Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.
Chúng ta đã biết được rằng biến đổi khí hậu đang thúc đẩy nhiều hình thức di cư khác nhau, từ “di cư nhanh” do biến cố thiên tai đến “di cư chậm” do môi trường dần suy thoái. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định di cư của cộng đồng.
Quyết định đó có thể chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau về kinh tế, xã hội, gia đình, v.v. Khi ấy, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có chăng, chỉ góp thêm vào mức độ nặng - nhẹ của những nguyên nhân đó mà thôi.
Chính vì thế, khi xem xét di cư như một biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta cũng cần cân nhắc một cách toàn diện những yếu tố đó để hiểu được khi nào di cư là một lựa chọn tốt, khi nào nó lại khiến cộng đồng càng trở nên dễ bị tổn thương hơn.
Di cư để thích ứng với biến đổi khí hậu - khi nào mang nhiều hại hơn lợi?
Hiểu một cách đơn giản, “thích ứng” chính là cách mà con người phản ứng với môi trường sống ở xung quanh để tồn tại, hạn chế những tác động tiêu cực và cải thiện cuộc sống.
Trong câu chuyện về biến đổi khí hậu, di cư cũng là một cách để con người thích ứng với các thay đổi mà biến đổi khí hậu tạo ra, dù những thay đổi đó diễn ra nhanh hay chậm.
Có ba khía cạnh chính mà chúng ta cần cân nhắc để “đo đạc” xem liệu việc di cư có phải là một quyết định mang đến nhiều nguy cơ cho cộng đồng hay không:
- “Mức độ phơi nhiễm” trước biến đổi khí hậu, thể hiện qua vị trí địa lý của khu vực. Ví dụ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại Việt Nam là khu vực có mức độ phơi nhiễm đặc biệt trước biến đổi khí hậu, do địa hình thấp trũng, khả năng biến mất cao.
- “Mức độ nhạy cảm” trước biến đổi khí hậu, được xác định bằng các đặc tính của một nhóm cộng đồng nhất định. Mỗi nhóm cộng đồng sẽ có những đặc điểm nhạy cảm khác nhau và vì thế cần sự can thiệp ở các mức độ ưu tiên khác nhau.
- Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu: Mỗi người lại có một khả năng thích nghi với môi trường mới khác nhau. Khi cân nhắc khía cạnh này trong câu chuyện di cư, chúng ta sẽ cần trả lời được những câu hỏi như: liệu một người nông dân trồng lúa nước có thể dễ sàng hòa nhập, thích nghi với việc chuyển đổi nghề nghiệp sang môi trường lao động ở thành thị hay không?
Khi hiện tượng di cư xảy ra trên quy mô lớn và không được cân nhắc kỹ lưỡng, các cộng đồng di cư, vốn đã dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, sẽ phải chịu thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe.
Đọc thêm bài viết: Di cư "thời" biến đổi khí hậu: Từ bất đắc dĩ đến cơ hội tái thiết tương lai
Ảnh: Di cư là cách để con người thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu
Di cư - mảnh ghép của chiến lược tổng thể
Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và di cư không đơn thuần là một sợi dây tuyến tính mà là một bức tranh phức tạp với nhiều khía cạnh. Di cư có thể là một chiến lược thích ứng, nhưng không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu.
Việc di cư, đối với người này có thể là hy vọng về một tương lai tươi sáng, nhưng đối với người khác lại có thể là vòng xoáy lớn hơn của những thách thức mà vốn họ vẫn phải đối mặt.
Thay vì chỉ đặt ra lựa chọn "đi hay ở", chúng ta cần mở rộng các phương án cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm cả việc hỗ trợ họ tiếp tục phát triển tại chỗ thông qua các giải pháp thích ứng bền vững, hoặc tạo điều kiện cho họ di cư an toàn và có kế hoạch khi cần thiết.
Ảnh: Bên cạnh việc di cư, chúng ta cần có cả những giải pháp giúp cộng đồng thích ứng tại chỗ
Ví dụ, một chiến lược toàn diện cần kết hợp cả các giải pháp thích ứng tại chỗ (phát triển sinh kế bền vững, cải thiện hệ thống tưới tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu) và các chính sách hỗ trợ di cư (đào tạo nghề, hỗ trợ tái định cư, bảo vệ quyền lợi người di cư).
Chỉ khi đó, di cư mới thực sự trở thành một công cụ thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tạo ra một quá trình chuyển đổi tích cực, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho các cộng đồng.