17/05/2025
Hoạt động của SCDI
Hai lần bỏ trị và hành trình chiến thắng bệnh lao
Hai lần bỏ trị và hành trình chiến thắng bệnh lao

Điều trị bệnh lao chưa bao giờ là dễ dàng. Với những người không mắc những bệnh lý nền, hành trình ấy đã đầy thử thách bởi tác dụng phụ của thuốc, sự mệt mỏi kéo dài và những thay đổi trong cuộc sống. Nhưng với những người vừa mắc lao, vừa sử dụng chất hoặc đang điều trị Methadone như anh N.Q.H ở Hải Phòng, nỗi sợ ấy trở thành rào cản tưởng chừng như không thể vượt qua. 

Nỗi sợ kéo dài qua hai lần bỏ trị 

Anh H. phát hiện bản thân mắc bệnh lao lần đầu sau khi tham gia vào nghiên cứu DRIVE* do SCDI thực hiện từ năm 2019. Nhờ sự hỗ trợ của các tiếp cận viên cộng đồng, anh bắt đầu đi điều trị tại bệnh viện Phổi tại Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ sau ba tháng, anh bỏ điều trị. "Thời điểm đó, tôi vẫn còn sử dụng chất. Việc uống thuốc lao khiến tôi kiệt sức, không đi làm nổi, lúc nào cũng mệt mỏi và chán nản. Đến tháng thứ ba thì tôi không chịu được nữa. Tôi sợ cảm giác mệt, sợ cả việc uống thuốc mỗi ngày" Anh H. chia sẻ. 

Vào năm 2021, anh H. ho ra máu và một lần nữa được chẩn đoán mắc lao. Dù lần này anh tiếp tục điều trị, nhưng khi các triệu chứng đã giảm vào tháng thứ tư, một lần nữa, anh lại ngừng uống thuốc. “Uống thuốc nhiều đến nỗi lúc nào tôi cũng ngửi thấy mùi kháng sinh quanh người, nghĩ đến là thấy sợ.”

Đến cuối năm 2024, trong khuôn khổ của dự án DRIVE-TB* - nghiên cứu cộng đồng nhằm kiểm soát và hướng đến loại trừ bệnh lao ở người sử dụng ma túy tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm  cho thấy anh tái mắc lao. Thế nhưng, lần này anh lại từ chối điều trị. Nỗi ám ảnh từ hai lần điều trị trước đó khiến anh H. chùn bước. Anh H. chia sẻ "Tôi thấy mình vẫn bình thường, không ho, không sốt, không có triệu chứng gì cả. Với lại sau hai lần điều trị, tôi sợ lắm" 

Cho tới khi tình trạng bệnh trở nặng. Cơn ho kéo dài kèm theo khó thở hành hạ, anh mới tin mình thực sự đã mắc lao. Chị Loan, thành viên Vòng tay Bè bạn, nhóm cộng đồng triển khai hoạt động của dự án DRIVE-TB tới nhà để động viên, thuyết phục anh H. tham gia điều trị. Nhờ sự hỗ trợ của chị Loan, anh H. quyết định tham gia điều trị. "Tôi đặt quyết tâm, lần này mình sẽ không bỏ dở nữa". 

Ảnh: Anh H. tham gia buổi truyền thông nhóm về bệnh lao tại văn phòng nhóm Vòng tay Bè bạn

Vượt qua nỗi sợ 

Điều trị lao ở người sử dụng chất là một thách thức đặc biệt, bởi sự tương tác giữa thuốc lao và Methadone, phản ứng phụ mạnh, cùng hội chứng cai khiến người bệnh khó tuân thủ phác đồ. Trong nhiều trường hợp, liều Methadone không thể điều chỉnh linh hoạt khiến người bệnh gặp khó khăn, cảm giác mệt mỏi và khó chịu kéo dài làm gia tăng nguy cơ bỏ trị. Bên cạnh đó, việc hạn chế trong tiếp cận thông tin, điều trị lao không thể đi làm khiến người bệnh gặp khó khăn tài chính cũng khiến họ dễ buông xuôi.

Sau nhiều năm triển khai hoạt động dự án, SCDI và các thành viên nhóm cộng đồng thấu hiểu những thách thức mà anh H. gặp phải. Dự án triển khai những hỗ trợ tùy thuộc vào nhu cầu của người bệnh, đồng thời, sát cánh cùng họ để kịp thời vượt qua những khó khăn. 

Hiện tại, anh H. đang ở tuần thứ ba của phác đồ điều trị phối hợp Methadone và thuốc lao. Chị Loan hỗ trợ kết nối với các bác sĩ tại cơ sở Methadone nơi anh H. điều trị để giảm khó chịu do tương tác thuốc. Dù anh vẫn phải đối mặt với những đêm mất ngủ vì tác dụng phụ của thuốc lao, nhưng mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.“Tôi vẫn mệt, nhưng tôi đã quyết tâm rồi. Tôi sẽ cố gắng điều trị đến cùng vì sức khỏe, vì con” anh chia sẻ. "Tôi có sự hỗ trợ từ chị Loan và dự án, chị ấy nhắc lịch tôi uống thuốc đều đặn, chị ấy cũng nói với gia đình cùng động viên để tôi hoàn thành việc điều trị, giảm khả năng tái phát bệnh như những lần trước" 

Ảnh: Cán bộ dự án ghé thăm nhà anh H. để động viên, nhắc lịch uống thuốc và hỗ trợ dinh dưỡng trong quá trình điều trị

Giống như anh H., rất nhiều người mắc lao đã được dự án DRIVE-TB hỗ trợ tham gia sàng lọc, điều trị và hoàn thành điều trị bệnh lao. Dự án hỗ trợ người bệnh mua thẻ bảo hiểm y tế để họ giảm gánh nặng chi phí khi điều trị bệnh. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ gói dinh dưỡng, hỗ trợ chi phí khám và tái khám khi người bệnh không có đủ điều kiện kinh tế. Một trong những điểm nổi bật của dự án là sự tham gia của các thành viên nhóm cộng đồng - những tiếp cận viên vừa có kinh nghiệm trong tiếp cận và hỗ trợ người sử dụng chất, vừa được nỗ lực và nhiệt tình để hỗ trợ người bệnh. Những thành viên cộng đồng như chị Loan chăm sóc bệnh nhân hàng tuần, hàng tháng, hỏi thăm người bệnh về tác dụng phụ của thuốc, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, trao đổi với cơ sở điều trị Methadone để tạo điều kiện cho bệnh nhân, nhắc lịch trình uống thuốc hàng tháng và lắng nghe, giải đáp thắc mắc và động viên người bệnh. Những hỗ trợ đó mang lại tác động thiết thức, giúp những người bệnh lao, đặc biệt là người sử dụng chất vượt qua "nỗi sợ" để chiến thắng bệnh lao. 


*Nghiện chất và các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam (DRIVE): Chấm dứt đại dịch HIV ở người tiêm chích ma túy tại Hải Phòng là một dự án nghiên cứu đồng thực hiện bởi SCDI, Đại học Y dược Hải Phòng, đại học Montpellier - Pháp và Đại học New York - Mỹ từ 10/2016 - 5/2020 với sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp nghiên cứu về HIV/AIDS và viêm gan vi-rut (ANRS|MIE), Cơ quan công cộng của Pháp về thiết kế và thực hiện các dự án quốc tế về hợp tác kỹ thuật, chống lại AIDS, Lao và Sốt rét (L'Initiative - Expertise France) và Viện Quốc gia Hoa Kỳ về lạm dụng ma túy (NIDA). Ngoài các hoạt động nghiên cứu chính của DRIVE-HIV - hướng tới chấm dứt HIV ở nhóm người tiêm chích ma túy, dự án thực hiện các hoạt động nghiên cứu phụ trợ như DRIVE-C - Loại trừ viêm gan C đối với người tiêm chích ma túy, DRIVE MIND - can thiệp sức khỏe tâm thần cho người sử dụng ma túy. 

**DRIVE-TB được SCDI triển khai từ năm 2023 nhằm đánh giá hiệu quả can thiệp dựa vào cộng đồng trong phòng chống bệnh lao tại nhóm người tiêm chích ma túy tại hải Phòng, là một nỗ lực can thiệp dựa vào cộng đồng nhằm thu hẹp khoảng trống trong chấm dứt bệnh lao ở nhóm này. Dự án tiếp tục huy động sự tham gia của các thành viên nhóm cộng đồng đồng cốt cán đã từng triển khai dự án DRIVE từ năm 2014. 

Tìm hiểu thêm về dự án DRIVE-TB và những kết quả nổi bật của dự án trong năm 2024 tại ĐÂY