Bài viết gốc đăng trên Global Fund Advocates Network, được thực hiện với sự hỗ trợ của Salud por Derecho và SCDI.
Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa xa vời, bởi tác động của nó đang được cảm nhận rõ ràng và sẽ càng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Lượng khí thải CO2 đã tăng cao hơn 50% chỉ trong vòng 60 năm, khiến cho nhiệt độ trung bình cũng tăng theo. Điều này đã dẫn đến sự thay đổi hình thái thời tiết và làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, cháy rừng, hạn hán và lũ lụt. Các hậu quả trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu đều rất đa dạng và nghiêm trọng.
Sức khỏe con người là một trong những khía cạnh sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tác động của biến đổi khí hậu. Nắng nóng và hạn hán gây xáo trộn và rút ngắn mùa vụ, khiến sản lượng lương thực bị giảm sút và dần ảnh hưởng đến cả dinh dưỡng. Lũ lụt làm suy giảm chất lượng nước, làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước như dịch tả và tiêu chảy. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo dài khoảng thời gian thuận lợi cho muỗi sinh sôi nảy nở, dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và Zika.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất ở các quốc gia có nguồn lực ít ỏi. Khủng hoảng khí hậu gây áp lực rất lớn lên các hệ thống công. Khi áp lực đó gia tăng, các hệ thống công sẽ đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, dẫn đến những tác động lan rộng về nghèo đói, xung đột và di cư.
Những quá trình này diễn ra ở một quy mô mà chúng ta khó có thể hiểu hết và sẽ tạo ra những thách thức đặc thù tùy vào điều kiện ở từng địa phương. Đôi khi, việc nhìn nhận vấn đề ở quy mô nhỏ có thể là cách tốt hơn để hiểu về sự liên quan giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe.
Chúng ta có thể lấy Việt Nam làm ví dụ, nơi mà các tổ chức và mạng lưới dựa vào cộng đồng đã cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe, đặc biệt là HIV, lao và sốt rét.
Nông nghiệp là một ngành lớn và năng động tại Việt Nam. Tại đây, nền nông nghiệp tự cung tự cấp dựa trên lúa gạo đã được thay thế bởi các loại cây trồng định hướng xuất khẩu trong vòng 40 năm qua.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Cà phê Việt Nam chiếm 16% thị phần thị trường cà phê toàn cầu, với hơn 92% tổng lượng cà phê được trồng ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, sự phát triển của các đồn điền cà phê phải phụ thuộc vào lượng mưa đều đặn, mà trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán kéo dài đã gây ra không ít khó khăn cho ngành này.
Ảnh: Do thiếu nước vì hạn hán, nông dân tại Gia Lai tập trung khoan giếng để cứu vườn cà phê (Nguồn: Tuấn Anh/Báo Nông Nghiệp)
Hạn hán và năng suất kém đã buộc ngày càng nhiều nông dân phải tìm kiếm cơ hội mới hoặc bỏ đi trốn tránh vì nợ nần. Một số người chọn từ bỏ đất đai và khai hoang đất mới, di chuyển sâu hơn vào rừng, khiến họ có nguy cơ mắc mới đối với bệnh sốt rét khi mà khu vực đó gần như đã loại trừ được mầm bệnh. Những người khác chuyển đến thành phố tìm việc và sống tại các khu định cư đông đúc với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Điều này khiến tình trạng nghèo đói tồi tệ hơn khi các thành viên trong gia đình quá trở nên quá ốm yếu để có thể làm việc.
Khủng hoảng khí hậu và những tác động kinh tế - xã hội phức tạp của nó có thể làm những rào cản giới tính đối với chăm sóc sức khỏe trở nên trầm trọng thêm. Ví dụ, phụ nữ thường ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế và được chăm sóc ít hơn nam giới nếu họ mắc lao hoạt động. Hơn nữa, những người mắc bệnh lao, bất kể giới tính nào, thường cảm thấy tội lỗi và tự kỳ thị bản thân vì không hoàn thành vai trò giới được mong đợi từ họ.
Ở Việt Nam, nam giới phải đối mặt với cảm giác lo âu và tội lỗi mạnh mẽ khi không thể chu cấp cho gia đình - điều mà họ coi là vai trò và nghĩa vụ của mình, nhất là khi nam giới có nguy cơ mắc lao hoạt động cao hơn. Trong khi đó, nữ giới mắc lao thường cảm thấy bức bối vì bị tách khỏi con cái và không thể hoàn thành được vai trò chăm sóc gia đình như mong đợi.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng đất nhiễm mặn và xói mòn do mực nước biển dâng cao cũng khiến cuộc sống của nông dân ở các vùng ven biển trở nên khó khăn. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trẻ (bao gồm cả phụ nữ chuyển giới), cũng chọn di cư đến các trung tâm thành thị gần đó. Khi đại dịch nổ ra, nền kinh tế địa phương, vốn đã chịu nhiều gánh nặng trong việc tiếp nhận tất cả những người di cư mới, lại phải đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn. Trong tình cảnh đó, không ít người đã chọn hoặc buộc phải tìm đến công việc mại dâm, khi mà họ chưa được tiếp cận bởi các chương trình về HIV và có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Mời bạn theo dõi tiếp phần 2 của bài viết tại đây.