11/10/2023
Trẻ em và Thanh niên
Đứa trẻ sinh ra trong vết nứt
Đứa trẻ sinh ra trong vết nứt

Tôi không có ý niệm gì về bố. Còn mẹ thì chỉ thực sự xuất hiện trong cuộc sống của tôi kể từ khi lên năm, sau khi bà trả xong món nợ án. Tôi chưa từng được đi học. Vậy nên tôi không có bạn. Mối quan hệ xung quanh tôi chỉ có mẹ, hai anh trai, một chị gái. Nhưng không một ai trong số đó thực sự cần tôi.  

“Nhiều khi tôi tự hỏi, tại sao mình lại được sinh ra trên cuộc đời”  

Tuổi thơ của anh chị em tôi thiếu vắng hình ảnh của bố mẹ. Bốn đứa trẻ nheo nhóc, như đám cỏ dại dựa vào nhau mà lớn lên. Không sự chỉ bảo, không ai quan tâm hay dạy dỗ, giữa chúng tôi đã có rất nhiều chuyện xảy ra trong khoảng thời gian ấy. Những ký ức kinh hãi luôn rõ mồn một bất kể thời gian trôi qua bao lâu. Một đứa trẻ con như tôi khao khát có được sự chở che của mẹ.  

Nhưng rồi khi bà ấy quay trở lại, sự thiếu thốn trong tôi cũng chẳng được lấp đầy. Tôi cảm thấy mẹ không yêu thương tôi. Tôi kể cho mẹ nghe những gì xảy ra khi bà vắng mặt, nhưng tất cả những gì bà ấy làm chỉ là bảo tôi giữ bí mật, không sẽ xấu mặt gia đình. Không một lời an ủi, không một câu bênh vực hay đòi lại công bằng cho tôi, dù chỉ trong phạm vi gia đình. Mẹ luôn dung túng cho anh chị, dù họ có làm sai và mắc lỗi lớn đến bao nhiêu. Người sai luôn là tôi. Tôi không phải con của mẹ ư? Tại sao mẹ lại đối xử với tôi như vậy? Câu hỏi ấy cứ kéo dài trên con đường trở thành người lớn, nhưng dần dà tôi chẳng mong tìm được câu trả lời.  Tôi như một đứa trẻ sinh ra trong vết nứt của cuộc đời. Tình cảm gia đình tôi rạn nứt. À không! Đâu có thứ gọi là tình cảm tồn tại trong gia đình của tôi.  

Cơn giận dữ của người bất hạnh  

Tôi ghét mẹ. Tôi làm những điều khiến mẹ tức giận. Tôi tìm đến ma túy, nương vào những cảm xúc phê pha ngắn ngủi mà nó mang lại để quên đi thực tại. Tôi “đi khách” ngay tại nhà, phần để “trả đũa” mẹ, phần để kiếm được tiền và rời khỏi nơi này càng nhanh và càng xa. Và bà đã tức giận thật. Bà đay nghiến và chì chiết tôi nhiều hơn. Bà nói “giá như không có đứa con là tôi”. Cuộc chiến trong gia đình không ai là người chiến thắng. Thay vì hả hê, càng ngày, tôi càng đi sâu vào ngõ cụt. 

Khi hiện thực được ước mơ rời khỏi mẹ, cảm giác hạnh phúc cũng chẳng xuất hiện. Ngược lại, việc nương nhờ vào sử dụng chất khiến tôi càng lệ thuộc, cuốn sâu hơn vào vòng xoáy luẩn quẩn mà nỗi đau thì vẫn hiện hữu. Tôi tiếp tục “hành nghề” để duy trì cuộc sống độc lập. Cái suy nghĩ được đến đâu hay đến đó và chẳng có gì để mất khiến tôi không có bất cứ khái niệm nào về việc bảo vệ bản thân.  

Nhiều lúc khó khăn và cô đơn quá, tôi trở về nhà và hy vọng le lói nhận được một vòng tay. Nhưng những gì tôi nhận được chỉ là sự từ chối lạnh lùng. Lúc ấy, tôi thề với bản thân rằng dù thiếu thốn như thế nào tôi cũng sẽ sống dựa vào chính khả năng của mình. Cuộc đời của tôi cứ trôi đi trong ngông cuồng như vậy.   

Để thương người khác liệu có bắt đầu từ thương chính bản thân mình? 

Tình yêu thương là gì nhỉ, có mùi vị như thế nào mà người ta nhắc về nó mãi. Tôi hy vọng sẽ được cảm nhận điều ấy. Tôi lao vào những mối quan hệ như thiêu thân với mong muốn sẽ được nếm mùi vị yêu thương. Nhưng chỉ có đau khổ, tranh cãi và những trận đòn. Tôi tưởng sự ngược đãi ấy là yêu thương và vô thức theo đuổi nó, cho tới khi người ấy bỏ đi không chút do dự. Và tôi cũng mất dần niềm tin mình xứng đáng với những điều tốt đẹp.  

Nhìn sang những người đồng trang lứa, họ ở cái tuổi chăm chút cho bản thân để có một vẻ ngoài trẻ trung xinh đẹp, tương lai rộng mở với vô số cơ hội hưởng thụ cuộc sống. Nhìn về tôi, một con bé 24 tuổi, thấp bé, xù xì như củ khoai tây, chưa bao giờ được đi học, vật lộn để có miếng ăn hàng ngày, khoác lên mình bất cứ bộ đồ nào mà những người xung quanh cho để che đậy một tâm hồn héo hon. Nhiều hơn một lần tôi tìm đến sự giải thoát. Cổ tay tôi chẳng chịt những vết cắt. Nhưng hình như thần chết cũng không chấp nhận tôi.  

Bước ngoặt của cuộc đời đến khi tôi phát hiện mình mang thai. Với một người không xứng đáng với bất cứ điều gì như tôi, đứa bé đến như một món quà bất ngờ và đẹp đẽ. Tôi như choàng tỉnh giữa cơn mơ. Hơn bao giờ hết tôi ước ao xây dựng một mái ấm. Cuộc đời tôi đã chẳng còn gì để mất, nhưng tôi mong muốn con tôi lớn lên với ký ức hạnh phúc và ngập tràn yêu thương chứ không phải đau đớn và thương tổn.  

Đứa trẻ sinh ra từ vết nứt cũng xứng đáng được yêu thương 

Kể từ khi sinh con, tôi muốn từ bỏ việc sử dụng chất và tìm kiếm một công việc khác để có thể nuôi con. Nhưng việc này không hề dễ dàng. Cuộc sống khi có một đứa bé càng thêm nhiều thứ phải lo toan.  

Giữa thời điểm khó khăn ấy, tôi gặp một người chị xã hội. Chị làm việc tại một nhóm cộng đồng dự phòng HIV cho thanh thiếu niên sử dụng chất giống như tôi. Chị đưa tôi đến nhóm để làm xét nghiệm, tư vấn kiến thức, giảm hại khi sử dụng chất và các thực hành an toàn để tôi có thể tự bảo vệ bản thân mình. Chị thường xuyên liên lạc với tôi để hỏi thăm tình hình, đưa đón tôi tới nhóm, động viên những lúc khó khăn. Khi tới đây, tôi được tham gia vào vòng tròn những người giống như tôi, chằng chịt vết thương mà cuộc sống mang lại và đều mưu cầu hạnh phúc. Ở đó tôi được chia sẻ và lắng nghe bằng sự chân thành và không phán xét. Chẳng hiểu vì sao giữa người với người có thể ấm áp và khoan dung đến thế, hơn cả những người máu mủ ruột già.  

Với sự đồng hành của chị và nhóm cộng đồng mà tôi tham gia, tôi đã dần dần bỏ được việc sử dụng chất. Tôi cũng từ bỏ công việc kia, vay mượn để mở một quán nước mưu sinh qua ngày. Thu nhập không dư dả gì, cuộc sống vẫn khó khăn và phải chạy ăn từng bữa, chỉ đủ tiền để chi trả cho phòng trọ chật hẹp che mưa che nắng cho hai mẹ con. Nhưng dù khó nhọc đến đâu, tôi gồng gánh để con được đi học, và để con nhận được những điều tốt nhất.  

Tôi đưa con qua nhà bà ngoại. Để lại phía sau những câu chuyện quá khứ, tôi mong con được kết nối và yêu thương. Con như một chất keo hàn gắn vết nứt sâu hoắm giữa tôi và gia đình mình, từng chút một, chậm rãi và dịu dàng. Giữa những yêu thương, thù ghét, thì lòng khoan dung và sự chấp nhận là cách để chúng ta trân trọng nhau hơn. Một đứa trẻ sinh ra từ vết nứt cũng xứng đáng được yêu thương, và khi được yêu thương, vết nứt ấy sẽ được chữa lành, tôi tin là như vậy.  


Bạn hiểu thế nào về Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu?

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra với trẻ trong thời thơ ấu (từ khi sinh ra đến năm 18 tuổi). Nếu không được chữa lành, những tổn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành. Khái niệm về những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu bao gồm trải nghiệm bị lạm dụng, bị bỏ mặc, rối loạn chức năng trong gia đình bao gồm sống chung với người thân mắc bệnh tâm thần, lạm dụng chất kích thích, bạo lực gia đình, đi tù, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn (Felitti và cộng sự, 1998).  

Hút thuốc, sử dụng rượu bia, lạm dụng ma túy, chất kích thích, quan hệ tình dục không an toàn, có những hành động gây thương tích cho bản thân,...Đó là “hình ảnh phản chiếu” cách một số người đối mặt với những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu (ACEs) để tự an ủi chính mình và tìm cách xoa dịu vết thương tâm hồn.  Theo một nghiên cứu về tác động của trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu đến tuôỉ trưởng thành, một bé trai có 6/10 ACEs điển hình có nguy cơ sử dụng chất kích thích gấp 46 lần một bé trai không có ACEs nào. 

Việc sử dụng những chất kích thích sẽ tác động đến vùng khoái cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đường dẫn truyền Dopamine trong não giữa gây cảm giác hưng phấn, kích thích mà người ta thường gọi là “phê”. Khi ấy, người sử dụng chất tạm thời thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt, quên đi những cảm xúc muộn phiền. Điều này khiến họ có thể bị lệ thuộc, hình thành tình trạng nghiện, dẫn tới các rối loạn tâm thần, gây hoang tưởng, ảo giác; thiếu nó sẽ gây tình trạng ức chế tinh thần như lo âu, trầm cảm… 

Hậu quả ACEs để lại không hề nhỏ, và lựa chọn sử dụng chất kích thích không phải là hiếm. Quá trình chữa lành là một hành trình dài để thấu hiểu bản thân, chấp nhận những điều đã xảy ra, đồng cảm và giúp đỡ.