Bình thường mới của bệnh nhân điều trị methadone

Ngày bình thường “chưa bình thường” - Muôn vàn khó khăn câu chuyện đi uống thuốc hàng ngày

Một ngày của anh Phạm Đình Thi – trưởng nhóm hỗ trợ người sử dụng ma túy Ban Mai Xanh (Điện Biên) bắt đầu vào lúc bảy giờ sáng. Sau khi đánh răng rửa mặt, anh sẽ chuẩn bị xe cộ để lên đường đến điểm uống thuốc Methadone cách nhà khoảng hai cây số. Đây đã trở thành một thói quen với anh. Kể từ ngày đầu tiên bắt đầu tham gia vào chương trình năm 2011, ngày nào cũng như ngày nào, dù trời quang mây tạnh hay gió mưa bão bùng, bất kể ngày thường hay lễ Tết, anh Thi đều đặn đến cơ sở để uống thuốc.
Liệu pháp điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone đã đem đến cho không chỉ anh Thi mà gần 53.000 bệnh nhân trên toàn quốc thoát khỏi sự lệ thuộc của các chất dạng thuốc phiện (heroin là một trong số đó). Sau mười năm tuân thủ điều trị, cuộc sống của anh Thi ổn định hơn nhưng cũng chưa hoàn toàn quay trở về trạng thái bình thường do những rào cản của việc phải đi uống thuốc Methadone hàng ngày… Khi Việt Nam triển khai thí điểm đề án cấp phát thuốc nhiều ngày cho bệnh nhân Methadone từ tháng 4/2021, anh Thi một lần nữa có được cơ hội tiến tới gần hơn đến cuộc sống bình thường mà anh hằng mong ước.
Một phần công việc hàng ngày của anh Thi là tổ chức các buổi truyền thông về giảm hại sử dụng ma tuý
“Những ngày đầu tiên được mang thuốc về nhà, không phải vội vã đến cơ sở y tế vào buổi sáng, thú thực mình có chút không quen (cười). Cảm thấy có gì đó gượng gạo, như cuộc sống thiếu mất một quy trình vậy. Vì việc đi uống thuốc đã trở thành thói quen trong suốt mười năm của mình”, anh chia sẻ.
Quen là thế, nhưng việc phải đến cơ sở y tế để được uống thuốc hàng ngày cũng không ít lần gây ra cho anh những tình huống dở khóc dở cười và đôi khi là những chạnh lòng nữa.
Vào năm 2019, một vụ tai nạn xa máy khiến anh Thi bị rạn xương sườn và xương quai xanh phải nhập viện. Trong thời gian cấp cứu, thuốc Methadone được chuyển gửi đến bệnh viện. Nhưng khi về nhà điều trị ngoại trú, hằng sáng anh Thi vẫn phải nhờ người thân chở đến cơ sở uống thuốc. Do tại thời điểm đó, chưa có cơ chế hay hướng dẫn cho việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân. Tai nạn cũng để lại cho an Thi nhiều biến chứng.
“Gai cột sống bắt đầu hình thành vào tháng 10 năm ngoái, khiến mọi di chuyển của mình đều cực kỳ khó khăn. Buổi sáng dậy mới khổ, đã vậy còn đi uống thuốc hàng ngày nữa. Xe máy chỉ dám đi 5-10km/h. Mỗi khi đi vào chỗ xóc thì cả người rúm lại vì gai cột sống chèn lên rễ thần kinh và cơ”. Việc được cấp thuốc Methadone nhiều ngày dường như đã trở thành cứu cánh và niềm hy vọng, xua tan đi những đau đớn thể xác của anh:
Được mang thuốc về nhà ngày nào là mình thấy vi và bớt khổ sở vì phải đi lại nhiều ngày ấy.
“Giờ uống thuốc của các điểm Methadone cũng khác nhau, nhưng đều sẽ chỉ ở trong một số giờ nhất định vào buổi sáng. Như ở nơi mình đến uống thuốc, thời gian uống là từ 7h15 đến 10h. Nhưng ở xã khác lại rất ngắn, chỉ trong vòng một tiếng là từ 8h30 đến 9h30”. Cũng không phải ở điểm uống thuốc nào cũng có được sự linh động về giờ giấc đối với bệnh nhân. Anh và các bệnh nhân khác từng bị từ chối cấp thuốc với lý do đến muộn hơn so với giờ quy định. “Nếu ngày hôm đó không uống được thuốc thì coi như ngắt mất một ngày điều trị. Nhẹ thì cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. còn nặng hơn thì có người rất khổ sở đợi đến ngày hôm sau”. Giờ uống thuốc do cơ sở methadone định sẵn có thể phù hợp với một số bệnh nhân, nhưng cũng gây khó khăn cho nhiều người để tìm kiếm được công việc có giờ giấc phù hợp, hay nhận được sự thông cảm từ chủ lao động và bạn cùng làm.
“Ví dụ như các anh em đi làm bốc vác hay làm thuê tại xưởng thì 7h30 đã phải có mặt. Mà 7h15 mới được uống thuốc, thì ít nhất 8h cũng mới đến nơi làm việc được. Không phải người chủ nào cũng thông cảm để tạo điều kiện cho mình. Chưa kể những người làm cùng họ cũng sẽ tị nạnh vì sao mình lại được đến muộn. Việc đi làm ít giờ cũng ảnh hưởng đến thu nhập với các công việc trả theo giờ công.”, anh chia sẻ. Ngoài vấn đề về giờ giấc, khoảng cách và phương tiện cũng là mối bận tâm của nhiều bệnh nhân Methadone: “Ai có xe máy thì đi lại còn đỡ, nhưng bệnh nhân Methadone đa phần là khó khăn nên có người phải đạp xe, người thì đi bộ. Đi nhờ được xe ai thì đi, còn không cứ chục cây số ngày nào cũng như ngày nào…” anh Thi không khỏi ái ngại.

Nhịp sống mới: Đầy bỡ bỡ nhưng tràn ngập niềm vui

Với anh Thi, cảm xúc của những ngày đầu vẫn còn vẹn nguyên, dù là 10 năm trước khi bắt đầu vào điều trị Methadone hay bây giờ, khi anh là những người đầu tiên tham gia thí điểm cấp phát Methadone nhiều ngày tại Điện Biên. “Mỗi ngày đến điểm uống thuốc, mình đều hỏi nhân viên tư vấn khi nào mang Methadone về nhà mới được triển khai ở Điện Biên. Mình mong ngóng từng ngày, hệt như cách đây 10 năm chờ tên mình được vào danh sách uống Methadone. Khi đó mình háo hức muốn tìm hiểu rời bỏ ma tuý (bằng Methadone) như thế nào, vì trước đó rất nhiều lần muốn từ bỏ mà không được. Thấy mình như trẻ nhỏ đợi mẹ đi chợ về vậy (cười)!” Và đến ngày 5/5 vừa rồi, anh Thi đã hoàn thành một tháng đầu tiên với việc mang thuốc về nhà một ngày. Với việc tuân thủ điều trị tốt, anh đã được tiếp tục mang thuốc về nhà nhưng với thời gian dài hơn là hai ngày.
 
“Mình vừa đi lấy thuốc về đây. Cầm thuốc mới nhận được của hai ngày trên tay, mình thấy thậm chí còn vui hơn tháng trước rất là nhiều. Vì cảm giác như điều mình mong ước đang thực sự sắp thành hiện thực rồi.” Cứ sau mỗi tháng mang thuốc về nhà thành công như vậy: uống thuốc đủ - đúng và tuân thủ quy định của chương trình, anh Thi và các bạn của mình sẽ được bác sĩ tư vấn kê đơn tăng thêm một ngày được cấp phát thuốc. “Khi được uống thuốc tại nhà mình cảm thấy cuộc sống thư thả hơn. Sáng ra không phải vội vàng đến điểm uống thuốc, có thời gian ăn một bữa sáng tử tế. Trước đây, đôi khi mình cũng lại cố tình đi muộn để nhường các anh em phải đi làm sớm uống trước, tránh cảnh đông đúc. Giờ thì không cần phải như thế nữa.” anh Thi hồ hởi.
Bên cạnh niềm vui, anh Thi cũng nhận thấy những thách thức để làm quen với một nhịp sống mới. “Có lúc mình không nhớ ra hôm đó là ngày phải đến cơ sở y tế để lấy thuốc. Vì tháng trước cách ngày đến một lần, giờ là hai ngày. Cũng có một hôm đến chiều thấy người khó chịu, mệt mỏi mình phát hiện ra là mình quên uống thuốc.” anh Thi chia sẻ chân thành, “Cũng may là vợ mình thấy vậy nên cũng rất hay hỏi han mỗi khi đến giờ uống thuốc, hay là đến ngày lấy thuốc. Có vợ cùng quan tâm khiến mình cảm thấy yên tâm, mình sẽ đỡ quên hơn (cười)”. Anh Thi cũng bắt đầu ghi chép lại những vấn đề mà anh gặp phải trong quá trình mang Methadone về nhà cùng những giải pháp của riêng anh để có thể chia sẻ cho bạn bè tham gia vào chương trình thí điểm các tháng sau. “Ví dụ như để tránh quên uống thuốc, sáng dậy là mình sẽ kiểm tra túi thuốc xem lọ thuốc ngày nào đã uống, ngày nào còn. Mình cũng nói ngày lấy thuốc cho vợ cùng biết để cô ấy nhắc những lúc chẳng may mình quên.”

Ngày bình thường không xa

Những chuyện như quên uống thuốc, quên ngày lấy thuốc, người khác uống nhầm thuốc…đều là những việc có thể phát sinh khi triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đối với tất cả bệnh nhân ở mọi nơi không chỉ tại Điện Biên, hay Việt Nam.
Do đó, cần tạo ra bốn “lớp bảo vệ” giúp cho việc triển khai chương trình vừa an toàn cho mọi người, vừa không quá ngặt nghèo với bệnh nhân. Đó là sự kết hợp của bác sĩ – bệnh nhân – gia đình và cộng đồng. Bác sĩ quan tâm, theo dõi và tư vấn cụ thể cho bệnh nhân khi gặp vấn đề trên tinh thần cùng tìm ra giải pháp. Bản thân bệnh nhân cần nắm rõ các quy định của chương trình, tự giác tuân thủ vì lợi ích sức khoẻ của bản thân và để bảo vệ người xung quanh, ví dụ như cất trữ lọ thuốc Methadone ở nơi cao để tránh trẻ em nghịch và uống nhầm vì tưởng là nước ngọt. Lớp bảo vệ tiếp theo đó là gia đình, những người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cũng như là chỗ dựa về tinh thần, tình cảm để bệnh nhân không đơn độc và việc thực hiện mang thuốc về nhà cũng vì thế sẽ diễn ra thuận lợi hơn nhiều phần. Và lớp bảo vệ thứ tư tạm tính đến thời điểm này đó là sự chung tay của cộng đồng và cụ thể là của các nhóm hỗ trợ người sử dụng ma tuý tại địa phương.
 
Anh Thi chia sẻ nhóm Ban Mai Xanh đã được tập huấn về hỗ trợ tuân thủ điều trị vào tháng 12/2020
Trong thời gian tới, anh và cả nhóm sẽ hỗ trợ các bệnh nhân tham gia thí điểm tại Điện Biên để mọi người cùng đạt được mục tiêu tuân thủ điều trị khi mang thuốc về nhà, và với kinh nghiệm nhiều năm, nhóm cũng thực hiện các hoạt động dự phòng và xử trí sốc thuốc (cứu sốc) trong những tình huống không may.
Từng hỗ trợ nhiều anh em trên địa bàn về các vấn đề liên quan đến nghiện ma tuý, anh Thi nhận thấy phần lớn bệnh nhân nghiện heroin khi tham gia điều trị bằng Methadone đều có những chuyển biến tích cực, đặc biệt về lối sống. Bệnh nhân không còn sử dụng ma tuý nên tinh thần tỉnh táo và tư tưởng thoải mái hơn. Số lượng vi phạm pháp luật như trộm cắp cũng không còn. Tuy nhiều người còn khó khăn trong việc làm nhưng đa phần đã có thể trở lại là một thành viên gia đình đích thực, không còn bị “coi như bỏ” như lúc còn nghiện ngập. Đặc biệt với những bệnh nhân được lựa chọn tham gia thí điểm đợt đầu tiên như anh Thi, sự tự tin trong họ lại được củng cố thêm bội phần.
Anh Thi không giấu nổi vui mừng khi kể về những người cha, người mẹ, người vợ của bạn bè mình tại điểm uống thuốc. Họ cùng gặp gỡ nhau, trò chuyện rôm rả trong buổi chiều một ngày đầu tháng Tư, khi các bệnh nhân và người nhà được mời đến tư vấn tại cơ sở Methadone và nhận thông báo về việc con em họ được chọn vào chương trình thí điểm cấp phát thuốc nhiều ngày. Có lẽ, việc được mang thuốc Methadone về nhà không chỉ có ý nghĩa với người điều trị về phương diện hoà nhập xã hội, mà còn giải thoát cả gia đình họ khỏi mặc cảm của “nhà có những đứa nghiện”. Sự nhẹ nhõm ấy, chắc chắn sẽ cần thêm sự thấu hiểu và đồng cảm của cả cộng đồng để có thể trở thành niềm hạnh phúc lâu dài của những gia đình này.
Mình thực tâm mong đến ngày toàn bộ
bệnh nhân Methadone trên cả nước có thể
được mang thuốc về nhà.
“Có nhiều anh em cảm thấy hụt hẫng khi chưa được tham gia chương trình thí điểm từ những tháng đầu tiên. Mình hoàn toàn hiểu vì sao mọi người lại thấy thế. Nhưng mình cũng nghĩ việc triển khai từ từ, chia thành từng đợt sẽ giúp cho các bên rút kinh nghiệm và khắc phục nhanh chóng các vấn đề phát sinh để tháng sau sẽ tốt hơn tháng trước.” anh Thi chia sẻ “Nhưng khi được bác sĩ giải thích về các tiêu chí lựa chọn một cách rõ ràng và cặn kẽ thì mọi người cũng hiểu ngay, và còn lấy đó làm động lực để phấn đấu!”. Anh Thi bày tỏ: “Mình thực tâm mong đến ngày toàn bộ bệnh nhân Methadone trên cả nước có thể được mang thuốc về nhà, để có được cuộc sống mà mọi người mong muốn. Nên mình nhận thấy trách nhiệm của của mình là những người đầu tiên tham gia đóng vai trò quan trọng như thế nào, để chứng minh rằng mang Methadone về nhà là hoàn toàn có thể thực hiện được tại Việt Nam.”
Và chúng tôi cũng tin tưởng như vậy.
Methadone là giải pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện hiệu quả, khả thi với chi phí tiết kiệm nhất. Điều trị nghiện bằng Methadone đã được chứng minh hiệu quả trong giúp người bệnh giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp. Chương trình Thí điểm Cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày được bắt đầu triển khai tại Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng từ ngày 5/4/2021 trong vòng một năm với sự tham gia của 2.000 bệnh nhân. SCDI tham gia vào quá trình triển khai đề án với vai trò cố vấn kỹ thuật. SCDI phối hợp với các nhóm tự lực hỗ trợ người sử dụng ma tuý thực hiện giám sát dựa vào cộng đồng, hỗ trợ tuân thủ điều trị và quan trọng hơn hết là dự phòng và xử trí sốc thuốc. SCDI cũng tài trợ tổng 150.000 lọ đựng thuốc methadone cho chương trình thí điểm.