15/08/2019
Chính sách
Hiểu về trợ giúp xã hội (phần 5): Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và chính sách hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
Hiểu về trợ giúp xã hội (phần 5): Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và chính sách hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng

Chính sách hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng áp dụng đối với những đối tượng được nhận chăm sóc nuôi dưỡng; đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; cá nhân, hộ gia đình và tổ chức nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

Những nhóm thuộc diện được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bao gồm:

  • Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng;
  • Người cao tuổi thuộc hộ nghèo mà không có người có nghĩa vụ, quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng;
  • Trẻ em và người khuyết tật đặc biệt nặng.

Những người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo chính sách trợ giúp xã hội sẽ được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định, cấp thẻ bảo hiểm y tế , được trợ giúp giáo dục, đào tạo - dạy nghề, và được hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời.

Trách nhiệm và quyền lợi đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc

  • Người đứng ra nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho những người thuộc diện hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng là các cá nhân và hộ gia đình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện nhận chăm sóc và có nơi ở, điều kiện kinh tế và kinh nghiệm chăm sóc đối tượng nhận nuôi dưỡng. Trường hợp ông, bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, anh, chị ruột nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em không bảo đảm các điều kiện trên vẫn được xem xét hưởng chính sách.
  • Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc có trách nhiệm bảo đảm điều kiện để trẻ được đi học (nếu đối tượng nhận chăm sóc là trẻ em), bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí cho đối tượng nhận chăm sóc, đối xử bình đẳng đối với đối tượng được nhận chăm sóc; bảo đảm chỗ ở an toàn, vệ sinh cho đối tượng được nhận chăm sóc; đối xử bình đẳng đối với đối tượng được nhận chăm sóc; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp  luật. 
  • Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng theo mức quy định, được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác.

Trong đó hệ số hỗ trợ để tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cụ thể như sau: 

Số thứ tự Loại đối tượng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng Hệ số
1 Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng dưới 04 tuổi 2,5
2 Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng từ 04 đến dưới 16 tuổi 1,5
3 Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng 1,5
4 Người khuyết tật đặc biệt nặng 1,5
5 NCT 1,5

Nguồn: Nghị định 136/2013/NĐ-CP

Nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp

Chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng còn được áp dụng dưới hình thức nhận chăm sóc tại thời với những đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp trong những trường hợp sau đây:

  • Trẻ em có cả cha, mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;

  • Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội;

  • Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội.

  • Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng không quá 03 (ba) tháng.

Thực hiện bởi: Chương trình Sức khoẻ - Trung tâm SCDI
Tổng hợp thông tin: Phạm Ngọc Mai
Biên tập: Vũ Ngọc Hoa
Thiết kế: Vũ Phương Trà
Tham khảo đầy đủ tại: Sách đào tạo Chính sách nghiệp vụ Trợ giúp xã hội – NXB Bộ Lao động, Thương Binh – Xã hội
do SCDI phối hợp cùng Cục Bảo trợ Xã hội biên soạn (2019)