Ngày 1/3, Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội nghị "Triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy".
Toàn cảnh hội nghị
Dự Hội nghị có đại diện Vụ Khoa giáo văn xã (Văn phòng Chính phủ), Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), đại diện Cục Quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khoẻ tâm thần Hoa Kỳ (SAMSHA); Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI); UBND quận Nam Từ Liêm, quận Long Biên…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết trong những năm qua, nhiều mô hình cai nghiện đã được áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, số người nghiện ma tuý đang chuyển hướng sử dụng các loại ma tuý tổng hợp, tình trạng loạn thần xuất hiện đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài. Vì vậy, công tác cai nghiện ma tuý cần được đổi mới theo mục tiêu hướng về cộng đồng, trên cơ sở xây dựng một mô hình cung cấp cho người cai nghiện ma tuý các dịch vụ toàn diện bao gồm dịch vụ y tế, tâm lý, xã hội và hỗ trợ việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống.
Ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Bs. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, trên thực tế, hiện tượng đã cai rồi lại tái nghiện và lặp đi lặp lại là rất phổ biến. Quá trình căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc cai nghiện trở nên khó khăn. Từ thực tế này cho thấy mô hình hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người nghiện ma túy trước khi bị tòa án xem xét, quyết định biện pháp cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Cũng theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp và các dịch vụ y tế, xã hội giúp tăng hiệu quả điều trị rối loạn sử dụng chất. Chính phủ Việt Nam cũng có chủ trương tăng cường cai nghiện tự nguyện và tại cộng đồng.
Chia sẻ của Bs. Khuất Thị Hải Oanh – Giám đốc SCDI tại hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa của việc triển khai mô hình thí điểm về hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma tuý, đó là tạo điều kiện để người sử dụng ma tuý, người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng, giảm tác hại do sử dụng ma tuý, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma tuý và cộng đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí…
Theo ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội, ngày 12/2/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 40 về việc triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội tại quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm.
Theo đó, thành phố sẽ thực hiện chuyển gửi điều trị, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội đối với 150 lượt người sử dụng ma túy tại các địa bàn thí điểm; hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV cho 100 lượt người sử dụng ma túy tại cộng đồng (tương đương 60-70% số người được chuyển gửi điều trị). Phạm vi mô hình được thực hiện ở 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Mỗi quận lựa chọn 3 phường tham gia thí điểm.
Mục tiêu của việc xây dựng mô hình tại Việt Nam là tăng cường phối hợp giữa cơ quan tư pháp, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ y tế xã hội và pháp lý phù hợp tại cộng đồng đối với người sử dụng ma túy. Điều này hướng tới mục tiêu đạt được hiệu quả điều trị nghiện cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái vi phạm pháp luật do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy.
Đây là mô hình mới, quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhận thức của người dân và các cấp chính quyền, vì vậy các đơn vị tham gia phải tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giải quyết kịp thời những tình huống khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện trên tinh thần hợp tác để thực hiện thành công mô hình. Trên cơ sở đó để triển khai nhân rộng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều trị, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, giảm cơ bản tình trạng tội phạm về ma túy.