Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI
Sốt rét được xem là căn bệnh nguy hiểm lây nhiễm chủ yếu do muỗi truyền Anophene từ người bệnh sang người lành, gây nên nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con người đặc biệt là nhóm dân cư di biến động, thường xuyên gặp nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Bên cạnh tác nhân chính là ký sinh trùng và vật chủ trung gian, môi trường cũng chính là yếu tố gây ảnh hưởng đến bệnh sốt rét. "Sốt rét rừng", "sốt rét đầm lầy", "sốt rét ngã nước", "rừng thiêng nước độc",... là những thuật ngữ minh chứng rõ ràng cho mối liên hệ mật thiết giữa sự bùng phát của bệnh và các môi trường.
Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến bệnh sốt rét
Môi trường tự nhiên
Nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và mùa mưa đều có tác động đến việc sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh cũng như vi khuẩn gây bệnh. Các biến động về môi trường như phá rừng, làm rẫy, làm thủy điện, mở đường giao thông, xây dựng những khu kinh tế mới về nông nghiệp ở ven rừng, ... sẽ có ảnh hưởng đến sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển như có thêm chỗ sinh sản, có nhiều ổ bọ gậy, thêm mồi để đốt, thêm nơi trú ẩn ..., sốt rét có cơ hội lưu hành và lây truyền. Thời tiết nắng nóng kéo dài, nâng cao nhiệt độ trung bình nhiều ngày liên tục cũng làm cho muỗi truyền bệnh và ký sinh trùng sốt rét trong cơ thể muỗi phát triển, làm tăng sự tiếp xúc giữa muỗi truyền bệnh với người.
Ở một số khu vực, muỗi thường đẻ trứng trong các vùng nước đọng như ao, hồ, và vũng nước. Khi mùa mưa kéo dài, mật độ muỗi tăng, làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt rét. Trong những năm có thiên tai, bão lụt, và lũ quét ở các vùng có sốt rét lưu hành, mật độ muỗi truyền bệnh gia tăng, trong khi đó, điều kiện sống của con người giảm sút do sự đói kém và giảm sức đề kháng.
Ảnh: Vũng nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sản
Môi trường sinh học
Môi trường sinh học gồm những sinh vật như động vật rừng, động vật nuôi, thủy sinh ... Động vật rừng và động vật nuôi có thể thu hút muỗi truyền bệnh sốt rét đến hút máu, từ đó làm giảm mật độ muỗi đốt người và hạn chế sự lây truyền bệnh. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gia súc gần nhà có thể khiến con người cũng trở thành mục tiêu dễ dàng cho muỗi đốt, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số loài thủy sinh có khả năng ăn bọ gậy, là ấu trùng của muỗi. Việc sử dụng các loài thủy sinh này như một biện pháp sinh học để kiểm soát muỗi có thể góp phần phòng chống sốt rét hiệu quả.
Môi trường kinh tế - xã hội
Các hoạt động kinh tế của con người, như mở kênh thủy lợi, đào ao hồ, chặt cây tre nứa mà không diệt gốc, cấy ruộng bậc thang, trồng cói, cao su, cà phê... đều tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sản của muỗi. Đồng thời, việc mở rộng các khu vực kinh tế mới, nhưng cũng như khai thác vàng, đá quý, trầm hương, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông... làm tăng sự tiếp xúc giữa con người và muỗi truyền bệnh. Việc di cư của nhân dân, có tổ chức hoặc không tổ chức, từ vùng không có sốt rét vào vùng sốt rét nặng, hoặc di chuyển từ vùng này sang vùng khác, cũng làm tăng sự phức tạp của tình hình. Trong một số trường hợp, điều này có thể góp phần vào việc xuất hiện dịch sốt rét ở quy mô khác nhau và làm cho tình hình bệnh tăng trầm trọng hơn.
Các yếu tố xã hội như nghề nghiệp, mức sống, và trình độ hiểu biết của cộng đồng cũng ảnh hưởng đến sự lây truyền của bệnh sốt rét. Ở những vùng sốt rét lưu hành nặng, thường là những vùng xa xôi, hẻo lánh, giao thông kém phát triển. Ở những vùng này, nghề nghiệp của nhân dân thường không ổn định, thường xuyên “đi rừng - ngủ rẫy”, khai thác lâm thổ sản, buôn bán, trao đổi hàng hóa, ... còn xảy ra phổ biến.
Một phần nhân dân thường phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và dân cư phân tán, gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sốt rét. Đồng thời, trình độ hiểu biết và chất lượng của dịch vụ y tế cơ sở tại những vùng này vẫn còn hạn chế, tạo ra thách thức lớn trong việc kiểm soát và điều trị bệnh sốt rét.
Ảnh: Một số môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển
Biện pháp phòng, chống sốt rét
Muốn phòng chống bệnh sốt rét chúng ta phải diệt ký sinh trùng sốt rét, diệt muỗi truyền bệnh sốt rét, bằng cách:
Chống muỗi đốt
- Ngủ trong màn (mùng) ở nhà và mang màn theo cả khi đi vào rừng rẫy, công trường;
- Tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi theo hướng dẫn của các bộ phòng dịch. Ngủ màn có tẩm thuốc diệt muỗi không ảnh hưởng tới sức khỏe và là biện pháp tốt nhất để phòng chống bệnh sốt rét;
- Phun hóa chất diệt muỗi (khi có chỉ định của ngành y tế);
- Hun khói, dùng hương xua muỗi, thuốc xịt muỗi... phòng chống muỗi đốt.
Diệt nơi muỗi đẻ trứng và trú ẩn
- Phát quang bụi rậm quanh nhà. Di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở. Nếu có điều kiện, giăng mùng cho gia súc tránh muỗi đốt;
- Lấp vũng nước đọng, vệ sinh dụng cụ chứa đựng nước, khơi thông cống rãnh dòng chảy hạn chế nơi trú ẩn sản sinh ra muỗi;
- Sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng.
Theo Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Vấn đề môi trường và bệnh sốt rét