Thông tin chung
Tên đầy đủ: Hướng tới chấm dứt bệnh lao cho người tiêm chích ma túy: Đánh giá can thiệp dựa vào cộng đồng tại Việt Nam (DRIVE-TB)
Nhà tài trợ:
-
Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi (ANRS-MIE)
-
Đại học Montpellier, Pháp
-
Đại học New York, Mỹ
Giai đoạn: 9/2023 - 11/2026
Địa bàn triển khai: TP. Hải Phòng
Thực hiện: Văn phòng Duyên hải
Theo dữ liệu từ Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam năm 2023, ước tính có khoảng 4300 người mắc bệnh lao đồng nhiễm HIV. Các yếu tố nguy cơ tái phát và tái nhiễm lao ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/AIDS bao gồm việc không tuân thủ điều trị HIV kết hợp điều kiện chăm sóc y tế kém, các yếu tố dịch tễ, chủng vi khuẩn lao thích nghi với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, v.v. Khả năng mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV là 50%, gấp 10 đến 30 lần so với người không nhiễm. Do đó, việc phối hợp các nỗ lực phòng chống lao và HIV là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm. Điều này có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu sự lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, những rào cản trong tuân thủ điều trị với người bệnh lao sử dụng thuốc Methadone cũng là một thách thức lớn. Mỗi trong những trở ngại trong điều trị lao ở nhóm này là sự tương tác phức tạp giữa thuốc lao (bao gồm pác đồ 3HP điều trị lao tiềm ẩn), methadone và các loại ma túy khác. Phản ứng phụ của thuốc, hội chứng cai và cảm giác khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày làm tăng tỷ lệ bỏ điều trị. Đặc biệt, do liều methadone không thể điều chỉnh tức thời và phải tuân theo quy trình y tế, nhiều khách hàng không được đáp ứng nhu cầu kiểm soát triệu chứng kịp thời, gây ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó, hạn chế trong tiếp cận thông tin, điều kiện kinh tế khó khăn cũng là những yếu tố cản trở việc tiếp cận và điều trị hiệu quả.
Để tiến tới mục tiêu Chấm dứt bệnh Lao, SCDI triển khai dự án DRIVE-TB, nhằm đánh giá hiệu quả của các can thiệp dựa vào cộng đồng trong phòng chống bệnh lao cho nhóm người tiêm chích ma túy (PWID) tại Hải Phòng. Việc triển khai DRIVE-TB được hỗ trợ bởi sự tham gia của các thành viên cốt cán từ các nhóm CBOs, những người tiên phong trong dự án nghiên cứu DRIVE-HIV (Sử dụng ma túy và các bệnh truyền nhiễm ở Hải Phòng) giai đoạn 2016 đến năm 2020. Các CBOs này có kinh nghiệm dày dặn trong việc tiếp cận và hỗ trợ PWID, đồng thời được nâng cao năng lực để triển khai dự án hiệu quả và duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với SCDI.
Dự án tiến hành sàng lọc lao cho người tiêm chích ma túy bằng phương pháp Chọn mẫu dây truyền có kiểm soát (RDS), kết hợp với xét nghiệm lao tiềm ẩn bằng phương pháp QFT và HIV. Bệnh nhân mắc lao hoạt động/tiềm ẩn sẽ được chuyển đến các cơ sở y tế để điều trị, kết hợp với thuốc kháng virus ARV, Methadone và các dịch vụ tham vấn về sức khỏe tâm thần. Bên cạnh hoạt động sàng lọc lao, trong năm 2024, dự án tập trung chú trọng vào các hoạt động hỗ trợ tuân thủ điều trị - một vấn đề còn nhiều thách thức trong nhóm PWID. Các thành viên trong nhóm cộng đồng không chỉ tham gia thực hiện sàng lọc, tư vấn mà còn đóng vai trò quan trọng trong đồng hành, hỗ trợ tuân thủ điều trị, kết nối giữa khách hàng và các cơ sở điều trị. Các CBO sẽ theo dõi chặt chẽ khách hàng, hỗ trợ và khuyến khích họ hoàn thành quy trình điều trị lao. DRIVE-TB được triển khai cho đến năm 2026, nhằm mục tiêu giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lao trong cộng đồng người tiêm chích ma túy, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Kết quả năm 2023
Trong năm 2023, 1179 người sử dụng ma túy được xét nghiệm HIV và sàng lọc lao miễn phí; 40 bệnh nhân mắc lao hoạt động và 91 người mắc lao tiềm ẩn được chuyển gửi điều trị và hỗ trợ tuân thủ điều trị
Kết quả năm 2024
Trong năm 2024, 1564 khách hàng đã được tiếp cận sàng lọc và 100% nhận tư vấn về kiến thức cơ bản liên quan đến bệnh lao. Trong đó, phát hiện 34 trường hợp lao hoạt động. Đồng thời, 194 người được tư vấn mời sàng lọc lao tiềm ẩn, phát hiện 39 trường hợp lao tiềm ẩn.
Dự án đã hỗ trợ 70 khách hàng điều trị lao hoạt động, trong đó 29 người hoàn thành phác đồ điều trị. Với lao tiềm ẩn, 88 khách hàng được hỗ trợ tuân thủ, và 58 người đã hoàn tất điều trị cũng như thực hiện thăm khám cuối cùng.
Đồng thời, dự án cũng triển khai các hỗ trợ xã hội: cung cấp 27 gói dinh dưỡng và thuốc bổ, 7 lượt hỗ trợ điều trị methadone, 21 lượt hỗ trợ chi phí khám bệnh, hỗ trợ và kết nối để 15 người nhận được BHYT; hỗ trợ chuyển gửi và điều trị tâm thần cho 7 khách hàng.
Đầu mối
(Ms.) Nguyễn Thị Hà - Điều phối dự án Văn phòng Duyên hải