Sống vượt ra ngoài lớp da của mình
Chúng ta cố gắng kiếm tiền nhiều hơn, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, ở nhà to hơn, nhưng rồi thì sao, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết.

Đó là một thành công lớn, nhưng tôi không hoàn toàn mãn nguyện

Việc tôi đỗ vào Đại học Y là một sự kiện lớn ở trường cấp 3 quê tôi, một vùng nông thôn Việt Nam vào năm 1987. Trong số chừng 500 học sinh hết cấp 3 năm ấy, chỉ có 5 người đỗ đại học. Tôi là học sinh duy nhất đỗ vào trường Y. Đó là một thành công lớn.
Nhưng tôi không hoàn toàn mãn nguyện. Ước mơ của tôi là trở thành cô giáo. Mẹ tôi là người đã “ép” tôi thi vào trường Y. Mẹ tôi làm vậy bởi bà đã mất 2 đứa con vì bệnh tật. Một anh trai của tôi mất khi là một cậu bé 3 tuổi đáng yêu. Một chị gái của tôi mất ở tuổi 17 xinh đẹp.
Đây là bức ảnh hai chị em tôi khi tôi còn là một đứa bé.
Mẹ tôi, một dược sỹ, có chút hiểu biết về y khoa và sức khỏe, vẫn cảm thấy bất an. Bà muốn có một người trong gia đình có thể trông nom mọi người trong nhà khi có ai đó bị ốm.
Người đàn ông trong bức ảnh này là cha tôi. Ông là một vị tướng trong quân đội. Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Bức ảnh này chụp lúc ông đang thắp hương để tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống ở vùng Tây Nguyên trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong số những đồng đội của ông ra đi trong chiến tranh, một nửa là do sốt rét và bệnh tật.
Bức ảnh này được chụp đúng vào lúc cơ quan chúng tôi đang chuẩn bị triển khai dự án sốt rét ở Tây Nguyên, chính các tỉnh Tây Nguyên mà cha tôi đã chiến đấu hơn 40 năm trước. Và tôi đọc Báo cáo Sốt rét Thế giới. Hàng năm, sốt rét lấy đi mạng sống của gần nửa triệu người. Chiến tranh Việt Nam được coi là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Trong 20 năm chiến tranh, hơn 2 triệu người đã mất mạng sống. Hai triệu là số người trên thế giới chết bởi sốt rét trong 4 năm, bởi bệnh lao trong 2 năm, bởi các bệnh không lây nhiễm chỉ trong 3 tuần.
Sức khỏe thực sự là vấn đề an ninh nhân loại...
Tôi sẽ mãi biết ơn mẹ tôi vì đã khiến tôi học y. Y khoa là sự kết hợp của khoa học, nhân văn và nghệ thuật.
Tôi say sưa học tập, tôi say sưa thực hành. Tôi yêu quý bệnh nhân và tôi không nhớ là đã từng có bệnh nhân nào đối xử tệ với tôi. Trong vòng 4 năm sau khi ra trường, buổi sáng tôi làm việc ở bệnh viện, buổi chiều tôi làm việc ở trường đại học y về phương pháp dịch tễ học và y tế công cộng, là khi tôi có cơ hội tham gia một số dự án về sức khỏe cộng đồng. 
Làm việc ở cả hai lĩnh vực, tôi không khỏi so sánh. Là bác sỹ tôi chăm sóc bệnh nhân từng người một. Nếu tôi triển khai chương trình y tế công cộng, chương trình có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người, thâm chí có thể tạo ra các tác động trong dân chúng.

“Tôi làm cho cha mẹ rất phiền lòng…”

Tôi làm cho cha mẹ tôi rất phiền lòng khi tôi quyết định trời bệnh viện để trở thành cán bộ dự án y tế cho một tổ chức phi chính phủ. Dự án đầu tiên mà tôi chịu trách nhiệm là về chăm sóc sức khỏe ban đầu ở một xã người H’Mong sát vùng biên giới phía Bắc, nơi không có nhà vệ sinh, không có nước sạch, các cặp vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai, trẻ con không được tiêm chủng, phụ nữ không bao giờ rời làng, tình trạng tử vong ở bà mẹ và trẻ em rất cao.
Tôi học cách truyền thông và giáo dục sức khỏe, lập kế hoạch, làm báo cáo, tìm hiểu về tình hình chính trị ở địa phương, văn hóa bản địa… và quan trọng nhất là tôi học cách tiếp cận có sự tham gia - thảo luận với chính quyền địa phương, trưởng bản, chủ hộ, và cả nâng cao quyền năng cho phụ nữ để họ dám lên tiếng và ý kiến của họ được tính đến.
Làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng, nhiều người trong số chúng ta phải đối mặt với những thách thức và bức xúc khi có những chính sách hoặc pháp luật không phù hợp hoặc có hại.
Đây là bức hình của hai con trai tôi - chụp hơn 10 năm trước.
Với tư cách là cha mẹ, nhiều người trong số chúng ta lo lắng rằng có thể một ngày nào đó con cái chúng ta sẽ thử chơi ma túy. Là bác sỹ, tôi biết rằng điều đáng lo không phải là bản thân ma túy mà là hậu quả của những chính sách về ma túy chưa phù hợp.
Con cái chúng ta có thể nhiễm HIV hoặc viêm gan C nếu dịch vụ giảm hại không sẵn có, có thể bị sốc thuốc mà không được cứu, có thể bị giam giữ vì xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy. Tương lai của chúng, thậm chí cả mạng sống của chúng có thể bị đánh mất chỉ vì thiếu chính sách phù hợp.
Tôi tiếp cận với chính sách về ma túy khi bắt đầu làm việc về HIV. Trước đây, hơn 80% người sống chung với HIV ở nước tôi bị nhiễm bệnh là do các dịch vụ giảm hại bị coi là bất hợp pháp. Rất nhiều người sử dụng ma túy chết ở độ tuổi rất trẻ - do AIDS hoặc do sốc thuốc. Tất cả những cái chết này đều có thể tránh được. Đa số họ bị bắt đi bắt lại, phải sống trong kỳ thị và phân biệt đối xử.
Sau khi tham dự Hội nghị Giảm hại Quốc tế ở Chiangmai năm 2003, tôi cùng các đồng nghiệp tham gia cùng rất nhiều người nữa vận động chính sách về ma túy. Nước tôi hợp pháp hóa các can thiệp giảm tác hại năm 2006.
To know even one life has breathed easier because you have lived. This is to have succeeded.
- Ralph Waldo Emerson
Khi tôi 25 tuổi, tôi  phải nằm viện vì căn bệnh tương tự như bệnh đã cướp đi chị gái của tôi. Đó là một bệnh tự miễn dịch hiếm gặp và các bác sỹ không biết phải điều trị cho tôi thế nào. Trước đó tôi đã luôn là một cô gái khỏe mạnh, mũm mĩm.
Tôi đứng trước bờ vực của cái chết, như chị gái tôi. Nằm trên giường bệnh trong khi cha mẹ tôi được giám đốc bệnh viện mời đến gặp, biết rằng chú giám đốc sẽ nói gì với cha mẹ tôi, tôi không sợ chết, mà tôi nhận ra một điều - trừ khi chúng ta có ích cho người khác thì việc chúng ta có tồn tại trên mặt đất hay không cũng chả có nhiều ý nghĩa.
Chúng ta cố gắng kiếm nhiều tiền hơn, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, ở nhà to hơn, nhưng rồi thì sao, một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết. Tôi muốn rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, tôi có thể nghĩ rằng tôi đã có ích cho ai đó bằng cách nào đó. 
Có lẽ vì cho đến tận lúc đó, tôi vẫn chưa làm được tích sự gì cho ai nên Thần Chết không muốn mang tôi đi. Từ đó “sống vượt ra ngoài lớp da của mình” trở thành mục đích của tôi.
Cách đây vài năm, tôi đọc thấy rằng Melinda Gates (vợ của tỷ phú - nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng Bill Gates), trong bài phát biểu nhân lễ tốt nghiệp trung học của mình đã trích dẫn câu của nhà thơ Ralph Emerson “Nếu vì ta mà một ai đó thấy dễ thở hơn thì cuộc đời ta đã thành công”.
Tôi trở nên tự tin hơn và bắt đầu có tham vọng. Hợp pháp hóa can thiệp giảm tác hại ở Việt Nam là tham vọng đầu tiên của tôi.
Là một phụ nữ châu Á, lớn lên ở một nước đang phát triển, tôi đã học rụt rè, tuân thủ, và không có tham vọng. Tôi thường nghĩ rằng mình chẳng là gì, rằng một người không thể nào tạo ra sự thay đổi. Giấc mơ của tôi là có một người chồng đẹp trai, tử tế, chăm sóc cho tôi và những đứa con xinh đẹp của tôi. Khi cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đổ vỡ, tôi đầy mặc cảm, tự kỳ thị. Tôi là một kẻ hoàn toàn thất bại.
Cho đến tận khi tôi gặp người đàn ông mà sau này trở thành chồng của tôi. Anh ấy là bác sỹ, người châu Âu, da trắng, làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới. Đối với tôi, anh ấy đến từ một thế giới khác. Chúng tôi thường coi chuyên gia người da trắng là cao siêu hơn chúng tôi và tất cả những gì họ nói và làm đều tốt hơn, hay hơn chúng ta.
Nhưng làm việc với anh ấy trong cùng một dự án, được anh ấy thể hiện sự coi trọng với công việc của tôi, kinh nghiệm của tôi, và hiểu rõ hơn về anh ấy và các chuyên gia nước ngoài khác khiến tôi nhận ra rằng mình cũng chả đến nỗi nào. Có những điều tôi còn biết rõ hơn anh ấy, và có những điều tôi có thể học để theo kịp anh ấy.
Năm 2012, tôi được bầu là Chủ tịch Hội đồng Đại diện của APCASO - một mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực HIV, sức khỏe và quyền con người. Đó là một sự tình cờ và tôi nghĩ rằng vị trí này chỉ mang tính tượng trưng. Tôi chẳng làm gì mấy và cũng chẳng nghĩ rằng mình có thể đóng góp được gì.
Cho đến hơn một năm sau, khi tổ chức rơi vào khủng hoảng, gần như phá sản. Tôi không có sự lựa chọn nào khác mà phải đóng vai trò của mình một cách nghiêm túc, thảo luận với các thành viên trong Hội đồng Quản trị và Hội đồng Đại diện, đưa ra các quyết định táo bạo bao gồm việc thay Giám đốc, chuyển văn phòng từ Kuala Lumpur về Bangkok, và cùng nhau làm việc để vực dậy tổ chức, tài chính và chương trình, là một đối tác đáng tin cậy và tạo ra tác động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Năm 2017, tôi được chọn làm đại diện cho xã hội dân sự ở các nước đang phát triển trong Hội đồng Điều hành của UHC2030 - Diễn đàn toàn cầu về Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (UHC) mà Thái Lan cũng là một thành viên, và đồng thời là thành viên của Nhóm Cố vấn Cơ chế Tham gia của Xã hội Dân sự vào UHV2030 (CSEM). CSEM hiện có hơn 1.000 thành viên ở trên 100 nước. Vị trí này có thể gây choáng ngợp.
Nhưng tôi đã học cách là đúng bản thân mình, đóng góp với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cách nhìn của tôi - một người châu Á, là phụ nữ, là mẹ, là bà, với kinh nghiệm đã từng ly hôn, là bác sỹ, làm việc cho tổ chức phi chính phủ trong nước, phi chính phủ khu vực, và những điều tôi học được từ hàng ngàn người sống bên lề xã hội mà tôi đã có cơ hội được chạm đến. Mục tiêu mà tôi coi là “ruột” của mình trong vai trò này là “Không để ai lại phía sau”.
Tôi xung phong chịu trách nhiệm chuẩn bị bản bình luận của CSEM về Báo cáo Giám sát Toàn cầu về UHC và trình bày báo cáo này tại buổi ra mắt bản báo cáo toàn cầu. Bs. Suwit Wibulpolprasert một trong những người kiến tạo ra chương trình UHC của Thái Lan) - một trong những người hùng của phong trào UHC toàn cầu cũng có mặt và phát biểu tại buổi lễ đó.
Một điều tôi học được trong những năm qua đó là không ai là quá bé nhỏ hoặc quá yếu đuối.
Và chúng ta không nên chấp nhận câu trả lời
“Không thể nào được”.
Trong vòng chín năm qua, chúng tôi đã thử vài lần để có chính sách về cứu sốc sử dụng Naloxone để cứu những người quá liều heroin.
Đây là bức hình của Hiệp, một người khuyết tật, nghiện heroin từ năm 17 tuổi, đã từng bị bắt vài lần. Lần cuối, Hiệp được trả về nhà là để chết, vì Hiệp có HIV và bị lao ngoài phổi không được điều trị ARV và methadone. Trong vòng 6 năm qua, Hiệp đã tham gia cứu gần 500 người khỏi chết vì sốc thuốc. Và em ấy đã tìm được tình yêu của đời mình. Và chúng tôi tổ chức đám cưới cho hai em vào tháng trước 11/2019. Ai cũng hạnh phúc cho em ấy.
Tôi đã học được điều đó trong công việc và trong cuộc sống của tôi, và tôi học được điều đó ở đây, tại Đại hội Sức khỏe Quốc gia này (Đại hội Sức khỏe Quốc gia Thái Lan năm 2020), tam giác làm dịch chuyển cả dãy núi. 
Mỗi thế hệ, mỗi kỷ nguyên có thách thức riêng của mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều rối loạn nhưng chỉ cần chúng ta đồng lòng, hợp sức, chúng ta kết nối với nhau từ trái tim, chúng ta có thể vượt qua được bất kỳ thử thách nào. Cuối cùng thì hạnh phúc thực ra không phải là được tiện nghi, thoải mái. Hạnh phúc là cảm giác được yêu thương, được quan tâm, được cùng nhau, đúng không?
“Tôi đang có vài giấc mơ, và tôi mới có thêm một giấc mơ nữa - giấc mơ có được Đại hội Sức khỏe Toàn dân ở nước tôi và nhiều nước khác trên thế giới. Tôi biết rằng đây là giấc mộng lớn. Nhưng nếu mình muốn giấc mơ trở thành hiện thực thì đầu tiên mình phải mơ đã. Các vị có đồng ý không?”

Dựa trên trình bày của Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh tại Hội nghị Sức khỏe Quốc gia Thái Lan (2020)
Bản quyền thuộc về Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI Việt Nam