01/09/2024
Bản tin môi trường
Cái gì cũng có giới hạn, hành tinh cũng thế!
Cái gì cũng có giới hạn, hành tinh cũng thế!

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Năm 2023, Trái Đất của chúng ta được “khám bệnh” và chẩn đoán có 6/9 cơ quan đang quá ngưỡng nguy hiểm. Người ta thường nói “giới hạn sinh ra là để phá vỡ”. Nhưng với Trái Đất, nếu vượt ngưỡng này, con người đang tự tay phá vỡ “ngôi nhà lớn” của chính mình.

1. Giới hạn của Trái Đất

Giới hạn của Trái Đất (planetary boundaries) là một khái niệm được các nhà khoa học đưa ra để xác định các ngưỡng an toàn mà con người không nên vượt qua nhằm duy trì sự ổn định của hệ sinh thái toàn cầu. Có tổng cộng 9 giới hạn bao gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm hóa học, axit hóa đại dương, suy giảm tầng ozone, chu trình nitơ và phốt pho, sử dụng nước ngọt và ô nhiễm hạt nhân.

2. Trái Đất phát tín hiệu “không khoẻ"

Theo nghiên cứu từ trang Sciene Advances vào năm 2023, 6/9 giới hạn đã bị vượt qua, bao gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, thay đổi sử dụng đất, ô nhiễm hóa học, chu trình nitơ và phốt pho và sử dụng nước ngọt quá mức.  

 

Ảnh: Năm 2023, có 6/9 giới hạn của Trái Đất đã bị vượt qua (nguồn: Azote for Stockholm Resilience Centre, based on analysis in Richardson et al 2023) 

Khi Trái Đất không khoẻ, con người cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Những thời tiết thời tiết cực đoan hiện này như bão lụt xảy ra thường xuyên hơn, hạn hán và nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng tới hàng triệu người chính là hậu quả của biến đổi khí hậu. Đối với giới hạn sử dụng nước ngọt, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 1,2 tỷ người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước ngọt vào năm 2025.

Mất đa dạng sinh học không chỉ làm giảm số lượng loài động thực vật mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên mà con người phụ thuộc vào. Thay đổi sử dụng đất, như việc phá rừng để làm nông nghiệp, không chỉ làm mất đi môi trường sống của nhiều loài mà còn góp phần vào biến đổi khí hậu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 10 triệu hecta rừng bị mất mỗi năm.

Đối với tình trạng ô nhiễm hóa học từ các ngành công nghiệp và nông nghiệp, đây là thủ phạm gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho con người, bao gồm các bệnh về hô hấp và ung thư. Chu trình nitơ và phốt pho bị phá vỡ do sử dụng phân bón hóa học quá mức, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Theo ước tính, khoảng 80% lượng nitơ trong phân bón không được cây trồng hấp thụ và bị rửa trôi vào các nguồn nước.

3. Cứu lấy Trái Đất

Thực tế, khi không có sự tác động hay can thiệp sai cách của con người, thiên nhiên có khả năng tự chữa lành và tự phục hồi. Ví dụ điển hình là khu vực bị phong tỏa trước đây của nhà máy Chernobyl. Sau thảm họa hạt nhân năm 1986, khu vực này đã bị bỏ hoang và gần như không có sự can thiệp của con người. Kết quả là, thiên nhiên đã dần dần phục hồi, cây cối mọc lại, động vật hoang dã quay trở lại và hệ sinh thái bắt đầu tái sinh. Điều này cho thấy rằng, nếu được để yên, thiên nhiên có thể tự điều chỉnh và khôi phục lại sự cân bằng.

Ảnh: Thảm thực vật phát triển ở khu vực bị bỏ hoang gần nhà máy Chernobyl

Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ dựa vào khả năng tự phục hồi của thiên nhiên mà cần phải hành động ngay để giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn:

  • Trồng cây xanh: Giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm bớt lượng khí Co2 
  • Giảm thiểu rác thải nhựa: Sử dụng các sản phẩm tái chế và hạn chế sử dụng nhựa một lần.
  • Sử dụng năng lượng tái tạo: Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng mặt trời, gió, và thủy điện.
  • Bảo vệ đa dạng sinh học: Bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm và các hệ sinh thái tự nhiên.

“Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta." Một ngôi nhà đủ khoẻ và vững chắc để che chở và bảo vệ con người, hay một nơi trú ngụ dần tồi tàn và thiếu sức sống, tất cả phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta. Hãy cùng nhau hành động để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta!