Một ước mơ liên thế hệ
Một số khái niệm cần biết
Giới tính sinh học
là giới tính khi sinh và tiếp tục phát triển theo thời gian
Bản dạng giới đề cập đến trải nghiệm sâu sắc, bên trong và cá nhân của một người về giới, có thể tương ứng hoặc không tương ứng với giới tính sinh học
Người chuyển giới (Transgender) là người có bản dạng giới không tương thích với giới tính sinh học của mình.
 

Hành trình vượt qua định kiến

Bộ luật Dân sự năm 2015 thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính đã đánh dấu một bước chuyển mình của cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam. Gần đây hơn, tháng tám năm 2022, khi Bộ Y tế chính thức công nhận các xu hướng tính dục, bản dạng giới đa dạng không phải bệnh lý đã xô đổ thành trì định kiến về cộng đồng LGBTAIQ+ tại Việt Nam, mở ra những cơ hội được sống là mình, được bảo vệ, được phát triển.
Khác với những người chuyển giới “thế hệ trước” như câu chuyện được nuôi tóc dài với mong muốn “khi chết được là con gái” đầy tự hào của chị Nhất Linh từng chia sẻ. Những người chuyển giới của thời điểm hiện tại, với những thành quả của bước tiến chống lại sự phân biệt, đối xử, kỳ thị được thế hệ trước trao truyền, họ ấp ủ những hi vọng và dũng cảm để được sống là mình, được khẳng định bản thân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Dẫu vậy, những thành trì của định kiến vẫn âm thầm được bồi đắp, khi những cơ hội của cộng đồng LGBTAIQ+ nói chung và người chuyển giới nói riêng trong khía cạnh việc làm đang dần len lỏi và níu giữ bước tiến tới sự hòa nhập và bình đẳng. Nói về chặng đường nghề nghiệp của mình, Hà Anh và Linh - những người trẻ cùng chia sẻ những khó khăn, những định kiến, cản trở khi là người chuyển giới. Chưa từng dao động, họ vẫn hàng ngày cống hiến để đưa bản thân mình, và hình ảnh về cộng đồng của mình xóa nhòa những lằn ranh định kiến.

Những cán cân cơ hội

Nguyễn Vũ Hà Anh
MC, diễn viên, người mẫu
Top6 Miss International Queen Vietnam
Cán bộ chương trình Trẻ em và Thanh niên tại SCDI (năm 2019,2020)
Trải lòng về những khó khăn trong quá khứ, ngay từ những bước đi đầu tiên, Hà Anh đã bị chặn đứng bởi rào cản mang tên “giấy tờ tùy thân”. Cô mô tả hành trình tìm kiếm việc làm của mình gói gọn trong “hai khoảng thời gian khó khăn”.
Khoảng thời gian đầu tiên là chuỗi những ngày đấu tranh với lo âu về định kiến và kì thị. Vẻ ngoài nữ tính và mái tóc dài của Hà Anh tưởng như là một niềm hạnh phúc với những người chuyển giới nữ, thế nhưng, lại đối lập hoàn toàn với giới tính nam được ghi nhận trên chứng minh thư. Những câu hỏi về liệu nhà tuyển dụng có e ngại, đánh giá dựa trên vẻ ngoài ấy vẫn còn đeo bám mỗi lần cô ấn nút gửi đi bộ hồ sơ của mình.

Và dù có vượt qua những rào cản ban đầu ấy, những định kiến vẫn tiếp tục xuất hiện trong khoảng thời gian phỏng vấn xin việc. Những định kiến thông qua thái độ dò xét, tò mò từ phía nhà tuyển dụng về việc là một người chuyển giới khiến Hà Anh cảm thấy chùn bước trước ngưỡng cửa cơ hội. Liệu năng lực của những người chuyển giới như cô có được đánh giá một cách công bằng chỉ vì ngoại hình không giống như giấy tờ tùy thân?
Ngược về thời gian còn là một sinh viên, Hà Anh chia sẻ về những lần nhà tuyển dụng từ chối một cách tế nhị qua email sau khi phỏng vấn. Dù chưa thể tìm thấy câu trả lời việc bị từ chối do năng lực hay do bản dạng giới của mình, nhưng có lẽ cô vẫn thấy thoải mái hơn những lần bị từ chối thẳng thừng vì ngoại hình không trùng khớp, những lần bộ hồ sơ xin việc còn chưa được mở ra.
Chưa nhắc đến vấn đề chuyên môn như thế nào nhưng mà việc họ chưa cởi mở với mình đã là một rào cản. Ở những nơi làm việc truyền thống thì các bạn chuyển giới sẽ rất khó tìm kiếm công việc, nhưng đôi khi những nơi làm việc đó đúng với chuyên môn, đúng với ngành học của các bạn thì lại không thể làm việc vì vấn đề ngoại hình
Linh
Bác sĩ nhãn khoa
Thực tập sinh chương trình Hỗ trợ Cộng đồng tại SCDI (năm 2022, 2023)
Là một bác sĩ, tưởng chừng chuyên môn sẽ là điều quan trọng nhất, nhưng Linh cũng gặp phải những trải nghiệm tương tự.
“Mình là bác sĩ thì việc mình là người chuyển giới, có vẻ ngoài khác với giới tính ghi trong hồ sơ của mình ảnh hưởng rất nhiều đến việc các bệnh viện nhìn nhận và đánh giá mình. Dù mình có một hồ sơ rất đẹp và chuyên môn tốt thì những tiêu chuẩn không thành văn về ngoại hình khiến việc tuyển dụng khắt khe hơn rất nhiều…” 
Ngay từ khi tham gia thị trường lao động, Hà Anh và Linh đã phải đối mặt với những khó khăn không tên, những rào cản càng hiện hữu rõ nét. Vấp váp trước những sự kỳ thị và phân biệt đối xử, họ lo lắng về việc liệu bản thân có được nơi làm việc chấp nhận hay không, liệu năng lực của họ có được đánh giá khách quan hay sẽ bị lu mờ bởi định kiến giới.

 Khi cầu vồng cũng cần được tô màu

 
 
Dù sự cởi mở và quan niệm tích cực, tư duy bao trùm được nhiều môi trường việc làm đề cao đã tạo ra những không gian “dễ thở hơn” cho LGBTAIQ+ nói chung và người chuyển giới nói riêng nhưng định nghĩa về một môi trường làm việc thân thiện với người chuyển giới đôi khi vẫn là những ý tưởng chưa thể được chuyển hóa thành những thực hành cụ thể, như những dải cầu vồng mới chỉ được tô một màu.
“Thật ra trong suốt quá trình mình lúc trước mình đi làm thêm, đi học và sau này làm việc ở môi trường bệnh viện. Mọi người hay nhắc đến việc cởi mở dành cho người LGBT hay là môi trường thân thiện với những người LGBT, nhưng mình thấy cảm giác điều đó đặt nặng việc một người là LGBT. Mình nghĩ điều thực sự người LGBT cần là một môi trường bình đẳng. Khi việc quan trọng không phải là bạn là người LGBT mà là quan trọng là giá trị trong công việc bạn đem lại.”
“Chúng mình nhìn thấy những rào cản từ những điều cơ bản như phân biệt nhà vệ sinh nam, nhà vệ sinh nữ. Đối với những người đồng tính thì sẽ đơn giản hơn. Đối với những người chuyển giới như mình, thì sẽ là một vấn đề khi mà vào đâu cũng khó. Ngoài ra có ngày lễ như 8/3, mình là người nam và không hề thích được nhận hoa.”
“Bước ra khỏi tủ” (Come out), một từ lóng nói về việc công khai bản dạng giới/xu hướng tính dục của người LGBTAIQ+. Để được sống là mình, họ cần bước ra khỏi rất nhiều chiếc tủ ngăn cách bản thân với thế giới bên ngoài. Những “cánh tủ” ở nơi làm việc có một vai trò quan trọng để những cầu vồng thực sự được tỏa sáng.
“Theo mình nhớ ngày đầu tiên mình đến SCDI, mình có giới thiệu mình là một người chuyển giới nam. Không có gì khó khăn cả và mọi người không coi đó là một điều “đặc biệt”. Cảm giác như bạn đến và bạn giới thiệu mình tên là gì, mình bao nhiêu tuổi. Thông tin mình là người chuyển giới nam cũng y hệt như vậy” - Linh
Là một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa, công việc của Hà Anh tại chương trình Trẻ em và Thanh niên (SCDI) có thể nói là hoàn toàn trái ngược với ngành học, dù vậy, Hà Anh đã vận dụng những kiến thức về văn hóa, nghệ thuật vào một số can thiệp dành cho trẻ vị thành niên.
“Qua những buổi sinh hoạt thông qua nghệ thuật, các bạn trẻ vị thành niên được truyền tải các kiến thức và kỹ năng để áp dụng vào cuộc sống một cách dễ dàng. Các bạn cũng bớt thu mình lại, dần cởi mở với mọi người xung quanh và sẵn sàng chia sẻ hơn trước. Mình cảm thấy bản thân được đóng góp vào sự phát triển chung, nếu bản thân mình xuất phát chỉ ở mức 5 điểm thôi thì khi làm việc tại SCDI thì có thể lên mức 8, 9”.
“Việc chia sẻ bản dạng giới giúp xoay chuyển suy nghĩ của mọi người về một người chuyển giới như Hà Anh có thể làm được nhiều thứ và hoàn thành tốt công việc của mình. Tinh thần ở SCDI rất thoải mái và mình ấn tượng những buổi làm đầu tiên. Khi mà mình bắt đầu đi làm, được gọi bằng tên mình mong muốn, được mọi người nhìn nhận là một cô gái và đối xử với mình như những chị em khác, mình cảm giác là ôi đây là một môi trường rất là tốt, rất là thoải mái, rất là hòa đồng. Hà Anh nghĩ rằng dù làm trái ngành hay làm đúng ngành đi chăng nữa thì cơ hội phát triển của cũng sẽ tốt hơn. Khi mình thoải mái, nhận được sự chào đón của mọi người thì sự tập trung và những sự sáng tạo trong con người mình sẽ được phát triển hơn”

Chất xám màu cầu vồng

Chia sẻ về kế hoạch “chạy trốn” của mình, Linh nhớ lại khoảng thời gian làm việc tại SCDI đã tạo ra động lực để cậu quyết định ở lại Việt Nam.
“Trước khi mình tham gia SCDI mình có định hướng du học ngành y tế cộng đồng… Vì trước đấy trong 6 năm học Y thì mình cảm thấy việc mình là người chuyển giới chính là rào cản của mình để mình có thể trở thành một người bác sĩ. Mình thấy đồng nghiệp, bệnh nhân sẽ bớt đi sự tin tưởng cho mình nếu mà họ không thực sự thông cảm và hiểu cho những người trong cộng đồng LGBT. Vì thế nên mình quyết định đổi sang chuyên môn y tế khác để không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nữa”
Trong quá trình làm tại SCDI thì mình mới nhận ra là việc mình là người chuyển giới không phải rào cản mà lại là cơ hội để mình có thể theo đuổi chuyên môn là một bác sĩ và đem lại giá trị nhiều hơn cho chính cộng đồng của mình. Mình có thể một phần nào đó, nâng cao nhận thức của mọi người và thay đổi quan điểm, và chứng minh rằng người LGBT luôn xuất hiện và đóng góp sức lực của mình ở mọi ngành nghề
Theo nghiên cứu “Sinh kế với người chuyển giới” do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) Việt Nam và Viện nghiên cứu phát triển (IDS). Hơn 30% tham gia cho biết đã từng nghỉ việc do là người chuyển giới. Hơn một nửa số này đã từng phải nghỉ việc từ hai lần trở lên. Gần 50% người chuyển giới có thu nhập chính từ một công việc bán thời gian, 21 % có tích lũy, 28% đủ chi tiêu, 25% có thu nhập nhưng không đủ chi tiêu và khoảng 26% hoàn toàn không có thu nhập.
Người chuyển giới tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với việc chấp nhận các công việc không chính thức và nhiều nguy cơ như mại dâm để duy trì cuộc sống. Không có việc làm chính thức đồng nghĩa với việc họ đang bị gạt ra khỏi những tấm lưới đỡ của an sinh xã hội, cùng với đó là thách thức về môi trường làm việc thiếu công bằng và không an toàn.
Đồng thời, vấn đề mang tính hệ thống này tác động tới nguồn lực lao động và giới hạn cơ hội tuyển dụng nhân sự chất lượng. Năm 2022, Bộ Y tế ước tính tại Việt Nam có 480.000 người chuyển giới, đồng nghĩa với việc thị trường lao động có thể lãng phí chất xám của gần nửa triệu người. Cộng đồng đa dạng giới ngày càng chứng minh rõ rệt khả năng đóng góp cho mọi ngành nghề, từ khu vực công, tư nhân đến phát triển xã hội. Cản trở trong môi trường làm việc công bằng và bình đẳng có thể khiến cho tình trạng chảy máu chất xám trở nên thêm trầm trọng.
“Về xã hội nói chung, môi trường làm việc thiếu công bằng sẽ bỏ lỡ mất những người thực sự có khả năng. Người LGBT không có bất cứ khác biệt nào về nhận thức và chuyên môn với những người khác. Việc đặt nặng họ là người LGBT sẽ loại bỏ họ khỏi chính cơ hội nghề nghiệp mà họ có thể cống hiến." - Linh.

Một ước mơ liên thế hệ

Sau 9 năm và những thay đổi trong bước tiến hướng tới xã hội bình đẳng, câu chuyện một cuộc sống như bao người khác của người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBTIAQ+ nói chung vẫn đang đi trên một con đường chưa bằng phẳng.

Dự thảo luật này được thông qua là một cơ hội rất tốt cho cộng đồng chuyển giới. Đặc biệt là khi Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính được dẫn dắt bởi Đại biểu Nguyễn Anh Trí, là một bác sĩ, nhà khoa học chứng minh mong muốn chuyển đổi giới tính thông qua những số liệu và nghiên cứu cụ thể, đem đến những thông tin hữu ích, từ đó tác động tích cực đến cách nhìn nhận về cộng đồng của mọi người" - Linh
Tuy nhiên, với Linh điều quan trọng nhất vẫn là truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về LGBTIQ+ một cách khoa học. Đây là cầu nối quan trọng trong việc phổ cập những kiến thức về cộng đồng rộng rãi đến xã hội không chỉ giới trẻ mà ngay cả thế hệ ông bà, cha mẹ.

Tự tin sống thật với chính mình, khẳng định bản thân và theo đuổi ước mơ của mình là điều mà người chuyển giới luôn mong muốn đạt được. Dự thảo Luật Chuyển giới không chỉ giúp người chuyển giới được công nhận giới tính hợp pháp trên giấy tờ mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trong học tập và công việc.” - Hà Anh
Dự thảo luật chuyển đổi giới tính đã đề ra những sự thay đổi để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới được thực hiện đầy đủ và đảm bảo sự lắng nghe những nhu cầu của cộng đồng. Tuy vậy, dù những người chuyển giới có thể chờ đợi để có được những mũi tiêm hormones hợp pháp đầu tiên hay được thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân, việc những thay đổi mang tính hệ thống trong môi trường làm việc sẽ giúp người đa dạng giới được bảo vệ, được làm việc một cách chính thức, dù là sinh kế qua ngày đoạn tháng hay một sự nghiệp lâu dài, được tự hào về bản thân, và được đóng góp cho một xã hội chung bao dung hơn.

Xin cảm ơn Hà Anh và Linh, những người trẻ luôn sống dũng cảm, sống là chính mình. Để mỗi bước đi không chỉ mang theo sự tự hào của bản thân, mà còn là một bước gần hơn tới một xã hội cởi mở, thân thiện và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Ngày 17 tháng 5 năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới - WHO - chính thức loại "đồng tính luyến ái" ra khỏi danh sách các căn bệnh. Nhân sự kiện đó, cộng đồng LGBT thế giới đã chọn ngày 17/5 là Ngày Quốc tế chống kì thị đồng tính, song tính và chuyển giới - IDAHOBIT (International Day Against Homophobia, Biphobia, Intersex-phobia & Transphobia). Chủ đề ngày IDAHOBIT năm nay là "Không ai bị bỏ lại phía sau: Bình đẳng, tự do và công lý cho tất cả". Tại Việt Nam, cộng đồng LGBTIQ+ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và định kiến trong cuộc sống. Với chủ đề của ngày IDAHOT năm nay, cộng đồng LGBTIQ+ tại Việt Nam sẽ có các hoạt động thiết thực vừa tham gia vào việc thúc đẩy cho việc chống lại kỳ thị, vừa hướng đến tạo nên môi trường làm việc công bằng, tự do và bình đẳng cho cộng đồng LGBTIQ+.
Bài viết: Nhật Phương, Hùng Nguyễn
Thiết kế ảnh và minh họa: Hùng Nguyễn
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng © 2024