19/03/2025
Mạng lưới cộng đồng
Chiến thắng bệnh lao: Hành trình không đơn độc
Chiến thắng bệnh lao: Hành trình không đơn độc

Bệnh lao vẫn đang là gánh nặng lớn với không ít người, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương. Mỗi bệnh nhân lao có một câu chuyện riêng. Hành trình chống lại bệnh lao đôi khi không chỉ là chiến đấu với bệnh tật, mà còn với chống chọi với khó khăn kinh tế, mất sức lao động và cả những ánh mắt kỳ thị.

Giữa những thử thách đó, các thành viên CSET đã trở thành “điểm tựa” vững chắc, giúp người bệnh kiên trì trên hành trình điều trị. Họ không chỉ hỗ trợ về tài chính, thủ tục giấy tờ mà còn mang đến hy vọng, góp phần xóa bỏ rào cản kỳ thị và mở ra cơ hội để bệnh nhân hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Hướng tới Ngày Thế giới Phòng chống Lao (24/03), hãy cùng SCDI lắng nghe những câu chuyện đầy nghị lực, nơi các thành viên CSET đồng hành cùng người bệnh trên chặng đường chiến thắng bệnh lao.


Chia sẻ của anh Cường - Bệnh nhân điều trị lao tại Hải Phòng

"Khi biết mình mắc lao, tôi lo sợ việc sử dụng thuốc lao sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị Methadone. Hai căn bệnh, hai phác đồ, tôi thực sự không biết liệu mình có thể vượt qua."

Hành trình điều trị lao đối với người sử dụng Methadone như anh Cường thật sự đầy thử thách. Những triệu chứng tương tự hội chứng cai khi kết hợp hai phác đồ điều trị, cùng các tác dụng phụ của thuốc lao trong giai đoạn tấn công, đã không ít lần khiến anh muốn bỏ cuộc.

Nhưng với sự đồng hành của chị Hằng - một thành viên CSET chuyên hỗ trợ người sử dụng chất, hành trình của anh Cường đã dần trở nên nhẹ nhàng hơn. Hiểu rõ các vấn đề mà anh gặp phải, chị Hằng thường xuyên phối hợp với bác sĩ tại cơ sở Methadone để điều chỉnh phác đồ phù hợp, giúp giảm các tác dụng phụ.

Dần dần, sức khỏe anh Cường hồi phục, quán nước đầu ngõ của gia đình anh lại rộn ràng tiếng cười nói. Anh chia sẻ với nụ cười đầy hy vọng: "Bệnh tật nào rồi cũng qua, miễn là mình còn hy vọng sống."


Chia sẻ của chú Đức - Bệnh nhân điều trị lao tại Nghệ An

"May có mọi người tích cực thăm hỏi động viên, chú đã giữ cho mình một tinh thần tích cực để tập trung vào điều trị bệnh."

Những hiểu lầm và kỳ thị về bệnh lao từng khiến chú Đức bị cô lập trong chính cộng đồng của mình. Những lời bàn tán, ánh mắt e dè đã làm chú chán nản và tự cô lập.

Nhờ sự kết nối từ cơ sở điều trị, chú được chị Hoài - một thành viên CSET tại TP. Vinh - hỗ trợ. Không chỉ động viên chú kiên trì điều trị, chị Hoài còn tổ chức các buổi truyền thông chia sẻ kiến thức về lao với bà con hàng xóm, giúp giảm kỳ thị. Sự đồng hành ấy không chỉ giúp chú Đức vượt qua cảm giác cô đơn, mà còn tạo nên môi trường thân thiện, nơi người mắc lao có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không còn mặc cảm.


Chia sẻ của bạn Ninh - Bệnh nhân điều trị lao tại Gia Lai

“Trước đây em chẳng nghĩ bảo hiểm y tế quan trọng như thế. Đến lúc bị bệnh mới biết có bảo hiểm là mình lại có cơ hội được sống, được khỏe mạnh”

Được chuẩn đoán mắc lao kháng đa thuốc, không có bảo hiểm y tế, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải điều trị tại Gia Lai trong khi làm việc ở Đà Nẵng, tất cả những thử thách này như đã quật ngã Ninh - một cô gái mới 22 tuổi. Dù chi phí điều trị được hỗ trợ, nhưng việc di chuyển giữa hai thành phố phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian, sức lao động sụt giảm càng tạo ra nhiều áp lực hơn trong điều trị. Bệnh lao không chỉ bào mòn sức khỏe, mà còn lấy đi hy vọng của ninh.

Ngay khi biết tới Ninh, SCDI kết nối em với CSET tại địa phương để kịp thời hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. CSET huy động nguồn lực từ nhiều nơi để cung cấp các hỗ trợ về dinh dưỡng, chi phí di chuyển từ Đà Nẵng về Gia Lai mỗi lần Ninh tái khám và nhận thuốc, giúp em đủ sức khỏe và khả năng tìm kiếm việc làm phù hợp với tình trạng sức khỏe ngay khi điều trị. Ninh phấn khởi, “Em lại có thể đi làm, nuôi sống bản thân và hỗ trợ cha mẹ ở nhà.”

Hỗ trợ Bảo hiểm Y tế là một trong những chiến lược của hệ thống CSET nhằm gia tăng khả năng hưởng phúc lợi công của bệnh nhân lao. Chỉ khi tiếp cận được các chương trình chăm sóc sức khỏe bền vững có sẵn tại nơi họ cần, bệnh nhân mới có thể giảm gánh nặng chi phí và không rơi vào vòng xoáy đói nghèo do bệnh tật.


Chia sẻ của các thành viên CSET tại TP. Hồ Chí Minh

“Vì mỗi người khỏi bệnh là một niềm hạnh phúc” 

Với những người đã có hàng chục năm kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng như chị Thúy và anh Phúc, hay những người trẻ như Vy và Quý, những lần nhận được cuộc gọi của bệnh nhân lao báo sức khỏe đã tiến triển, hay sắp hoàn thành điều trị đều là những niềm hạnh phúc khó tả. 

“Những gia đình có cha mẹ điều trị xong, có sức đi làm, con cái được đi học lại là tụi mình mừng lắm. Vì mình cố gắng hỗ trợ, họ cố gắng tuân thủ không chỉ vì khỏi bệnh, mà con cái họ cũng có cuộc sống tốt hơn.” – Chị Thúy. 

“Điều quan trọng nhất là lắng nghe những nhu cầu cần được hỗ trợ trong quá trình tiếp cận y tế và điều trị của bệnh nhân. Mỗi cá nhân có một mong muốn khác nhau và CSET là một người bạn đồng hành để tạo ra môi trường hỗ trợ tốt nhất cho từng người”- Vy. 

Với khởi đầu là chăm sóc sức khỏe, mạng lưới CSET tiếp tục triển khai các hỗ trợ toàn diện trong điều kiện cho phép về bổ sung dinh dưỡng, tiếp cận giấy tờ tùy thân và các phúc lợi công, giới thiệu việc làm phù hợp cho người lớn và thúc đẩy đảm bảo giáo dục cho trẻ em, hướng tới tạo môi trường hồi phục và phát triển bền vững cho mỗi bệnh nhân.


Những câu chuyện về hành trình vượt qua bệnh lao là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự hỗ trợ từ cộng đồng và những giải pháp thiết thực của mạng lưới CSET. Sự đồng hành của CSET đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận dịch vụ điều trị chất lượng, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.