Hưởng ứng và Kỷ niệm 30 năm Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12
Giáo sư Francoise Barré-Sinoussi sinh ngày 30 tháng 7 năm 1947 tại Paris, Pháp. Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên Paris năm 1975, bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Vi rút học và bắt đầu làm việc với vị trí cán bộ nghiên cứu tại Viện Pasteur Paris.
Năm 1983, cùng với các nhà khoa học viện Pasteur Paris, Francoise Barre Sinoussi đã tìm ra vi rút HIV, tác nhân gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). 25 năm sau đó, Francoise Barre Sinoussi và Luc Montagnier đã được trao giải Nobel Y sinh học cho những cống hiến của mình.
Bà là tác giả, đồng tác giả của 225 bài báo trên các tạp chí khoa học và là thành viên của nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế. Bà đã được trao tặng nhiều giải thưởng lớn quốc gia và quốc tế về những đóng góp khoa học trong lĩnh vực HIV/AIDS, trong đó có Huân chương Bắc đẩu Bội tinh hạng cao nhất - Đại Thập tự (Grand-Croix).
Động lực đến từ cộng đồng
Gặp mặt thường niên VCSPA 2018 đã vinh dự chào đón sự tham gia của giáo sư Francoise với vai trò khách mời. Tại đây, bà đã có buổi chia sẻ đầy tâm huyết về Hành trình phát hiện và chiến đấu chống lại vi rút HIV/AIDS.
Khi được hỏi về động lực để đi cả chặng đường dài Hải Phòng – Hà Nội – Huế – Quảng Bìnhđến với Gặp mặt Thường niên VCSPA, giáo sư chia sẻ rằng bà đã làm việc với cộng đồng từ những ngày đầu tiến hành nghiên cứu về HIV và luôn “rấtrất rấtvui”mỗi khi có cơ hội giao lưu với cộng đồng. Vớibà, cộng đồng còn là cuộc sống. “Tôi tự thấy mình cũng là một phần của cộng đồng HIV”.
Giáo sư Francoise Barre Sinoussi (bên trái) tham gia chia sẻ tại Gặp mặt thường niên VCSPA 2018 ngày 23/11 tại Quảng Bình
Theo bà, “Đối với những nhà nghiên cứu, việc hiểu được sự mong muốn, yêu cầu của cộng đồng là rất quan trọng. Chúng tôi cần tiếp cận và ghi nhận những quan điểm, ý kiến của cộng đồng để có thể điều chỉnhdự án nghiên cứu tốt hơn. Rất tuyệt vời khi trong nghiên cứu của chúng tôi có sự tham gia từ cộng đồng. Trong một dự án nghiên cứu mà không có sự phân biệt ai là người cộng đồng, ai là bác sỹ, ai là nhà nghiên cứu… thì dự án đó chắc chắn sẽ thành công.”
Giáo sư Francoise cũng nhấn mạnh rằng HIV là căn bệnh đầu tiên mà việc điều trị nó cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa người xây dựng chính sách, người điều trị, nhà nghiên cứu với cộng đồng. Trong vòng một thời gian ngắn từ lúc phát hiện bệnh đến nay, HIV/AIDS đã có thuốc điều trị. Điều này là một minh chứng cho thấy nếu có sự gắn kết giữa cộng đồng và các bên liên quan thì chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể làm được.
Hành trình tìm ra vi rút HIV/AIDS
Tại Viện Pasteur Paris, GS. Francoise chuyên nghiên cứu về nhóm vi rút thuộc họ vi rút sao chép ngược và mối liên quan giữa nhóm vi rút này và bệnh ung thư. Năm 1981, bệnh nhân HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện ở Mỹ. Khi bệnh nhân AIDSđầutiênxuất hiện ở Pháp, các bác sỹ lâm sàng đã hỏi ý kiến các nhà khoa học tại Viện Pasteur Paris về nó vì họ không biết có phải thuộc họ sao chép gen ngược không. Đây là một điểm quan trọng khi bắt đầu có sự hợp tác giữa các bác sỹ lâm sàng với các nhà nghiên cứu. “Lúc đó, chúng tôi có bác sỹ lâm sàng và có nhà nghiên cứu nhưng chưa có ý kiến của bệnh nhân. Được sự đồng ý của bệnh nhân, chúng tôi tiến hành sinh thiết hạch và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Quá trình theo dõi cho thấy loại vi rút này không giống như những loại vi rút nào đã từng biết. Chúng tôi nghiên cứu loại protein, cách nhân lên,… và tất cả những gì liên quan. Lúc đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi chỉ có khoảng 4-5 người nên chúng tôi phải huy động các chuyên gia khác cùng làm.”
Năm 1983, cùng với các nhà khoa học tại Viện Pasteur Paris, giáo sư Françoise Barre Sinoussi có bằng chứng là chính loại vi rút này gây ra HIV, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Nhóm nghiên cứu sau đó đã làm việc với các công ty tư nhân để thử nghiệm các test xét nghiệm kháng thể và sáng chế được loại phân tử kìm hãm phát triển sao chép ngược trong phòng thí nghiệm. Phân tử này là tiền đề cho các thuốc AZT – loại thuốc điều trị HIV đầu tiên trên thế giới.
Năm 2008 - 25 năm sau phát hiện đột phá về vi rút HIV/AIDS, Françoise Barre Sinoussi và Luc Montagnier đã được trao giải Nobel Y sinh học.
Bền bỉ cuộc chiến chống HIV/AIDS
Năm 2010, với cương vị là Chủ tịch Hội AIDS quốc tế, bà đã thành lập nhóm nghiên cứu về HIV Cure – Chữa khỏi HIV. Từ đó đến nay, mặc dù bà đã rời vị trí Chủ tịch, các nhà khoa trẻ vẫn đang tích cực nghiên cứu và có nhiều tiến triển tốt, nhiều liên minh được thành lập nhằm hướng đến điều trị khỏi hẳn HIV.
Một vài chiến lược đang được nghiên cứu và thử nghiệm. “Theo các nghiên cứu từ trước thì các vi rút tồn tại được vì chúng lẩn trốn trong bộ gen của tế bào người. Thuốc điều trị không nhìn thấy con vi rút để tiêu diệt nó. Chiến lược của các nhà nghiên cứu là khiêu khích những con vi rút đó, làm thế nào để nó hoạt động trở lại. Khi con vi rút đó ở trạng thái hoạt động, chúng ta dùng thuốc có thể tiêu diệt nó. Chúng tôi biết rằng, nếu chỉ đánh thức những con vi rút đó thôi thì không đủ. Chúng ta phải kết hợp cả vừa đánh thức, vừa ngăn chặn chặn nó quay trở lại trạng thái không hoạt động (có thể bằng kháng thể) để thuốc có thể tiêu diệt nó”, giáo sư Francoise cho biết. Ngoài ra, có thể sử dụng một chiến lược tương tự chiến lược điều trị ung thư. Tế bào ung thư nhân nhanh, tuy nhiên tế bào này yếu nên có thể dùng vắc xin nhằm tăng kháng thể. Hoặc có thể dùng liệu pháp gen, nghĩa là sử dụng gen để cắt khả năng vi rút gắn vào tế bào trong cơ thể và nhiều chiến lược khác nữa. Tất cả các chiến lược này đang được nghiên cứu và sẽ cần thời gian để có được kết quả.
Đẩy lùi HIV/AIDS cần sự đồng hành của cộng đồng
“Với người càng sống lâu thì khả năng có nhiều bệnh đồng mắc, đặc biệt là ung thư càng cao. Cơ chế của ung thư và HIV là như nhau. Chúng ta cần làm việc để tìm ra tại sao người nhiễm HIV có nhiều người bị ung thư đến vây. Có sự liên quan nào không? Tôi tin chúng ta sẽ không chỉ có một biện pháp trị liệu, mà sẽ có nhiều biện pháp trị liệu khác nhau. Các trị liệu này sẽ phù hợp cho từng cá nhân cụ thể. Để tiến tới bước tiến này, chúng ta cần thu thập các chỉ báo sinh học để phân loại bệnh nhân và biện pháp trị liệu thích hợp. Để có được các biện pháp trị liệu cá nhân, các chỉ báo sinh học này cần được nghiên trên các nhóm cộng đồng khác nhau, các trị liệu cần được thử nghiệm trên nhiều nước khác nhau, các dân tộc khác nhau.”
Ảnh: GS Sinoussi nhận được sự yêu mến của đông đảo các thành viên cộng động tham gia trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS
Trong suốt hành trình phát hiện ra vi rút HIV/AIDS, giáo sư Francoise luôn tự hào là chính nhờ sự kết hợp giữa cộng đồng và các bên mà tiến trình điều trị phát triển nhanh và có hiệu quả. Bà khẳng định cộng đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển chiến lược điều trị khỏi. Những nhà nghiên cứu cần biết cộng đồng có thể chấp nhận được chiến lược nào vì một số biện pháp có thể độc và nguy hiểm. Do vậy, chúng ta cần và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu, thực hiện các thử nghiệm lâm sàng để từ đó, phát triển và triển khai các chiến lược phù hợp.
Cùng hành động
Với những nỗ lực không ngừng của cả thế giới trong nhiều thập kỷ qua, cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỉ AIDS đang đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên, để tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, các nước, trong đó có Việt Nam cần tăng cường nỗ lực hơn nữa.
“Chúng ta cần tiếp tục gắn bó, đoàn kết chiến đấu cùng nhau. Chúng tôi cần các bạn. Các bạn cần chúng tôi. Chúng ta cần làm việc cùng nhau. Những việc các bạn đang làm là quan trọng để bảo vệ bạn và người khác.” Một lần nữa, lời kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, hợp sức trên hành trình chiến đấu chống lại HIV/AIDS đầy cam go được cất lên.