Thông tin chung
Tên đầy đủ: Vận động chính sách Tiếp cận Phác đồ điều trị lao kháng thuốc BPaL/M
Nhà tài trợ: TB Alliance
Giai đoạn: 2022 - 2023
Địa bàn triển khai: Trực tuyến
Thực hiện: Chương trình Sức khỏe và An sinh
Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) cao nhất thế giới (theo Báo cáo Toàn cầu về Lao năm 2021, WHO) với ước tính 8.400 người mắc MDR-TB/Lao kháng rifampicin (RR-TB) mỗi năm. Trong nhiều năm, bệnh nhân lao kháng thuốc (DR-TB) được điều trị bằng phác đồ kéo dài tới 18 tháng, yêu cầu sử dụng 07 loại thuốc khác nhau và phải uống hơn 14.000 viên, bao gồm cả thuốc tiêm. Mặc dù vậy, tỷ lệ điều trị thành công lao kháng thuốc chỉ đạt khoảng 70%.
Gần đây, BPaL/M, một phác đồ điều trị với bốn loại thuốc, sử dụng hoàn toàn bằng đường uống, kéo dài trong sáu tháng với hiệu quả cao đã được phát triển và đưa vào sử dụng. Phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là phác đồ tiêu chuẩn điều trị DR-TB vì cải thiện tỷ lệ điều trị thành công lên 90%. Đồng thời, so với phác đồ truyền thống, BPaL/M có ít tác dụng phụ hơn, giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng điều trị. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với BPaL/M tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Vào tháng 1 năm 2024, phác đồ BPaL/M đã được chính thức đưa vào Hướng dẫn Chẩn đoán, Điều trị và Dự phòng bệnh lao tại Việt Nam và áp dụng mở rộng trên 21 tỉnh/thành phố.
Năm 2023, SCDI tham gia vào một liên minh khu vực và dự án có tên gọi Fast Track the Cure, sử dụng truyền thông nhằm thúc đẩy việc áp dụng BPaL/M trên toàn quốc và đẩy nhanh việc tiếp cạn thuốc. SCDI thực hiện các sản phẩm truyền thông dựa trên câu chuyện thực tế của bệnh nhân điều trị BPaL, thành viên cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân DR-TB và những người đã từng trải qua các phác đồ điều trị truyền thống. Đồng thời, SCDI cung cấp thông tin về bệnh lao và cách phòng ngừa, truyền tải những thông điệp tích cực về điều trị và nâng cao nhận thức về BPaL/M và tính sẵn có của nó.
Bên cạnh đó, SCDI chú trọng tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lao và các hệ thống hỗ trợ bệnh nhân lao dựa vào cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong cải thiện áp dụng phác đồ điều trị mới, đẩy nhanh việc áp dụng rộng rãi, đảm bảo tiếp cận cho tất cả mọi người và cải thiện tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ dựa vào cộng đồng.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: Fast Track the Cure
Đầu mối
(Ms.) Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý Chương trình Sức khỏe và An sinh