Ngày 10/9/2019, tại Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức “Hội thảo khu vực phía Bắc đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Tham dự Hội thảo có Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội; Ủy viên Ủy ban về các vấn về Xã hội khu vực phía Bắc; Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, đại diện Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của một số tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc; Đại biểu các cơ quan trung ương: Bộ Y tế: Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Vụ Bình đẳng giới; Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; Văn phòng Quốc hội: Vụ Các vấn đề xã hội; UN Women, UNAIDS, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, SCDI và các nhóm cộng đồng của người sống chung với HIV/AIDS và người chuyển giới.
Toàn cảnh hội thảo
Trong phần đầu của hội thảo, các đại biểu được lắng nghe đại diện Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong việc điều trị HIV bằng bảo hiểm y tế (BHYT).
Tính đến hết quý 1/2019, tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị ARV là 91%. Hiện nay, đã có 180 cơ sở khám chữa bệnh đã cấp thuốc ARV từ nguồn BHYT. Những thuận lợi được thảo luận, bao gồm: Tỷ lệ bao phủ BHYT của người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh, trong đó những người nhiễm HIV không có chứng minh nhân dân, người vô gia cư được hỗ trợ mua BHYT; Số cơ sở khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS tăng; Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người nhiễm HIV/AIDS được đảm bảo, cụ thể là khi các nguồn tài trợ không chi trả thuốc ARV, Chính phủ và Bộ Y tế đã có văn bản quy định việc địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT từ nguồn ngân sách và nguồn quỹ BHYT; Quy định trách nhiệm lập danh sách người nhiễm HIV đang điều trị chưa có BHYT của cơ sở điều trị bệnh HIV/AIDS; Thông tin về lợi ích của việc điều trị ARV được tuyên truyền rộng rãi và trực tiếp đến bệnh nhân nhiễm HIV; Chính sách thông tuyến BHYT đã tạo thuận lợi cho người bệnh HIV đi khám chữa bệnh tại địa bàn khác ; Bệnh nhân được khám chữa bệnh và cấp thuốc ARV tại cơ sở tương đương ghi trên thẻ khi đi công tác, học tập, tạm trú dài ngày vượt quá ngày cấp theo hẹn.
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, một bộ phận người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với BHYT. Nhiều tỉnh chưa có quỹ phòng chống HIV/AIDS và quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo nên các nhóm này chưa nhận được nhiều hỗ trợ.
Chị Phạm Thị Huệ - đại diện của người có HIV (NCH), chia sẻ: "Mặc dù việc điều trị HIV bằng BHYT mang lại nhiều lợi ích cho NCH nhưng hiện nay NCH vẫn còn gặp một số những rào cản như: sợ bị lộ thông tin trong quá trình khám và lĩnh thuốc định kỳ, khó khăn khi xin nghỉ làm đi lấy thuốc, đặc biệt là NCH đang làm cho các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp, lực lượng vũ trang,... Một số nhân viên y tế làm lộ thông tin về địa phương bệnh nhân sinh sống hay có biểu hiện kỳ thị và phân biệt đối xử với NCH."”
Từ đó, cộng đồng NCH bày tỏ các mong muốn liên quan đến việc đảm bảo nguồn ARV ổn định; đảm bảo chất lượng dịch vụ và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế; có quy trình và hướng dẫn chi tiết thống nhất về khám chữa bệnh qua BHYT; bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động truyền thông Luật phòng chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế.
Chị Phạm Thị Huệ - đại diện của người có HIV (NCH) chia sẻ
Trong phần tiếp theo của hội thảo, đại diện UN Women và TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát triển Xã hội đã chia sẻ tình hình trên cơ sở giới và đối với người chuyển giới ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Các đại biểu cũng được lắng nghe phần chia sẻ kiến thức về những hiểu biết cơ bản về khuynh hướng tính dục và bản dạng giới thông qua phần trình bày của Bs. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI.
Ông Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ với các đại biểu tham dự trong phần trình bày Những kinh nghiệm và khuyến nghị từ chuyến học hỏi kinh nghiệm về hệ thống dich vụ và hệ thống pháp lý từ Argentina và Mỹ. “Hiện đang có quan điểm bắt họ (người chuyển giới) phải can thiệp y học mới được thừa nhận. Cái đó là không đúng, họ muốn hay không là quyền của họ. Cách tiếp cận với Người chuyển giới phải là cách tiếp cận dựa trên quyền con người, cương quyết và triệt để giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử và phải coi họ là nguồn lực”.
Ông Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ
Đặc biệt, các đại biểu được lắng nghe chia sẻ của đại diện cộng đồng chuyển giới nam và chuyển giới nữ về những khó khăn, rào cản của các bạn trong tìm kiếm việc làm, tìm kiếm các dịch vụ y tế có chất lượng cũng như những sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà các bạn gặp phải tại gia đình, trường học và nơi làm việc.
“Chúng em mong muốn Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội và các đại biểu quốc hội hành động mạnh mẽ hơn để giúp chúng em không bị bỏ lại phía sau.”
“Em chỉ khao khát có một sức khỏe tốt và mong muốn được tiếp cận với các cơ sở y tế đảm bảo chất lượng.”
Anh Chu Thanh Hà, đại diện cộng đồng người chuyển giới nam phát biểu
Trước những chia sẻ của cộng đồng, bà Nguyễn Thị Thu Dung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế tỉnh Thái Bình – đại biểu quốc hội phản hồi: “Chúng tôi ngồi đây là thể hiện sự ủng hộ các bạn. Trách nhiệm của chúng tôi – những người ngồi đây, là có có những hành động mạnh mẽ hơn để ủng hộ các bạn, để các bạn được sống đúng với con người các bạn và để hòa nhập với xã hội.”
Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề được chia sẻ và thảo luận tại hội thảo, trong đó đánh giá cao ý kiến của cộng đồng như những bằng chứng sống giúp các đại biểu dân cử nắm được tình hình thực tế. Từ đó, nghiên cứu các khuyến nghị để xây dựng các chính sách phù hợp, góp phần xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử, nâng cao hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ để người có HIV và người chuyển giới có thể hòa nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.