29/11/2024
Bản tin môi trường
Acid hóa đại dương và những hậu quả khôn lường
Acid hóa đại dương và những hậu quả khôn lường

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Đại dương đóng vai trò không nhỏ trong cuộc sống của chúng ta. Không chỉ là nguồn sinh kế của hơn 3 tỷ người trên thế giới, các đại dương còn giúp sản sinh ra ít nhất 50% lượng oxy trên trái đất, đồng thời hấp thụ một lượng không nhỏ các khí thải nhà kính. 

Tuy nhiên, đại dương đang phải đối mặt với việc bị acid hóa nghiêm trọng. Sự acid hóa của đại dương sẽ để lại hậu quả khôn lường, không chỉ cho con người, mà còn cho tất cả các các sinh vật sống trên trái đất.

Acid hóa đại dương là gì?

Acid hóa đại dương (ocean acidification) thường được gọi là “cặp bài trùng” của biến đổi khí hậu bởi sự tương đồng trong nguyên nhân gốc rễ và mối liên quan mật thiết với nhau của hai hiện tượng này.

Khi các hoạt động công nghiệp của con người được đẩy mạnh, lượng khí CO2 khổng lồ sinh ra từ đó không chỉ bị kẹt lại trong khí quyển, mà còn ở cả bề mặt đại dương. Việc hấp thụ một lượng lớn khí CO2 như vậy sẽ khiến cho tính chất hóa học của nước biển thay đổi, từ đó độ pH bị giảm và gây ra hiện tượng acid hóa đại dương.

Ở thời kỳ tiền công nghiệp vào khoảng từ thế kỷ 18 cho đến thế kỷ 19, độ pH trung bình của đại dương là khoảng 8.2. Tuy nhiên, hiện nay, độ pH trung bình đã giảm xuống còn 8.1. Nói cách khác, đại dương hiện tại đã bị acid hóa tới hơn 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo báo cáo của IPCC, đến năm 2100, nếu tình trạng phát thải không được cải thiện, độ pH còn có thể xuống đến 7.8 (tức tính acid cao hơn 150%), ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa số sinh vật biển.

Ảnh: Quá trình acid hóa đại dương (Nguồn: IAEA)

Hậu quả khôn lường

Khi đại dương bị acid hóa, sự cân bằng hóa học đã tồn tại hàng triệu năm nay trên các đại dương cũng sẽ bị phá vỡ. Sự thay đổi này đặc biệt có hại đối với các loài có vỏ canxi như san hô, hàu, hay tôm hùm, bởi khi nồng độ ion cacbonat trong nước biển bị giảm, quá trình hình thành và duy trì vỏ của chúng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của chúng, mà còn ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học nói chung.

Ngoài ra, vẫn còn hàng tỷ người vẫn đang phải sống dựa vào đại dương và các nguồn lực từ đó. Việc xáo trộn trong hệ sinh thái và môi trường đại dương sẽ để lại những hệ lụy về mặt kinh tế và gây ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người trên khắp thế giới. 

Cần làm gì để cứu lấy đại dương?

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, acid hóa đại dương chưa vượt ngưỡng giới hạn của hành tinh, sự quan tâm kịp thời cho vấn đề này là cần thiết để tránh những hậu quả nghiêm trọng về sau. 

Từ góc độ cá nhân, mỗi người trong chúng ta đều có thể bắt đầu những thực hành đơn giản để giảm thiểu lượng khí thải CO2 mỗi ngày như:

  • Di chuyển bằng phương tiện công cộng
  • Hạn chế tối đa thức ăn thừa
  • Sử dụng năng lượng tái tạo
  • Giảm tiêu thụ thịt

Ảnh: Ưu tiên các biện pháp giảm phát thải CO2 trong hoạt động hàng ngày

Ngoài ra, việc lan tỏa những thực hành này đến gia đình, bạn bè, và cộng đồng của bạn cũng sẽ rất quan trọng để đẩy nhanh nỗ lực giảm phát thải. Chỉ cần một hành động đơn giản mỗi ngày cũng sẽ giúp giảm gánh nặng lên môi trường và bảo vệ ngôi nhà chung của tất cả chúng ta.