27/12/2024
Bản tin môi trường
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của chúng ta?
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của chúng ta?

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Hà Nội đang trải qua thời kỳ cao điểm của ô nhiễm không khí, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức “xấu” hoặc “rất xấu.” Đặc biệt, ngày 25/12 vừa qua, khu vực Hồ Tây ghi nhận AQI đạt 324, mức “nguy hại.”

Tình trạng ô nhiễm này làm gia tăng đáng kể các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt khi giao mùa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí được ví như “thuốc lá mới” vì những tác động nghiêm trọng của nó đến sức khỏe con người. Vậy những ảnh hưởng đó cụ thể ra sao? Và chúng ta cần làm gì để bảo vệ bản thân?

Ô nhiễm không khí là gì?

Ô nhiễm không khí là sự nhiễm bẩn của môi trường không khí, trong nhà hoặc ngoài trời, bởi các tác nhân hóa học, vật lý hoặc sinh học, làm thay đổi đặc tính tự nhiên của khí quyển. Các chất gây ô nhiễm phổ biến bao gồm bụi mịn (PM), khí CO, khí NO2, khí O3, và CO2.

Nguồn phát thải ô nhiễm không khí đến từ nhiều hoạt động khác nhau, như sản xuất năng lượng, giao thông đường bộ, quản lý chất thải, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, cũng như các đám cháy rừng. Đặc biệt, tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên) từ các nhà máy và bếp lò gia đình góp phần lớn vào mức độ ô nhiễm.

Ảnh: Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội (Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ)

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của chúng ta?

Hít thở không khí ô nhiễm là con đường chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Các chất ô nhiễm gây viêm nhiễm, stress oxy hóa, suy giảm miễn dịch và thậm chí đột biến tế bào, ảnh hưởng không chỉ đến hệ hô hấp mà còn đến tim, não, và nhiều cơ quan khác. Các hạt bụi siêu mịn có khả năng thâm nhập vào máu thông qua phổi, gây viêm nhiễm toàn thân và tăng nguy cơ ung thư.

Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân (all-cause mortality), cũng như các bệnh cụ thể như đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và viêm phổi.

Tiếp xúc dù là ngắn hạn hay dài hạn với các chất ô nhiễm đều có thể gây hại cho cả trẻ em và người lớn. Hậu quả ngắn hạn bao gồm suy giảm chức năng phổi, nhiễm trùng hô hấp và bệnh hen suyễn. Trong khi đó, tiếp xúc lâu dài với bụi mịn làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và ung thư.

Tình trạng nhạy cảm với ô nhiễm không khí phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh lý nền, chế độ dinh dưỡng và hoàn cảnh xã hội. Đặc biệt, trẻ em, người già và phụ nữ mang thai là những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Ô nhiễm không khí chiếm 26% số ca tử vong ở trẻ sơ sinh toàn cầu, liên quan đến các biến chứng như nhẹ cân hay sinh non. 

Chúng ta có thể làm gì khi phải sống chung với ô nhiễm không khí?
Dù ô nhiễm không khí là một thách thức lớn, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những bước nhỏ nhưng ý nghĩa để bảo vệ sức khỏe và cải thiện môi trường:

  • Theo dõi chất lượng không khí: Luôn cập nhật chỉ số AQI để chủ động điều chỉnh sinh hoạt hàng ngày.
  • Hạn chế hoạt động ngoài trời: Chọn thời gian và địa điểm phù hợp để giảm tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
  • Bảo vệ bản thân: Sử dụng khẩu trang chuyên dụng và tránh các khu vực ô nhiễm nặng.
  • Cải thiện không khí trong nhà: Sử dụng máy lọc không khí nếu có thể và thường xuyên lau dọn để giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng.
  • Trồng thêm cây xanh: Hỗ trợ các sáng kiến xanh và cùng xây dựng một môi trường trong lành hơn.

Ảnh: Sử dụng khẩu trang có thể lọc bụi mịn để bảo vệ sức khỏe (Nguồn ảnh: Airphin)

Mỗi hành động, dù nhỏ, đều góp phần tạo nên sự khác biệt. Hãy bắt đầu từ hôm nay, không chỉ vì sức khỏe của bạn mà còn vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.