20/01/2023
Trẻ em và Thanh niên, TP. Hồ Chí Minh
Người có duyên với trẻ đặc biệt
Người có duyên với trẻ đặc biệt

Sinh viên năm nhất, chị Thúy bắt đầu công việc dạy học cho trẻ lang thang đường phố - đối tượng của lớp tình thương Nhà thờ Đức Bà thời điểm đó. Những trẻ em này không có giấy khai sinh, quá tuổi đến trường, sống và làm việc trên đường phố. K. là một trong những em nhỏ khiến chị Thúy khó quên. Sinh năm 1985, K. không được cha và bên nội thừa nhận, mẹ khá lớn tuổi làm nghề bán đậu phộng luộc và vé số để nuôi con. K. đánh giày, bán đậu phộng phụ mẹ… Dù học không khá nhưng K. mơ ước sẽ học đến nơi đến chốn để có thể đổi đời. Ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng nan giải với những trẻ lang thang như K.

Học hết lớp 5 của trường tình thương, K. được các sơ giúp học bổng để học tiếp cấp 2. Vì cuộc sống mưu sinh nên em cứ học được 1-2 năm rồi nghỉ, những lúc đó chị Thúy và các sơ lại động viên, hỗ trợ tài chính để K. tiếp tục học và tốt nghiệp phổ thông hệ giáo dục thường xuyên vào năm 2010. Chị Thúy tiếp tục định hướng cho K. và em chọn học điện lạnh hệ trung cấp ở Trường Công nghiệp 4. Vừa đi học, vừa phụ quán để có tiền trang trải cho cuộc sống, sau 2 năm K. tốt nghiệp, nhưng không làm nghề điện lạnh mà đi hỗ trợ các dự án cho thanh thiếu niên đường phố. Thấy em có đam mê với lĩnh vực này, chị Thúy động viên K. cố gắng học thêm về công tác xã hội để có thể giúp được nhiều người một cách chuyên nghiệp hơn. K. theo học ngành công tác xã hội hệ đào tạo từ xa của trường Đại học Mở. Hiện tại, em làm cho một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam với thu nhập ổn định, có thể nuôi mẹ và trang trải cuộc sống riêng.

Ảnh: Tổ chức cho trẻ em vui chơi giải trí, sinh hoạt chuyên đề.

Năm 2001, chị Thúy làm việc tại nhóm thiện nguyện Xuân Vinh - chuyên tư vấn và chăm sóc cho thanh thiếu niên nhiễm HIV. Công việc hằng ngày của chị là đi tiếp cận, vãng gia, tư vấn về kiến thức liên quan đến HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên nhiễm HIV để giúp họ “không chết vì thiếu hiểu biết”.

Tiếp cận T. (sinh năm 2002) tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc em được 4 tuổi trong tình trạng tưởng chừng như không qua khỏi vì lao phổi, và mẹ em lúc đó thì đang vô cùng khủng hoảng, tuyệt vọng vì nhận kết quả 2 mẹ con dương tính HIV.

Chị Thúy đã tư vấn, giúp mẹ T. hiểu rõ về bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh, chuyển gửi, kết nối họ đến nơi điều trị cho người có H, đồng hành với mẹ con chị trong suốt quá trình điều trị bệnh cho đến lúc khỏe. T. đến tuổi đi học, nhưng mẹ em chỉ muốn giữ con bên mình, thuyết phục mãi chị mới hiểu và đồng ý cho T. đến trường. Nhưng do ảnh hưởng của thuốc điều trị nên em học rất khó khăn, vì vậy, chị Thúy tư vấn cho hai mẹ con về việc học nghề. Sau khi học xong lớp 7, T. đi học nghề sửa xe. Tuy nhiên, sau đó T. quyết định nghỉ học nghề và đi phụ bán quán cà phê để sinh sống. Hiện tại công việc của em rất ổn định, thu nhập đủ lo cho cuộc sống của hai mẹ con.

Cuối năm 2014, chị Thúy “đầu quân” cho Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI). Ở đây, chị lại có cơ duyên hỗ trợ trẻ là con của những nhóm đích mà SCDI đang làm việc cùng như người sống chung với HIV, người sử dụng ma tuý, người bán dâm, dân di biến động và các nhóm dễ bị tổn thương khác… Chị và các đồng nghiệp tiếp cận, hỗ trợ trẻ học phí, tổ chức cho các em vui chơi giải trí thông qua qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, trại hè, theo sự kiện lễ, Tết, Trung thu, 1/6… Năm 2016, chị tiếp cận gia đình chị P. trong tình trạng hai vợ chồng đều thất nghiệp do sức khỏe yếu. Hai vợ chồng chị P. đều có H, đã điều trị thuốc ARV nhiều năm nhưng do gia đình khó khăn lại phải nuôi 3 con đi học nên cả nhà thiếu dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.

Chị Thúy đề xuất với SCDI đưa gia đình chị P. vào danh sách được hỗ trợ dinh dưỡng, học phí cho con. Năm 2019, con lớn của chị P. tốt nghiệp cấp 3 và chị Thúy đã tư vấn hướng nghiệp, chuyển gửi em đến học nghề hớt tóc. Hiện tại, em đã ra hành nghề được hơn một năm, thu nhập khá ổn định, có thể phụ giúp ba mẹ các khoản chi phí cho gia đình. Hai em nhỏ đứa lớp 5, đứa lớp 6 cũng nhận hỗ trợ từ “Cắt đứt vòng xoáy” - một dự án cải thiện tiếp cận giáo dục cho trẻ em nghèo do SCDI triển khai kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Ảnh: Các hoạt động vãng gia, hỗ trợ gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chị Thúy tâm sự: “Trong quá trình làm việc với các em, tôi học được nhiều thứ, các em đã dạy cho tôi sự kiên nhẫn, các em đã cho tôi có môi trường để dấn thân và thực hành các kiến thức và kỹ năng mà tôi đã được học từ trường lớp. Tôi vẫn thôi thúc muốn làm cho các em nhiều hơn nữa, xã hội càng phát triển thì các vấn đề liên quan đến trẻ em càng nhiều, các em đối diện với các nguy cơ càng nhiều. Một mùa xuân mới lại về trên khắp các nẻo đường, hy vọng tôi có đủ sức khỏe, SCDI vẫn có được nguồn lực để tôi có cơ hội tiếp tục làm việc với các em”.

Theo Thư viện Sức khỏe