Hội thảo, các tổ chức liên quan thuộc Dự án đã thảo luận và trao đổi ý kiến về việc triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Mời xem các trình bày và báo cáo của Hội thảo tại đây.
Dự án “Bảo vệ tương lai – Chiến lược mới nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy ở Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) thực hiện, là dự án đầu tiên dành riêng cho thanh niên sử dụng ma túy (từ 16 – 24 tuổi) tại Việt Nam, với mục đích mang lại hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị HIV cho nhóm tuổi quan trọng này, thông qua các chiến lược can thiệp sáng tạo. Dự án được dự kiến thực hiện trong 3 năm (2016-2019), với sự tài trợ từ Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp – Expertise France. |
Vân Anh