22/07/2022
Hợp tác
Họp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương về xác lập khung chiến lược mới cho Quỹ Toàn cầu 2017-2022
Họp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương về xác lập khung chiến lược mới cho Quỹ Toàn cầu 2017-2022

Đối mặt với bối cảnh tài chính y tế toàn cầu đang thay đổi, Quỹ Toàn cầu (Global Fund) đã đưa ra một chiến lược xác định phương hướng đầu tư mới: Chính sách Chuyển đổi hướng đến tính Bền vững và Đồng tài trợ (STC - Sustainability, Transition and Co-Financing). Hội nghị “Xác lập khung chiến lược mới cho Quỹ toàn cầu 2017-2022” đã được tổ chức từ 19 đến 21 tháng 7 tại Novotel Sukhumvit 20, thành phố Bangkok, Thái Lan bởi Liên minh các Tổ chức Dịch vụ về AIDS khu vực châu Á – Thái Bình dương (APCASO - Asia Pacific Council of AIDS Service Organizations). Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Cố vấn mạng lưới cộng đồng và điều phối viên dự án GF tại Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị.
 
Theo "Chiến lược năm 2017-2022: Kết thúc Dịch bệnh", phương pháp phân bổ của Quỹ Toàn cầu từ nay tập trung vào các quốc gia có gánh nặng bệnh tật cao và ít có khả năng chi trả, và tập trung vào các giải pháp can thiệp cho người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV, lao và sốt rét. Các ưu tiên tài trợ mới bao gồm các phần chính sau đây: Là nền tảng của phương pháp tiếp cận bền vững, Quỹ Toàn cầu sẽ đảm bảo chất lượng trong sự phát triển của cộng đồng vững chắc, bao gồm các nhóm dân cư chủ chốt và dễ bị tổn thương, trong chiến lược quốc gia dựa trên bằng chứng, kế hoạch chiến lược cụ thể cho từng loại bệnh; các yêu cầu của Quỹ Toàn cầu được thiết kế để đảm bảo rằng các chương trình của Quỹ Toàn cầu có thể được tiếp thu bởi các hệ thống Y tế và bảo hiểm y tế phổ cập bền vững của từng quốc gia.
 
Các quốc gia ở Châu Á Thái Bình Dương đều phải thực hiện quá trình chuẩn bị chuyển đổi. Phần lớn các nước trong khu vực đã trải qua những đợt cắt giảm đáng kể trong phân bổ Quỹ Toàn cầu của mình sau khi kết thúc giai đoạn 2014-2016 và chuyển sang giai đoạn mới 2019-2022. Tổng mức đầu tư cho hợp phần HIV trong khu vực đã giảm 50%, chỉ có hai quốc gia, Myanmar và Pakistan là được gia tăng tài trợ. Ngay cả các nước có thu nhập thấp như Campuchia và Nepal cũng đã có sự cắt giảm ngân sách lần lượt là 48% và 42%.
Hơn nữa, đa số các nước vẫn chỉ dựa vào các nguồn tài trợ từ Quỹ Toàn cầu trong việc xây dựng chương trình phòng ngừa dịch bệnh, khiến cho chiến lược phát triển hiện nay trở nên không bền vững trong thời gian tới.
 
Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm tra các cơ chế hiện hành nhằm đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi được thực hiện thành công và các chiến lược Quỹ Toàn cầu: từ đồng tài trợ đến đầu tư vào các biện pháp can thiệp nhằm xóa bỏ rào cản về  quyền con người và rào cản liên quan đến giới tính trong việc tiếp cận dịch vụ, chăm sóc SKSS-KHHGĐ và bảo hiểm y tế toàn dân sẽ thực sự mang lại những kết quả nổi bật và bền vững trong việc ứng phó với HIV, lao và sốt rét.
Điều khác quan trọng không kém là khối xã hội dân sự, bao gồm các cộng đồng dân cư trọng yếu và dễ bị tổn thương có thể tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi và có khả năng ảnh hưởng không chỉ đến các khung chuyển đổi mà còn cả các chiến lược bền vững, đặc biệt là các quốc gia đang chia sẻ tỷ lệ nhiễm HIV, lao, sốt rét cao và vấn đề tài chính y tế.
 


Ảnh: Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Cố vấn mạng lưới cộng đồng và điều phối viên dự án Quỹ toàn cầu, phát biểu tại Hội nghị


Ảnh: Bà RD Marte, Giám đốc điều hành APCASO, phát biểu tại Hội nghị

 
Cuộc họp đã thảo luận về hai mục tiêu chính: 
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khung chiến lược chuyển đổi và chính sách bền vững dựa vào cộng đồng và xã hội dân sự. Cụ thể, cuộc họp cung cấp không gian trao đổi cho mạng lưới cộng đồng và xã hội dân sự từ các quốc gia được lựa chọn của Quỹ Toàn cầu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo tính bền vững của dịch vụ sức khỏe (HIV, lao và Sốt rét) đối với cộng đồng yếu thế và dễ bị tổn thương; xác định khoảng trống trong việc chuẩn bị các kế hoạch chuyển đổi trong phạm vi quốc gia và mức độ tham gia của cộng đồng và xã hội dân sự trong các lĩnh vực này; đúc kết bài học kinh nghiệm của các khu vực khác trong quá trình chuyển đổi, xác định các công cụ và nguồn lực cho việc vận động hiệu quả và bền vững, trong bối cảnh giảm đáng kể nguồn lực từ các nhà tài trợ bên ngoài; và xác định các thách thức trong khu vực và quốc gia trong quá trình chuyển đổi, với trọng tâm đặc biệt về cộng đồng, quyền và các vấn đề về giới; và đề ra kế hoạch chuyển đổi nhằm giải quyết những thách thức này.
- Thiết lập bản đồ, lộ trình thực hiện khung chiến lược và xác định nhu cầu trợ giúp kỹ thuật, bao gồm xác định các nguồn lực cần thiết; và thảo luận với Quỹ Toàn cầu với các đối tác phát triển khác để xác định các nguồn lực bổ sung.
 


Ảnh tập thể của các đại biểu tham gia Hội nghị

 
40 đại biểu từ 12 quốc gia thành viên đã cùng với đại diện mạng lưới địa phương, cơ quan kỹ thuật và đối tác phát triển đã tham dự Hội nghị nhằm cùng thảo luận, xây dựng các kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật có tính chiến lược và thống nhất.
“Sự chuyển dịch cần hoàn toàn tập trung vào các đối tượng đích của Quỹ toàn cầu, được chính quyền của từng quốc gia công nhận và đầu tư nghiêm túc các nguồn lực, nếu không chiến lược sẽ mất tính hiệu quả.” Đại biểu Maura Mea từ Papua New Guinea đã phát biểu về tầm quan trọng của việc bao hàm các nhóm đích và cộng đồng người dễ bị tổn thương trong tiến trình thực thi chiến lược STC. 



Tờ rơi thông tin của Hội nghị có thể được tải tại đây (tiếng Anh): Trang 1Trang 2


Vân Anh