17/03/2024
Hoạt động của SCDI
Giải mã ký hiệu đồ nhựa: Chọn lựa sản phẩm an toàn cho sức khỏe
Giải mã ký hiệu đồ nhựa: Chọn lựa sản phẩm an toàn cho sức khỏe

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI


Nhựa tổng hợp hiện diện khắp mọi nơi, từ đồ chơi trẻ em, hộp đựng thực phẩm, chai lọ mỹ phẩm đến các vật dụng gia đình. Một số loại nhựa thân thiện với môi trường và an toàn cho trẻ em, trong khi một số khác chứa các chất độc hại và có thể gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Dù không thể tránh hoàn toàn tiếp xúc với nhựa tổng hợp, nhưng bạn có thể lựa chọn nhựa an toàn cho sức khỏe gia đình và môi trường. Để làm điều này, bạn cần tìm hiểu thông tin và mã số có trên đồ nhựa để xác định loại nào là an toàn.

Một số loại nhựa an toàn, nên dùng

Những loại nhựa sau là những loại nhựa AN TOÀN mà bạn và gia đình có thể yên tâm sử dụng: 

1. Số 1 là PET hay còn gọi là PETE (Polyethylene Terephthalate)

  • PET là loại nhựa chỉ sử dụng 1 lần, được sử dụng phổ biến cho các sản phẩm gia dụng, ví dụ như chai nước khoáng, nước ngọt, bia và bao bì đóng gói. 

  • Tái sử dụng: chỉ nên sử dụng 1 lần duy nhất vì có chứa BPA, có khả năng tan vào thức ăn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt khi gặp nhiệt độ cao như trong xe hơi, để gần bếp gas, ngoài nắng. Không nên dùng đựng thực phẩm lâu dài.

  • Tái chế: có thể tái chế nếu rửa thật sạch. Tuy nhiên mức độ tái chế thấp (chỉ khoảng 20%) và rất khó để làm sạch. 

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa PETE

2. Số 2 là HDPE hay HDPE (High-Density Polyethylene – nhựa dẻo mật độ cao) 

  • HDPE là loại nhựa dùng để chế tạo các bình nhựa cứng như bình đựng sữa, bình đựng chất tẩy rửa, dầu ăn, đồ chơi và một số túi nhựa. 

  • Được mệnh danh là nhựa an toàn nhất trong tất cả, nhựa số 2 thường được khuyên dùng bởi các chuyên gia. 

  • Loại nhựa này có độ bền nhiệt cao và trơ về mặt hóa học, không thải ra chất độc vào thực phẩm. Vì thế, các chuyên gia thường khuyên lựa chọn các loại chai HDP khi mua hàng bởi chúng được coi là an toàn nhất trong tất cả. 

  • Màu sắc: Có thể phân biệt loại nhựa này bằng màu sắc, nhựa này thường có màu xanh lam khác biệt.  

  • Tái sử dụng: có thể tái sử dụng.

  • Tái chế: có thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa HDPE

3. Số 4 là LDPE (Low-Density Polyethylene) 

  • LDPE là chất nhựa nhiệt dẻo mật độ thấp khá phổ biến trong các hộp mì, hộp đồ đông lạnh, túi đựng hàng và vỏ bánh.

  • Sản phẩm chứa chất này sẽ không thể làm nóng trong lò vi sóng, tránh nhiệt độ cao vì sẽ giải phóng hóa chất.

  • Tái chế: có thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa LDPE

4. Số 5 là PP (Polypropylene) 

  • PP là loại nhựa dùng để làm cốc đựng sữa chua, si-rô, hoặc cốc cà phê, có thể chứa nước trong thời gian dài mà không độc hại.

  • PP cũng chống được ẩm và chất nhờn rất tốt.

  • Màu: Màu trắng hoặc gần như trong suốt.

  • Chất này bền và nhẹ, chịu được ở nhiệt độ từ 130-170 độ C. Có thể dùng trong lò vi sóng, tuy nhiên chỉ nên sử dụng trong lò vi sóng từ 2 - 3 phút, không nên để quá lâu.  

  • Tái sử dụng: có thể tái sử dụng. 

  • Tái chế: có thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa PP

Một số loại nhựa không an toàn, hạn chế sử dụng

1. Số 3 – PVC hay 3V (PVC – Polyvinyl Chloride) 

  • PVC là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi và rất nhiều sản phẩm khác. 
  • PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại là phthalates và BPA có thể tan vào thực phẩm dưới tác dụng của nhiệt độ. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C. 
  • Tái sử dụng: không tái sử dụng nhựa số 3 để đựng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm nóng.

  • Tái chế: rất độc, không thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa PVC

2. Số 6 - PS hay Polystyrene (nhựa tái sinh) 

  • PS là loại nhựa rẻ và nhẹ có thể tìm thấy trên vỏ một số hộp đựng đồ ăn nhanh, cốc uống nước, hộp đựng trứng và dao đĩa thìa picnic. 

  • Là loại nhựa cứng, không có mùi vị, hình thức đẹp, dễ gia công và dễ tạo màu.  

  • Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh đáng kể, nhưng ở nhiệt độ cao như lò vi sóng, Monostyren giải phóng ra lượng lớn làm ảnh hưởng đến gan.  

  • Ngoài ra, cũng không được dùng đựng đồ có chất acid mạnh, chất kiềm mạnh. Chính vì thế, loại nhựa này không được phép dùng để đựng đồ ăn thức uống lâu dài.

  • Tái sử dụng: không. 

  • Tái chế: độc hại, không thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa PS

3. Số 7 (nhựa BPA, Polycarbonate và LEXAN) hoặc chữ PC (viết tắt cho chất hóa học nguy hiểm được gọi là polycarbonate) hoặc không có ký hiệu 

  • Nhựa số 7 là loại nhựa cực kỳ độc hại vì có chứa BPA, thường dùng để sản xuất thùng nhựa đựng hóa chất hoặc hộp đựng thức ăn như hộp sữa chua, hộp mì ăn liền, hộp đựng bơ, thùng hoặc can nước dung tích 3 – 5 lít … 

  • Màu sắc: không màu, trong suốt.  

  • Tái sử dụng: không tái sử dụng.

  • Tái chế: không thể tái chế.

Ảnh: Ký hiệu và một số sản phẩm làm từ nhựa số 7


Nguồn:

1. Hello Bacsi, Bật mí cách chọn loại nhựa an toàn cho sức khỏe cả nhà

2. Vietnamnet, Ký hiệu dưới đáy chai nhựa: Cần biết để tránh nhiễm độc

3. Thanhnien, Cách phân biệt các loại đồ nhựa tốt và xấu

4. Phuhoaan, “Giải mã” các ký hiệu trên đồ nhựa - hiểu đúng để bảo vệ sức khỏe