Những chiến sĩ bảo vệ tương lai
Bảo vệ Tương lai là dự án can thiệp kiểm soát lây nhiễm HIV trên nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện với sự tham gia và điều phối hoạt động triển khai chính từ nhóm cộng đồng (CBOs – Community-Based Organizations). Để thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng dự phòng HIV ở người sử dụng ma túy từ 16-24 tuổi thông qua các gói can thiệp đa chiều, thành viên các nhóm cộng đồng chính là lực lượng nòng cốt trong tiếp cận và triển khai hoạt động của dự án. 

Kinh nghiệm trong hỗ trợ cộng đồng là hành trang vững chắc

Bảo vệ Tương lai 2.0 kéo dài từ năm 2020-2023 với sự tham gia của hơn 100 tiếp cận viên. Phần lớn thành viên trong các nhóm đã có nhiều năm hỗ trợ người sử dụng ma túy, nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV. Đa số các tiếp cận viên là người “trong cuộc”, bởi vậy, họ đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn và có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng của mình.
Tuy nhiên, chính những tiếp cận viên dày dặn kinh nghiệm cũng gặp những thách thức khi đứng trước một nhiệm vụ “khó nhằn”: hỗ trợ kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy. “Trước khi có dự án Bảo vệ Tương lai, thành viên nhóm chúng tôi quen làm việc với những người tiêm chích ma túy hay dùng ma túy dạng truyền thống lớn tuổi, chưa có kinh nghiệm hỗ trợ các bạn trẻ hay tìm hiểu về những loại chất mà các bạn sử dụng như kẹo, ke, cần, cỏ,…”
Các tiếp cận viên cũng thể hiện sự trăn trở trước tình hình dịch HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa “Hiện nay, ma túy xuất hiện thêm nhiều loại chất mới, tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ. Các em có thể bị lệ thuộc vào chất, bị lây nhiễm HIV và còn rất nhiều hệ lụy lâu dài.”
"Tôi mong các em có thể được học hành, được vui chơi, có tương lai sáng lạn như bạn bè đồng trang lứa chứ không phải trượt dài như thế hệ chúng tôi ngày trước”
Giai đoạn đầu khi tham gia dự án, thành viên nhóm cộng đồng cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ càng về cách tiếp cận và làm việc với các bạn trong độ tuổi từ 16-24, trang bị kiến thức về dạng ma túy mà giới trẻ thường sử dụng, những loại đó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống, hành vi của các bạn có gì khác so với độ tuổi lớn hơn… Bước đi đầu tiên luôn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng chính kinh nghiệm sẵn có và mong muốn hỗ trợ cộng đồng đã khiến thành viên các nhóm CBOs chứ không phải ai khác trở thành lực lượng đáng tin cậy trong triển khai hoạt động dự án.
 
 
Ngoài các anh/chị lớn tuổi hơn, nhóm có thêm các thành viên trẻ. Đây là cách mà dự án nhận thấy có thể nâng cao hiệu quả tiếp cận tới nhóm thanh thiếu niên, đồng thời, không chỉ hỗ trợ những người đã từng có kinh nghiệm phát triển năng lực, mà các bạn trẻ cũng có thể tham gia hỗ trợ cộng đồng của mình.  

Thấu hiểu, đồng cảm và không đánh giá chính là chìa khóa

Khi được hỏi về việc hỗ trợ các bạn thanh thiếu niên, các tiếp cận viên đều cho rằng đó là hành trình khó khăn và dài hơi hơn nhiều so với việc hỗ trợ người sử dụng chất, người có HIV lớn tuổi.
“Ở tầm tuổi 16-24, các em không muốn bộc lộ tình trạng của mình, chỉ muốn che dấu vì lo sợ nhiều thứ: sợ gia đình, sợ nhà trường cho thôi học, sợ mọi người xung quanh biết sẽ dị nghị, xa lánh,… Phần lớn mọi người xung quanh phản ứng với việc sử dụng chất một cách rất tiêu cực, không đủ bình tĩnh và quan tâm để tìm hiểu lý do đằng sau hay làm thế nào để giúp đỡ các em. Nếu không có sự thấu hiểu và đồng cảm, các em sẽ ẩn mình và có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời”
Một điều khác biệt của dự án Bảo vệ Tương lai là các hoạt động can thiệp được thiết kế cá nhân hóa với từng khách hàng. Bởi vậy, tiếp cận viên cần tìm hiểu rất kỹ các vấn đề, khó khăn mà từng bạn gặp phải để có thể hỗ trợ đúng cách. Và để nhận được sự chia sẻ ấy, điều quan trọng là tiếp cận viên có thể tạo niềm tin vững chắc nơi khách hàng bằng viêc thể hiện sự chân thành, đồng cảm và không đánh giá.
Ngoài ra, bảo mật thông tin luôn được đặt lên hàng đầu.
“Bảo mật thông tin giống như là một văn hóa của dự án. Khi khách hàng tới đây, dù mình quen biết trước hay thân thiết, các bạn chỉ chia sẻ với mình khi cảm thấy an toàn thôi. Và chỉ khi, cuộc trò chuyện trở nên chân thành và thoải mái, việc hỗ trợ mới có hiệu quả.”
Chị Khánh, tiếp cận viên nhóm Niềm tin xanh tại Hà Nội chia sẻ. ”Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng chất của thanh thiếu niên. Phần lớn những khách hàng tới nhóm là sinh viên, các bạn vẫn đi học, vẫn có trợ cấp từ cha mẹ nên có nguồn kinh tế để sử dụng chất. Một vài bạn đi làm thêm bên ngoài, và cũng vì tính chất công việc nên các bạn ấy cần dùng. Có bạn thì xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ly thân, cảm thấy không được yêu thương hoặc không thể chia sẻ với những người xung quanh.”
 “Mỗi buổi các bạn đến đây thì nhiệm vụ của chúng tôi là khai thác thông tin, như tần suất sử dụng, sau khi sử dụng gặp vấn đề gì về thể chất, tinh thần. Tôi sẽ hỏi hiện tại bạn ấy mong muốn nhận được hỗ trợ gì, muốn thay đổi điều gì. Bắt đầu từ những dữ liệu ấy, nhóm sẽ cung cấp cho các bạn cách giải quyết, sau đó tiếp cận viên và khách hàng sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch để thay đổi”  
Ngoài hỗ trợ về xét nghiệm HIV, cung cấp thông tin về dự phòng lây nhiễm HIV, giảm hại khi sử dụng chất, nhóm còn thực hiện các can thiệp của dự án về sức khỏe tâm thần, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu thông qua các lớp thiền, vòng tròn chia sẻ hay các buổi trị liệu nghệ thuật hoặc trị liệu thông qua trò chơi.  
“Các bạn thanh thiếu niên sử dụng ma túy thường có những chấn thương tâm lý và cảm giác bị cô đơn, cô lập, khó giao tiếp với gia đình cũng như xã hội bên ngoài. Các bạn còn gặp các vấn đề về định kiến và kỳ thị từ môi trường xung quanh. Khi tới nhóm, các bạn có cơ hội được lắng nghe từ những bạn có hoàn cảnh giống mình, được chia sẻ những điều thầm kín mà hiếm khi nói được cho ai”  
Mối quan hệ giữa tiếp cận viên và khách hàng trở nên thân thiết “Dần dần, các bạn thoải mái chia sẻ về cuộc sống, em có những áp lực gì, gặp khó khăn như thế nào. Giao tiếp với anh chị hoặc những bạn khác ở nhóm giúp khách hàng trở nên mở lòng hơn. Các bạn còn giới thiệu thêm bạn bè của mình tới nhóm”. Và qua thời gian, các tiếp cận viên ngày càng hoàn thiện kỹ năng và chuyên nghiệp hơn trong công việc hỗ trợ cộng đồng. 

Đội ngũ hoạt động thầm lặng, nhưng xông xáo, nhiệt tình và hiệu quả  

Cùng trong độ tuổi 16-24, nhưng tại mỗi địa bàn dự án, các bạn trẻ lại có những đặc điểm riêng biệt và gặp các vấn đề khác nhau.
“Ở Sài Gòn, khách hàng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không chạm được tới những dịch vụ cơ bản nhất như chăm sóc sức khỏe. Các bạn không có đủ giấy tờ tùy thân để mua được bảo hiểm y tế, xét nghiệm HIV hoặc vào điều trị ARV, thậm chí nhiều bạn còn không có nơi ở, phải lang thang sống ngoài công viên” Anh Đỗ Quốc Tuấn, trưởng nhóm My Hands triển khai dự án Bảo vệ Tương lai tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Anh Đỗ Quốc Tuấn, trưởng nhóm My Hands triển khai dự án Bảo vệ Tương lai tại TP. Hồ Chí Minh
Cũng theo anh Tuấn, các nhu cầu cơ bản của khách hàng cần được đảm bảo thì mới có thể triển khai những hỗ trợ về dự phòng hay giảm hại sử dụng chất. Ngoài các can thiệp của dự án, nhóm linh động kêu gọi những hỗ trợ về dinh dưỡng, nơi ở an toàn và các hỗ trợ khẩn cấp khác để giúp các bạn đảm bảo an toàn, có một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa hơn.  
Ở điểm nóng về ma túy như tỉnh Nghệ An, số người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt ở khu vực miền núi Quế Phong có đặc thù địa hình xa xôi và người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc, bởi vậy, việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ y tế nói chung về HIV còn gặp nhiều khó khăn. Tiếp cận, vận động những người có nguy cơ cao đi xét nghiệm đã khó, nhưng để đưa họ vào chương trình can thiệp dự phòng bằng Methadone hay điều trị ARV lại càng khó hơn, đặc biệt là các bạn thanh thiếu niên.
Lô Văn Nhất, thành viên của nhóm Sao Va chia sẻ có bạn không đi uống methadone hàng ngày được vì nhà nghèo quá, không có phương tiện, nhà cách trung tâm y tế rất xa.
Ngoài việc thuyết phục bạn ấy và gia đình, Nhất cần ghé qua nhà để đưa bạn đi uống methadone mỗi ngày. Có trường hợp để làm thủ tục chuyển gửi đưa vào chương trình điều trị Methadone phải có căn cước công dân và thẻ nhưng "khách hàng" đã mang đi cầm lấy tiền chơi ma túy. Nhất đến tiệm cầm đồ mượn để chụp lại nhưng không được. Cuối cùng, được sự hỗ trợ của điều phối SCDI tại Nghệ An mới chuyển gửi họ đi điều trị được.  
Ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, những nơi có địa bàn rộng, tình hình sử dụng ma túy phức tạp, các nhóm phải phân công công việc cụ thể để hoàn thành tốt mục tiêu dự án. Thành viên trong nhóm cố gắng tuyên truyền, vận động những người nhiễm và có nguy cơ nhiễm HIV thực hiện các biện pháp dự phòng và tái hòa nhập cộng đồng. Tuy công việc nhiều vất vả, nhưng mọi người cố gắng vượt lên, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ được trở lại với cuộc sống đời thường. Những công sức và nỗ lực bền bỉ đó chỉ mong tạo ra những thay đổi dù nhỏ nhoi.

“Sự thay đổi của khách hàng chính là động lực to lớn nhất”

“Ở văn phòng tôi có cái cân. Nửa tháng sau gặp lại, các bạn ấy lên được nửa cân hay một vài cân. Bọn tôi sẽ hoan nghênh, tặng quà này, khen này. Khi thấy các bạn lên cân chứng tỏ các can thiệp về giảm tác hại về sử dụng chất của chúng tôi đã có hiệu quả.”
"Các bạn không còn thức cả đêm khi chơi ma túy đá nữa, các bạn sử dụng những kỹ năng mà chúng tôi hướng dẫn là điều mà tôi cảm thấy rất tâm đắc."
“Sau khi được dự án đào tạo kiến thức, học những bài học về tư vấn tạo động lực, chúng tôi truyền cảm hứng cho khách hàng để các bạn mạnh mẽ, tự tin hơn. Không phải sử dụng ma túy là sẽ trượt dài, họ vẫn có thể bảo vệ bản thân và gia đình và quý trọng cuộc sống của mình.”  
“Vui có buồn có nhưng vẫn tiếc nuối vì những điều mình chưa làm được. Những bạn mà dự án và nhóm tiếp cận được mới chỉ là con số rất nhỏ. Khi có nhiều hơn những chương trình và các hoạt động can thiệp toàn diện mới có thể chạm tới và hỗ trợ hiệu quả cho các em vẫn còn ẩn mình”  
Một trong những thành công của dự án Bảo vệ Tương lai chính là có sự đồng hành của những tiếp cận viên cộng đồng dày dặn trách nhiệm, nỗ lực, kiên trì, nhiệt tình và xông xáo. Họ chính là những người truyền cảm hứng không chỉ cho những bạn trẻ trong dự án, mà còn cả cộng đồng về việc thay đổi góc nhìn, giảm đi sự kỳ thị và phân biệt đối xử, hỗ trợ không trừng phạt để bảo vệ tương lai của những người trẻ còn cả một chặng đường dài phía trước.
Từ đầu tiên khi em vừa mới đến, em thấy mọi người còn khá xa lạ. Em bị nhút nhát và không tiếp chuyện được với mọi người. Nhưng sau đó em gặp các anh chị ở nhóm, anh chị tư vấn cho em rất nhiệt tình. Em cảm thấy mình nên cởi mở hơn với mọi người
“Từ nhóm Về nhà mà em biết đến Bảo vệ Tương lai. Các cô sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình để em có thể chia sẻ câu chuyện của em. Em cảm thấy được lắng nghe, điều mà em không có được từ gia đình của mình” 
“Các anh còn giúp đỡ mình nhiều trong cuộc sống nữa. Lúc mình bệnh, tiền thuốc thang rồi phòng trọ, không có các anh ở nhóm là em có thể đã không qua khỏi.”
“Lúc sắp sinh, mình không có một nghìn nào ở trong người, anh mới qua đưa mình đi viện. Cái ngày đó mình nhớ hoài luôn, mình không bao giờ quên ơn anh.”  
“Ở nhóm cho mình cảm giác đầm ấm, có người chia sẻ và quan tâm tới mình. Như mình có gia đình thứ hai ở trước mắt. Mình cảm thấy vui và hạnh phúc lắm.”
“Em cảm thấy muốn thay đổi mình, muốn yêu thương bản thân hơn. Vì em còn cả một chặng đường dài phía trước để khám phá…”