Những người bước ra từ làn khói trắng thuốc phiện
Hãy cùng chúng tôi theo dõi những mẩu chuyện chân thực nhất về cuộc sống của người nghiện ma túy, những thay đổi từ khi bắt đầu dùng thuốc và cách họ trở lại với cuộc sống bình thường.
Hơn 10 năm nay, bất kể nắng mưa, 6h30 sáng, Nguyễn Hoàng T., 47 tuổi, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu một ngày mới bằng việc lái xe đến Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm uống thuốc Methadone. Sau đó, anh nhanh chóng đến tiệm cắt tóc của mình để làm việc.
T. nói, có hai mốc thời gian trong cuộc đời anh không bao giờ quên, là hít liều heroin đầu tiên vào năm 32 tuổi và uống cốc Methadone đầu tiên ở tuổi 36. Năm 2005, sau khi ly dị vợ, T. chán nản và bắt đầu dùng heroin qua lời rủ rê của đám thanh niên gần nhà. Chân cầu Thăng Long gần nhà anh khi đó, được coi là “điểm nóng”, nơi tụ tập buôn bán, hút chích ma tuý. 2 năm ở trại cai nghiện không làm mọi thứ thay đổi, cũng như không khiến anh dừng chơi ma tuý.
Nào có ai dám để một thằng nghiện cầm kéo
sờ vào đầu mình.
Đó là thời điểm khó khăn khi mọi biểu hiện nghiện đều hiện rõ trên cơ thể anh. Tiệm tóc vì thế rơi vào tình trạng ế ẩm. Đến năm 2010, T. bắt đầu tham gia Mô hình cảnh sát chuyển gửi của TP. Hà Nội, điều trị nghiện bằng Methadone thay thế. Anh coi đó như một sự khởi đầu và cũng là phương án cai nghiện cuối cùng anh có thể nghĩ đến. Sau một thời gian, sức khoẻ anh dần khá lên, T. lấy hết tự tin đi hỏi vợ và tái hôn cùng năm đó.
Hàng xóm và mọi người xung quanh đều biết T. từng nghiện ma túy, nhưng dường như giờ đây không ai còn màng tới quá khứ đấy của anh nữa. Tiệm tóc của anh có nhiều khách quen hơn. “Mọi người thấy mình đi làm việc bình thường, có gia đình êm ấm, không còn hút chích nữa, người cũng khỏe mạnh hơn nên họ yên tâm”, T. nói.
Thỉnh thoảng đi qua nghĩa trang, nhìn những tấm bia mộ khắc tên những quá cố, không ít người trong số đó từng là bạn mình, cùng nhau hút chích và phê pha trong làn khói trắng của heroin. T. thầm cảm thấy biết ơn và may mắn vì đã được sống.
Nguyễn Tuấn N, 43 tuổi, (Long Biên, Hà Nội) xuất thân từ làng Bảo Lộc (Hà Nam) – nơi được coi là “thiên đường ma tuý” với 90% thanh niên trong làng nghiện.
Khi còn là cậu thanh niên 16 tuổi, anh đã biết heroin là gì, và đến 24 tuổi thì bắt đầu nghiện. Vừa có thuốc hôm nay, N. đã tính đến chuyện mai kiếm tiền ở đâu để mua thuốc. Khi đó, công việc lái tàu chở cát đem lại cho anh thu nhập khá, nên mọi chuyện đều đơn giản, anh không nghĩ xa. “Nhưng có lẽ vì mình hời hợt sống, nên mới thấy đơn giản. Trong cuộc chơi, rồi nó sẽ phải dẫn con người ta đến một thời điểm nào đó. Với mình là đến lúc không kiếm được tiền, không còn gì trong tay, thì lao ra đường ăn cướp, lúc đó mới biết sợ”, N. tâm sự.
Trước khi va vào ma tuý, bản thân N. cũng nhận thức rõ là một khi dùng thì chắc chắn sẽ nghiện. Anh không trách đời, trách người, trách hoàn cảnh hay trách số phận, mà trách bản thân anh vì những gì chính anh đã làm mất.
Do mình không có bản lĩnh thôi,
nên một câu nói tiếc cũng không thể.
Ở thời điểm hiện tại, với N., điều hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc đời anh là kịp dừng lại và sau tất cả những biến cố, vợ con anh vẫn ở bên.
Năm 2011, anh tái nghiện và buộc đi trại cai nghiện. Sau hơn 1 năm kết hôn, vợ anh mới biết anh nghiện và đã khuyên ngăn nhiều lần. Cho đến khi anh điều trị nghiện bằng Methadone, không khí gia đình trở nên dễ chịu hơn. “Uống thuốc vào sức khỏe được cải thiện nhiều. Hơn một năm đầu thì bị tác dụng phụ là buồn ngủ. Nhưng giờ đã cân bằng được, có thể lao động cả ngày. Vợ cũng vui vẻ hơn trước vì bữa cơm gia đình luôn đông đủ”, N. chia sẻ.
Đối với Triệu Thu H., 46 tuổi, (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sự xuất hiện của chồng chị như ánh sáng phía cuối đường hầm, đưa chị ra khỏi ma tuý và mại dâm.
“Ma tuý – dù người dùng rất muốn bỏ nhưng một khi đã bắt đầu thì việc kết thúc lại ở xa tầm với. Có tiền là chơi, không có tiền thì tìm cách cầm cự. Nhiều người bước vào con đường mại dâm cũng là vì thế,” chị cho biết.
Lần đầu gặp nhau, H. thật thà kể hết với chồng là mình không chỉ nghiện, mà còn đang làm nghề mại dâm.
Nhưng thay vì xa lánh, anh lại bước vào cuộc đời và kiên trì giúp chị cai nghiện.
Từng là người trong cuộc, hơn ai hết chị hiểu rõ người ngoài cuộc phải mở lòng ra chấp nhận, thì người bên trong mới có can đảm chìa tay xin được giúp đỡ. “Khác với 10 năm trước, khi mà các tụ tập điểm nóng những người nghiện ma tuý nhiều, dễ tiếp cận thì ngày nay họ chơi kín hơn, các điểm nóng cũng không còn nữa. Trong khi định kiến xã hội thì vẫn thế. Mình càng kỳ thị thì họ càng ẩn mình. Nếu họ cứ thu mình lại như vậy thì mình làm sao có thể giúp đỡ được?”, H. chia sẻ.
H. hiện đang là thành viên trong Nhóm cộng đồng hỗ trợ người sử dụng ma tuý và hành nghề mại dâm. Tại đây, chị giúp đỡ họ tìm hiểu về nhu cầu điều trị Methadone thay thế, xét nghiệm HIV hoặc làm giấy tờ tuỳ thân, tạo việc làm cho họ.
Nguyễn Thanh A., 40 tuổi, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt đầu dùng heroin từ năm 19 tuổi, đến mức các ven tay của chị mất hết, phải dùng đến ven chân để chích. 5 năm trở lại đây thì A. chuyển sang chơi đá.
A. có một cậu con trai 4 tuổi. Người yêu – tức bố đứa bé đang thụ án 15 năm tù vì tội buôn ma tuý. Một mình chị nuôi con cùng với sự giúp đỡ của mẹ. Ban ngày A. bán bún riêu gần nhà, tối lên phố đi bộ cho thuê xe điện kiếm chút tiền trang trải sinh hoạt phí. Cuộc sống tưởng như đủ đầy nhưng “làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, nào có để được cho con đồng nào.”, A. nói.
Nhiều lúc nghĩ, tự dưng vứt hàng trăm nghìn vào những thứ không đâu, chẳng giữ lại được gì.

Giữa một bên nhận thức hiểu rõ trách nhiệm của một người mẹ, người con như thế nào, nhưng bản thân lại thấy trống rỗng khi hồ như không bao giờ có thể làm được điều đó. Nhiều lần nghĩ đến con, A. lại quyết tâm sẽ vì con mà cố gắng, dừng chơi đá để tu chí làm ăn. Chỉ vài ngày sau, “cả người uể oải, buồn chán, mệt mỏi, xương khớp bủn rủn, thế là lại tự lao ra đường tìm thuốc”, chị chán nản.
Mấy tháng trước, A. chủ động liên hệ với chị H. trong Nhóm cộng đồng hỗ trợ người sử dụng ma tuý và hành nghề mại dâm, xin được giúp đỡ cai nghiện. Vì theo chị, “để tự cai thì không có đủ tự tin. 20 năm nhìn lại vẫn thế, vẫn dễ mềm lòng bởi những lời rủ rê”.
Trận xuất huyết dạ dày năm ngoái khiến Hoàng Hải N., 49 tuổi, (Long Biên, Hà Nội) phải thay máu.
Mẹ anh hồ hởi “vậy là nó hết máu nghiện trong người rồi thì sẽ cai được”. N. không mấy tin vào lời mẹ nói, nhưng thời gian gần đây đúng là anh ít thèm thuốc.
Giờ nhìn lại thì ngoài những cơn phê pha mà nó mang lại thì vì nó, tôi cũng mất tất cả.
Trong khi dưỡng bệnh N. có nhiều thời gian để suy nghĩ. Càng suy nghĩ anh lại cảm thấy đời mình trôi qua nhanh quá, chớp mắt đã gần 20 năm kể từ ngày anh hít tép thuốc đầu tiên. Vợ anh cũng không thể chịu được mà đệ đơn ly hôn sau 8 năm vợ chồng. Khi đó anh còn đang thụ án vì bị bắt quả tang khi mua ma tuý. N. có hai đứa con trai, giờ đều đã trưởng thành. Mà quãng thời gian trưởng thành của con, anh thường xuyên vắng mặt. N. luôn dặn dò con là hãy coi bố là tấm gương xấu mà sống thật tử tế nhưng anh cũng buồn vì chính điều đó. “Thấy chúng trưởng thành, sống hạnh phúc bên gia đình mới của vợ mình cũng mừng. Nhưng tự nhiên trong lòng nhói một chút”, N. nói.
Dường như chẳng còn gì trong tay. Từ giấy tờ,tiền bạc, gia đình, lòng tin đều đã cuốn theo làn khói trắng. “Cuộc đời dài ngắn, tôi đi cũng rất xa rồi. Có đôi lúc vẫn thấy hạnh phúc vì thấy tay chân vẫn có thể cử động, gia đình đã khuyết nhưng vẫn còn ở cạnh. Chỉ là nhiều lần trong đời, tôi cứ nghĩ nó là điều đương nhiên”.
Sắp tới, con trai lớn lấy vợ. N. muốn trở lại thành người tử tế và sống thật thẳng thớm đàng hoàng. Quan trọng là phải cai được ma tuý, anh mới có thể tự tin đến dự đám cưới của con.
Phạm Thu M., 44 tuổi, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng ngay từ “con nghiện” cũng làm mình tách biệt ra khỏi người khác, và định kiến xã hội với phụ nữ nghiện ma tuý lớn hơn nam giới.
“17 tuổi, lần đầu hít heroin cùng đám thanh niên mới lớn, không thấy thơm mà cũng không thích, nằm vật 3 ngày mới tỉnh. Nhưng mình cứ phải ngồi gật gật tỏ vẻ dân chơi mặc dù rất mệt. Dần dần lại thấy vui và thích cảm giác đó, vì nếu chơi mà không vui thì đã không chơi nữa”, M. kể.
Những lần ăn cắp để kiếm tiền mua thuốc của M. nhiều đến mức chính chị cũng không nhớ hết. Nhà làm quẩy, ai ở xưởng cũng từng mất xe đạp vì chị “mượn xong đem đi bán”. Sau hơn 1 năm, mẹ M. phát hiện con mình nghiện và đã nhiều lần khuyên ngăn “chơi được thì sẽ bỏ được, mẹ muốn con có hạnh phúc”. Nhưng M. chỉ biết “hứa lần hứa nữa”. Những lời hứa sẽ từ bỏ mà bản thân chị cũng biết rằng sẽ không thực hiện được.
Mình vẫn còn có nhà để về, có gia đình ở bên,
mình không thể mất họ được.
Năm 2016, sau lần ra khỏi trại cai nghiện bắt buộc, M. được dẫn đến gặp một người nhiễm HIV giai đoạn cuối, phải sống nhờ sự giúp đỡ của mọi người, nhưng vẫn quyết tâm cai nghiện vì nghĩ “nếu mình cai nghiện, có thể gia đình sẽ quan tâm đến mình”. Cuộc gặp gỡ đó như bước ngoặt trong cuộc đời, để M. bất ngờ nhận thấy bản thân ở hiện tại: “Mình vẫn còn có nhà để về, có gia đình ở bên, mình không thể mất họ được”. Và những buổi gặp gỡ với những người đã cai nghiện sau đó, Minh quyết tâm cai nghiện.
Chị tham gia đồng lập nhóm và hiện đang là Trưởng ban điều hành của mạng lưới sử dụng ma túy tại Việt Nam. “Để những người nghiện ma tuý và mại dâm trên địa bàn Hà Nội có chỗ để sẻ chia, được tìm sự giúp đỡ”, chị nói.
Lưu Xuân B., 50 tuổi, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là con cả trong một gia đình ba anh em đều dính tới heroin và là một trong những thanh niên đầu tiên của làng Nhân Mỹ nghiện.
Thời điểm năm 1996, thông tin truyền thông còn hạn chế, định nghĩa từ “nghiện” vẫn còn mơ hồ với anh. Hai người em của B. nghiện trước. Nhìn thấy chúng thu mình góc nhà hút hít thứ bột màu trắng anh không rõ tên, tò mò anh “nhập hội”. “Ban đầu một tháng chơi một, hai lần. Rồi đến 3 ngày chơi một lần. Dần dần thì ngày nào không chơi, thì người vật vã, khó chịu, buồn nôn. Thật sự lúc đó cũng không nghĩ là nghiện rồi, nó mơ hồ lắm”, B. nói.
Tự nhận mình là “dũng sĩ diệt gia đình” vì để có tiền mua thuốc, B. tìm mọi thứ có giá trị trong nhà đem bán lấy tiền, thậm chí là lấy trộm tiền của gia đình. Đi trại 2 lần, ngốn mất 4 năm cuộc đời. Nhưng lần nào cũng vậy, khi ở trong trại, B. và mọi người quyết tâm sẽ bỏ ma tuý, nhưng bước chân ra khỏi trại là “ngựa quen đường cũ”.
“Năm 2009, khi phát hiện mình mắc HIV, tôi gần như sụp đổ. Không chỉ cảm giác sợ chết đè nén mà còn nỗi lo ảnh hưởng tới đứa con thứ 2 còn đang trong bụng vợ”, B. kể. Hai người em của B. đã chết. Một người sốc thuốc, một người tự tử sau khi nghi nhiễm HIV. Đám bạn bè nghiện của anh hồi đó giờ cũng “xanh cỏ”. Từng người một rời xa anh. Đúng lúc đấy, B. được cán bộ địa phương giới thiệu điều trị nghiện bằng Methadone. Dù hồ nghi nhưng sau 14 năm nghiện, anh quyết định thử, như một lựa chọn cuối cùng. “Khi mới bắt đầu, mọi thứ đều khó khăn, gia đình và thậm chí là bản thân tôi cũng không dám nghĩ mình đi xa được như hiện tại. Và thật mừng là gia đình vẫn khoẻ mạnh”, B. chia sẻ.
Nguyễn Xuân Đ., 40 tuổi, (Long Biên, Hà Nội) từng là một người nghiện ma tuý.
Nửa cuộc đời anh gắn với chuỗi lặp hút, chích rồi kiếm mọi cách có tiền để làm những điều đó. Xoay vòng không hồi kết, anh đã nghĩ cuộc đời mình thế là hết. Trong mắt mọi người, Đ. là “một thằng ngoan, hiền lành, chăm chỉ làm ăn, biết đối đáp với mọi người. Nhưng vì ma tuý mà cuộc đời nó rẽ ngang”.
“Lần đầu tiên hút heroin là chủ động vì tò mò, không nghĩ sẽ thành nghiện. Rồi sau đó mình thành bị động cuốn vào nó, như một con ma đeo bám mà không có cách nào dứt được. Cứ thèm là hút, là chích. Xin tiền người thân không được thì quay ra bán đồ đạc trong nhà để có tiền mua thuốc. Lúc hết phê thuốc thì đầu óc lại tỉnh táo, thấy cuộc đời mình sao nó thảm đến vậy, thấy có lỗi với gia đình. Nhưng khi lên cơn vật, thì còn nghĩ được gì khác ngoài thuốc đâu”, Đ. chia sẻ.
Năm 2018, lần thứ 2 trở về từ trại cai nghiện bắt buộc, anh được cán bộ địa phương giới thiệu tham gia câu lạc bộ những người từng sử dụng ma tuý (một trong các hoạt động hỗ trợ người cai nghiện ma tuý do mô hình cảnh sát chuyển gửi của SCDI triển khai tại Long Biên). Từ đây, anh biết đến và kiên trì điều trị nghiện bằng Methadone cho đến nay. “Bác sĩ ở trung tâm cấp thuốc đã giảm liều cho tôi từ 80 ml xuống còn 30 ml rồi”, Đ. nói.
Hai năm nay, ngoài việc đi trong thành phố để chuyển hàng phụ em rể, cuộc sống của Đ. chỉ quanh quẩn từ nhà ra ngõ, đến trung tâm y tế rồi về nhà chăm đàn gà, chim cảnh. Anh không nhớ rõ lần gần nhất đi chơi xa khỏi Hà Nội là từ bao giờ. Đ. muốn ra ngoài làm việc để biết xã hội đã thay đổi như nào, nhưng “cái lý lịch từng đi cai nghiện ai cũng dè chừng”. Nói về tương lai, Đ. vẫn giữ hy vọng có thể tìm được công việc toàn thời gian, sống tự lập, không dựa vào mẹ và em gái nữa.
Trên đây là thước phim chân thực nhất về cuộc sống của những con người từng lạc lối trong "cơn say". Từ khi bắt đầu dùng thuốc cho đến khi trở lại cuộc sống bình thường không ma túy là cả một hành trình dài, có quay cuồng, đau khổ, có hoài nghi nhưng cũng có cả nghị lực mạnh mẽ và quyết tâm đứng dậy tại chính nơi mà mình vấp ngã.
"Điều trị là phục hồi". Một môi trường đầy đủ 3 yếu tố: Dịch vụ điều trị khoa học, hiệu quả - Môi trường chính sách phù hợp - Xã hội bao dung, thấu hiểu là ba chân kiềng để đạt được một chiến lược phòng, chống ma tuý bền vững nhưng không thiếu đi sự nhân văn cần thiết. Để người nghiện một lần nữa được làm lại, bắt đầu một cuộc đời tự tin, khỏe mạnh và hạnh phúc.