Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.
Nếu chỉ nghe nhạc cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, chẳng lẽ bây giờ chúng ta phải dừng nghe nhạc nếu muốn sống xanh sao? Không phải vậy đâu!
Câu chuyện về những vấn đề môi trường của ngành công nghiệp âm nhạc là câu chuyện về sự lựa chọn. Lựa chọn thì luôn có thể thay đổi. Bắt đầu với việc nhận thức rõ hơn về những tác động khi sản xuất và thưởng thức âm nhạc đến môi trường, chúng ta có thể cùng nhau hành động để hướng tới một tương lai của “âm nhạc xanh”!
Ô nhiễm môi trường từ âm nhạc - không chỉ dừng lại ở những chiếc CD
Quả thực, dù không hay bị “chỉ mặt điểm tên” như các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khác, nhưng những tác hại mà ngành công nghiệp âm nhạc gây ra cho trái đất là không hề nhỏ. Theo một nghiên cứu của Đại học Glasgow, hàng năm, ngành công nghiệp này thải ra khoảng 540,000 tấn khí thải nhà kính - tương đương với lượng khí thải từ 60,000 hộ gia đình!
Một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất từ âm nhạc nằm ở khâu sản xuất và phân phối. Từ lâu, những chiếc đĩa CD, đĩa than, băng cassette đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng yêu nhạc. Nếu như trước đây, đó là cách duy nhất để thưởng thức sản phẩm âm nhạc từ nghệ sĩ yêu thích của mình, thì hiện nay, việc mua album vật lý được người hâm mộ duy trì như một cách ủng hộ và giúp tăng doanh số cho nghệ sĩ.
Tiêu biểu như ở thị trường K-POP, việc mua album hàng loạt để ủng hộ thần tượng hoặc sưu tầm photocard đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người chỉ mua về rồi…vứt đi. Việc hàng triệu album được bán ra hàng năm tạo ra không ít gánh nặng lên môi trường khi phần lớn những album này đều chứa vật liệu có nhiều hóa chất và khó tái chế.
Ảnh: Hàng trăm album của nhóm nhạc Wanna One bị vứt bỏ bởi chính người hâm mộ
Những năm gần đây, việc nghe nhạc từ các nền tảng trực tuyến đã dần trở nên phổ biến hơn. Nhờ thế mà người yêu nhạc có thể nghe các bài hát yêu thích ở bất cứ đâu, vào bất cứ khi nào họ muốn. Tuy nhiên, dù không lo về rác thải từ album vật lý, việc nghe nhạc trực tuyến vẫn tạo ra khí thải nhà kính. Vào năm 2016 - khi mà việc nghe nhạc trực tuyến trở nên phổ biến, chi phí môi trường liên quan đến việc phát nhạc trực tuyến qua các thiết bị kỹ thuật số đã tăng vọt lên 350 triệu kilogram. Lý do chủ yếu là từ nhu cầu điện và năng lượng lớn từ các trung tâm dữ liệu để hỗ trợ các dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu.
Chưa dừng lại ở đó, những buổi hòa nhạc trực tiếp và các chuyến lưu diễn quanh thế giới của các nghệ sĩ cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính. Để tổ chức thành công một buổi hòa nhạc, chi phí môi trường mà chúng ta phải bỏ ra là không nhỏ. Ví dụ tiêu biểu nhất là lượng khí thải khổng lồ từ phương tiện vận chuyển thiết bị, từ việc di chuyển của nghệ sĩ và người hâm hộ. Ngoài ra, các yếu tố khác cùng gây phát thải bao gồm việc tiêu thụ năng lượng trong mỗi đêm diễn, việc sản xuất merchandise tại địa điểm tổ chức, v.v.
Khi nghệ sĩ tiên phong thay đổi
Coldplay, ban nhạc nổi tiếng đến từ Anh Quốc, là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc “muốn thì sẽ tìm cách” trên hành trình giảm carbon trong âm nhạc. Năm 2019, khi cho ra mắt album “Everyday Life”, thay vì lưu diễn để quảng bá, Coldplay đã thông báo sẽ dừng hoạt động này cho đến khi tìm được giải pháp “xanh” hơn.
Ảnh: Tour diễn Music Of The Spheres của ban nhạc Coldplay
Và họ đã làm được. Trong bản cập nhật về phát thải từ tour diễn Music Of The Spheres được công bố vào đầu tháng 6 vừa qua, Coldplay cho biết đã giảm được 59% lượng khí thải CO2 so với các tour diễn trước đây trong giai đoạn 2016-2017. Tại địa điểm tổ chức concert, ban nhạc cũng cố gắng sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời bố trí những sàn nhảy và những chiếc xe đạp đặc biệt để người hâm mộ có thể giúp tạo ra điện sử dụng cho mỗi đêm diễn.
Ngoài ra, các cách thức giảm phát thải truyền thống như lắp đặt trạm refill, khuyến khích di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng được áp dụng. Thậm chí, Chris Martin - ca sĩ chính của ban nhạc cũng khiến người hâm hộ không khỏi bất ngờ khi đi tàu hỏa đến địa điểm tổ chức đêm nhạc tại Cardiff.
Mới đây, Coldplay đã cho ra mắt phiên bản đặc biệt của album Moon Music, sản xuất bằng vật liệu tái chế từ rác thải nhựa thu được trên Rio Las Vacas, Guatemala - một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới. Đây là dự án kết hợp giữa Coldplay và The Ocean Cleanup - một tổ chức phi lợi nhuận mà ban nhạc đã hợp tác cùng từ năm 2021 để dọn rác thải trên các dòng sông tại Malaysia và Indonesia.
Ảnh: Boyan Slat, người sáng lập và CEO của The Ocean Cleanup, đang cầm đĩa than mẫu của album Moon Music
Làm gì để viết tiếp những giai điệu của sự thay đổi này?
Chúng ta luôn có thể lựa chọn thay đổi những thói quen cũ để hướng tới một tương lai bền vững hơn cho cả âm nhạc và hành tinh. Mỗi hành động, dù là nhỏ nhất, đều có giá trị và tác động to lớn trong hành trình “làm lành” với trái đất của tất cả chúng ta.
Từ phía nghệ sĩ và các công ty giải trí, thay đổi có thể đến từ việc:
- Chọn lựa địa điểm tổ chức tiện lợi cho việc di chuyển bằng phương tiện công cộng
- Ưu tiên sử dụng vé điện tử thay cho vé giấy
- Bố trí các trạm refill nước sạch và sử dụng vòng tay cổ vũ có thể dụng được nhiều lần
- Ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo nếu có thể
- Sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường trong sản xuất album vật lý
Ảnh: Trạm refill nước tại concert của ban nhạc The 1975
Nếu bạn là một người yêu âm nhạc, bạn có thể sống xanh hơn nữa bằng cách:
- Di chuyển đến các địa điểm tổ chức show diễn bằng phương tiện công cộng
- Mang theo bình nước cá nhân thay cho nước uống đóng chai
- Tái sử dụng CD, merchandise bất kỳ khi nào có thể
Âm nhạc luôn có một sức mạnh kỳ diệu để mang mọi người đến gần nhau hơn. Hy vọng rằng, với cuộc cách mạng “âm nhạc xanh” đang dần nhen nhóm này, con người và trái đất cũng có thể gần gũi hơn và tiến đến một tương lai mà ở đó cả hai đều có thể cùng tồn tại trong hòa bình.