Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.
2024 là năm mà chúng ta đã chứng kiến rất nhiều cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề cho những nơi mà chúng đi qua. Những cái tên như Yagi, Krathon, hay Milton, có lẽ, dù cho 10 năm nữa trôi qua thì người ta vẫn chưa thể quên được vì những hệ quả mà chúng đã để lại.
Có bao giờ bạn tự hỏi: người ta đã bắt đầu đặt tên cho những cơn bão từ khi nào? Tại sao các cơn bão nhiệt đới có tên, mà các loại hình thiên tai khác, như bão nhiệt, thì lại không?
Tại sao các cơn bão lại được đặt tên?
Trước đây, theo quy chuẩn quốc tế, các cơn bão cũng chỉ được gọi bằng những con số, dựa vào thứ tự mà chúng xuất hiện trong năm. Tuy nhiên, đến những năm 1950, do nhu cầu trao đổi các thông tin về bão một cách chính xác và dễ hiểu giữa các trạm thời tiết, tàu thuyền và căn cứ ven biển, hệ thống đặt tên bão đã dần được hình thành.
Việc đặt tên cho bão nhiệt đới là cách hiệu quả để truyền đạt cảnh báo, đồng thời giúp nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của cộng đồng trước thiên tai. Việc này cũng giúp đơn giản hóa quá trình theo dõi và thảo luận, đặc biệt khi nhiều cơn bão xuất hiện cùng lúc. Ngoài ra, việc đặt tên còn hỗ trợ việc lưu trữ hồ sơ lịch sử và nghiên cứu về các tác động cũng như diễn biến của bão.
Hiện nay, việc đặt tên bão được quản lý bởi các cơ quan khí tượng khu vực theo quy định của WMO. Tên bão được lựa chọn từ danh sách được xây dựng trước, dựa trên tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp văn hóa, và không trùng lặp.
Ảnh: Danh sách tên bão của WMO cho mùa bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương năm 2024
Liệu các loại hình thiên tai khác có được “nhân hóa”?
Nếu việc đặt tên giúp nâng cao nhận thức và chuẩn bị trước thiên tai, thì tại sao chỉ có các cơn bão nhiệt đới có “định danh”, còn các loại hình thiên tai khác vẫn “vô danh”? '
Lấy các cơn bão nhiệt (heatwaves) làm một ví dụ. Trong những năm gần đây, sự gia tăng của những “cơn bão” này đã khiến vấn đề có nên đặt tên cho chúng hay không trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Vào tháng 7/2023, vấn đề này lại thu hút được nhiều sự quan tâm hơn nữa khi cái tên Cerberus xuất hiện một cách không chính thống để chỉ đợt bão nhiệt ở các nước Nam Âu.
Những người ủng hộ cho rằng việc gọi tên những hiện tượng này sẽ giúp ích trong việc ghi nhớ và thu hút sự quan tâm của người dân về các hiện tượng thiên nhiên cực đoan. Tuy nhiên, các chuyên gia lại không cho rằng hiện giờ là thời điểm thích hợp để “định danh” những cơn bão nhiệt này.
Khác với bão nhiệt đới, các cơn bão nhiệt không dễ để dự đoán và xác định, khiến việc đặt tên có thể kém hiệu quả hơn. Ngoài ra, hiện tại vẫn chưa có một khung thống nhất về các cấp độ của hiện tượng này. Vậy nên, việc quan tâm quá nhiều đến việc đặt tên có thể khiến công chúng xao nhãng khỏi việc tìm hiểu và áp dụng giải pháp bảo vệ bản thân.
Ảnh: Việc đặt tên cho bão nhiệt hiện tại vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu
Việc đặt tên cho thiên tai giúp nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị đối phó, nhưng không phải hiện tượng nào cũng có thể áp dụng được cách này. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết trước khi việc đặt tên trở nên hiệu quả hơn với các hiện tượng như bão nhiệt. Dẫu vậy, câu hỏi về việc “nhân hóa” thiên tai vẫn tiếp tục là vấn đề đáng suy ngẫm khi con người ngày càng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.