27/04/2019
Giảm hại và Điều trị Nghiện
Khởi động mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại quận Long Biên, Hà Nội
Khởi động mô hình "Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại quận Long Biên, Hà Nội

Chiều 26/4/2019 tại Trung tâm Văn hoá Thể thao phường Bồ Đề, quận Long Biên đã diễn ra Lễ ra mắt Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”.

Ông Hoàng Thành Thái – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương bình và Xã hội Hà Nội

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình do Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng. Mô hình bước đầu được thực hiện tại hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm với 6 điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) chính thức khởi động từ tháng 4/2019. 

Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Hoàng Thành Thái – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: “Trước tình hình sử dụng ma tuý phức tạp như hiện nay, cần thiết lập một mạng lưới giúp cộng đồng sớm phát hiện, tiếp cận, can thiệp và cung cấp các dịch vụ y tế, cai nghiện và tâm lý xã hội cho NSDMT, nhất là ma tuý tổng hợp trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý và chuyên môn. Ngày 12/2/2019, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người cai nghiện ma tuý” với mục tiêu hỗ trợ quá trình điều trị lâu dài của của NSDMT, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội giúp hoà nhập cộng đồng và dự phòng tái nghiện cho đến khi “đạt được kết quả cao nhất về thể chất và tinh thần.”

Lễ Ra mắt cũng chào đón “niềm vui nhân ba” với sự kiện khai trương ba Điểm Hỗ trợ, Tư vấn – Điều trị nghiện tại cộng đồng ở ba phường Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ và Bồ Đề - là nơi sẽ tiếp nhận, quản lý và giúp đỡ những NSDMT do công an chuyển gửi ngay tại chính địa bàn mình. 

 

Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND Quận Long Biên

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết: “Với kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về tư vấn và điều trị nghiện ma tuý, chúng tôi nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm về tính hiệu quả và khả thi. Sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật đóng vai trò vô cùng ý nghĩa trong mô hình vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng/nghiện ma tuý tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma tuý) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma tuý được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện…, sau đó được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ. Mô hình cảnh sát chuyển gửi không chỉ giúp giải quyết duy nhất một vấn đề về sử dụng hay nghiện ma tuý, mà còn có tác động đến những khía cạnh quan trọng khác của người sử dụng ma tuý, như: giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật gần 60% và tăng tỷ lệ có việc làm đến 30% trong cộng đồng NSDMT tham gia vào mô hình, cũng như tăng cường bình ổn tại địa bàn triển khai”.

Ông Vũ Huy Hoàng - Giám đốc cơ quan quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ

Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng.. Như vậy, với mô hình này, NSDMT không chỉ được tiếp cận với dịch vụ y tế về điều trị nghiện mà còn được kết nối với các dịch vụ y tế khác và các dịch vụ pháp lý – xã hội phù hợp với nhu cầu, điều này giúp NSDMT giải quyết được các rào cản khiến họ gặp khó khăn trong quá trình điều trị nghiện và tái hoà nhập cộng đồng. 

Mô hình cũng hướng tới yếu tố thân thiện, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay đóng vai trò hỗ trợ NSDMT, làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của NSDMT đối với lực lượng thi hành pháp luật nói chung. Điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích NSDMT tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sự phát triển này sẽ góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp NSDMT cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Điều phối viên tư vấn cho người sử dụng ma tuý tại Điểm tư vấn phường Bồ Đề

Có mặt tại Điểm tư vấn hỗ trợ - Điều trị nghiện ma túy phường Bồ Đề, anh Nguyễn Hồng Quân (NSDMT) tỏ ra rất phấn khởi. Theo anh, chương trình này thực sự tốt, bởi anh sẽ không phải chịu sự gò bó, ép buộc như ở trong các trung tâm cai nghiện. Bên cạnh đó, anh còn được ở cùng gia đình, được sự động viên hỗ trợ của người thân giúp anh có động lực và nghị lực cai nghiện. Đặc biệt, anh Quân cho biết, tham gia mô hình này, anh vẫn có thể vừa cai nghiện vừa có thể đi làm. 

“Nếu mô hình này được thực hiện đúng, bài bản, chuyên nghiệp sẽ đem đến một diện mạo mới và quan trọng là lòng tin của xã hội, tiếp đó là sự chung sức của cộng đồng thực hiện các chính sách đầy tính nhân văn về người sử dụng ma tuý mang đến một cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho mọi người”, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ. 

Theo: Báo Gia đình và Trẻ em

 

 

 

Bài viết liên quan