24/03/2025
Mạng lưới cộng đồng
Những nỗ lực của Mạng lưới trong CSET hành trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam
Những nỗ lực của Mạng lưới trong CSET hành trình chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam

Lao vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm toàn cầu. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2023, thế giới ghi nhận 10,8 triệu ca mắc mới và 1,25 triệu người tử vong do bệnh lao.

Việt Nam đứng thứ 12 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất toàn cầu. Người mắc bệnh lao, đặc biệt là những nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, không chỉ đối mặt với các khó khăn về y tế, mà cả những khó khăn đa chiều khác, khiến họ gặp nhiều thách thức trong việc khám chữa bệnh và duy trì điều trị.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, chúng ta vẫn những khoảng trống cần được lấp đầy. Sự tham gia của cộng đồng sẽ là mắt xích không thể thiếu giúp  hiện thực hóa mục tiêu đó.


Mạng lưới Cộng đồng chấm dứt bệnh lao (Community System to End TB - CSET) là một sáng kiến của SCDI. Mạng lưới được thành lập từ năm 2021 với sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lao có thể được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng tốt, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Với gần 500 thành viên hoạt động tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, CSET gồm các cá nhân có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cộng đồng, được đào tạo chuyên sâu để hỗ trợ từ y tế đến tâm lý, kết nối người bệnh với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Kể từ khi thành lập, mạng lưới CSET đã và đang triển khai nhiều hoạt động để thu hẹp những khoảng trống trong công tác phòng chống bệnh lao, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận dịch vụ khám và điều trị lao cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao mắc lao nhưng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh như người sống chung với HIV, người sử dụng chất, người già neo đơn, người nghèo, người vô gia cư,... Với sự hợp tác cùng các cơ quan y tế và các tổ chức liên quan, CSET tập trung hỗ trợ để dịch vụ khám sàng lọc và điều trị lao tiếp cận đến những người có nguy cơ cao mắc lao tại địa phương.

Từ năm 2021 đến năm 2024, các hoạt động hỗ trợ của CSET tại 10 tỉnh thành, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, đã mang lại nhiều kết quả tích cực:

  • Hỗ trợ 123,194 người có nguy cơ lây nhiễm cao khám sàng lọc lao
  • Hỗ trợ tiếp cận sàng lọc Mantoux cho 15,742 người tiếp xúc với bệnh nhân lao
  • Phát hiện và hỗ trợ vào điều trị cho 1,299 người mắc lao
  • Phát hiện và hỗ trợ vào điều trị cho 2,691 người nhiễm lao tiềm ẩn

Đáng chú ý, tại Hải Phòng, Mạng lưới CSET đã trở thành nhân tố chủ chốt giúp cộng đồng người tiêm chích ma túy được tiếp cận sàng lọc lao.

Ảnh: Thành viên CSET thăm bệnh nhân lao đang điều trị

Một trong những điểm nổi bật của CSET là mô hình hỗ trợ điều trị toàn diện, hiện đã được thí điểm tại các tỉnh Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình hỗ trợ này bao gồm việc kiểm tra và theo dõi tuân thủ điều trị của người bệnh, hỗ trợ họ trong việc tái khám, cung cấp thông tin, kiến thức về điều trị, và cách phòng ngừa cho cả bệnh nhân lẫn người nhà. Ngoài ra, CSET còn kết nối với các tổ chức và mạnh thường quân để hỗ trợ bệnh nhân về tài chính, như mua bảo hiểm y tế hoặc cung cấp dinh dưỡng. Thêm vào đó, CSET đóng vai trò quan trọng trong việc phản hồi các khó khăn của người bệnh tại địa phương tới các cơ quan y tế, từ đó tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.

Riêng trong năm 2024, mô hình hỗ trợ điều trị toàn diện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác y tế địa phương. Những kết quả đáng khích lệ ban đầu có thể kể đến như cung cấp được 872 lượt hỗ trợ điều trị chuyên sâu cho 312 bệnh nhân khó khăn, hay cung cấp hỗ trợ xã hội thông qua mua thẻ bảo hiểm y tế và/hoặc hỗ trợ dinh dưỡng cho 100 bệnh nhân. 

Ngoài ra, CSET cũng đã tổ chức 101 buổi truyền thông về lao với hơn 768 lượt tham gia từ những người có nguy cơ mắc lao cao. Các buổi truyền thông cộng đồng được thực hiện những hình thức gần gũi, dễ hiểu và dễ tiếp cận, mang đến các thông tin về bệnh lao như triệu chứng, cách phòng tránh, phương pháp điều trị,... Những buổi truyền thông đó giúp nâng cao nhận thức về bệnh lao trong cộng đồng, giảm sự kỳ thị và nỗi sợ đối với bệnh, từ đó khuyến khích người dân chủ động sàng lọc và tuân thủ điều trị lao.

Ảnh: Một buổi truyền thông nhóm về lao tại cộng đồng

Sự giúp sức của CSET đang đóng vai trò không thể thiếu trong việc thu hẹp khoảng cách giữa người bệnh và hệ thống y tế, từng bước giúp chúng ta đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) đối với bệnh lao. Những nỗ lực bền bỉ của họ không chỉ giúp kết nối và điều trị hiệu quả các ca bệnh lao mà còn nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị trong cộng đồng, và mang chúng ta đến gần hơn với mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.