07/04/2024
Hoạt động của SCDI
3 hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường
3 hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI


Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hiểu lầm về vấn đề này, dẫn đến những hành động sai lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Bài viết này sẽ giúp bạn giải mã những hiểu lầm phổ biến về bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thiết thực để bảo vệ Trái Đất.

Hiểu lầm thứ nhất: biến đổi khí hậu chủ yếu tác động đến khu vực nông thôn, ít ảnh hưởng đến thành thị

Có người cho rằng biến đổi khí hậu chỉ ảnh hưởng đến khu vực nông thôn, nhưng thực tế đây là vấn đề chung của toàn xã hội, bao gồm thành thị.

Minh chứng rõ ràng nhất là hiện tượng thời tiết ngày càng thay đổi đột ngột. Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt thất thường, khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Nắng nóng và hạn hán kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vào năm ngoái.

Ảnh: Nắng nóng cao điểm tại Bắc bộ, Trung bộ vào tháng 3 vừa qua

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xuất hiện tình trạng nước giếng cạn kiệt trong nửa tháng qua. Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu, khiến cho lượng nước ngọt bị suy giảm và xâm nhập mặn gia tăng.

Thiên nhiên vốn dĩ rất cân bằng, với những ngày mưa xen kẽ những ngày nắng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, phá vỡ sự cân bằng này, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ hệ sinh thái.

Hiểu lầm thứ hai: mục tiêu giảm phát thải carbon là việc của cấp chính sách vĩ mô

Mục tiêu giảm phát thải carbon không chỉ là trách nhiệm của cấp chính sách vĩ mô mà còn là của mỗi cá nhân. Việc hạn chế sử dụng xe máy cá nhân, đặc biệt là xe máy sử dụng xăng, là một trong những cách góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính.

Việc thay thế thịt đỏ bằng thịt trắng (cá, gà,...) hoặc ăn chay cũng có thể giúp giảm lượng khí thải CO2 đáng kể (theo nghiên cứu của GS. Gidon Eshel). Trung bình, một người tiêu thụ thịt đỏ thải ra 7.2kg CO2 mỗi ngày, trong khi người tiêu thụ thịt trắng hoặc ăn chay chỉ thải ra 3.8kg CO2 mỗi ngày. Nếu chỉ cần 100 người trong chúng ta chuyển sang ăn thịt trắng thay vì thịt đỏ, lượng CO2 thải ra môi trường sẽ giảm đến 340kg mỗi ngày.

Không chỉ việc tiêu thụ mà chăn nuôi bò cũng thải ra lượng khí nhà kính đáng kể. Theo thống kê từ Liên hợp quốc dựa trên các nghiên cứu quốc tế uy tín, chăn nuôi bò đóng góp 41% lượng khí metan (CH4) toàn cầu. Mặc dù thời gian tồn tại trong khí quyển của khí metan ngắn hơn nhiều so với khí CO2 , nhưng tác động của nó lại mạnh gấp 28-36 lần. Trong 20 năm qua, hiệu ứng nhà kính do khí metan gây ra gấp 86 lần so với CO2, cho thấy mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đối với biến đổi khí hậu.

Ảnh: Ăn chay cũng là một giải pháp để bảo vệ môi trường ở mức độ cá nhân

Hiểu lầm thứ ba: dùng túi vải cotton (thay cho túi nilon) là bảo vệ môi trường 

Bước vào bất kỳ siêu thị nào ngày nay, bạn dễ dàng bắt gặp những chiếc túi vải cotton được bày bán với nhiều màu sắc bắt mắt và logo thương hiệu nổi bật. Cùng với dòng chữ "thân thiện với môi trường" được in trên bao bì, chúng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng như một giải pháp thay thế cho túi nilon truyền thống.

Sử dụng túi vải cotton được cho là thân thiện với môi trường, tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh "xanh" đó là một thực tế ít ai biết đến, hành trình sản xuất túi cotton ẩn chứa nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. 

Từ khâu trồng bông, nguyên liệu chính cho túi cotton, cần lượng nước và đất đai lớn. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác cũng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Quá trình sản xuất túi cotton cũng thải ra lượng khí CO2 đáng kể, góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu. Theo nhiều nghiên cứu, để bù đắp cho tác động môi trường trong quá trình sản xuất, một chiếc túi cotton cần được tái sử dụng từ 50-100 lần so với túi nilon.
Thay vì tập trung vào việc sử dụng đồ đạc gì, chúng ta nên chú trọng vào cách sử dụng chúng. Sử dụng đồ đạc một cách hiệu quả và tiết kiệm sẽ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.


Nguồn:
1. CNN, Here’s how many times you need to reuse your reusable grocery bags

2. The Guardian, Giving up beef will reduce carbon footprint more than cars, says expert