Thông tin chung
Nhà tài trợ: Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS
Giai đoạn: 2021 - 2026
Địa bàn triển khai: Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An
Thực hiện: Văn phòng Duyên hải
Năm 2021, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã tạo ra những thách thức to lớn cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Nhằm đẩy lùi HIV/AIDS và đóng góp vào Chiến lược Quốc gia Chấm dứt AIDS vào năm 2030, dự án GF-HIV được triển khai với mục đích chính là: Củng cố và tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức xã hội và tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) trong việc giảm thiểu các ca nhiễm HIV mới và Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, bao gồm người tiêm chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và phụ nữ chuyển giới.
SCDI triển khai kết hợp mô hình truyền thống và mô hình CHEER (Đánh giá Dịch tễ học và Can thiệp HIV dựa vào cộng đồng) để đánh giá tình hình dịch tễ trong các nhóm đối tượng mục tiêu, từ đó xây dựng các gói can thiệp dự phòng HIV phù hợp và toàn diện:
- Tiếp cận các nhóm cộng đồng mục tiêu, truyền thông và tư vấn về HIV và các biện pháp phòng ngừa HIV: điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs); giảm hại sử dụng ma túy; chia sẻ kiến thức về viêm gan B, viêm gan C, PrEP, PEP, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.
- Cung cấp vật phẩm giảm hại, bao gồm bơm kim tiêm, nước cất, bao cao su và chất bôi trơn, đồng thời hướng dẫn khách hàng sử dụng đúng cách các vật dụng này.
- Chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ thiết yếu: Xét nghiệm sàng lọc HIV, điều trị ARV, chuyển gửi điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị methadone, sàng lọc và điều trị lao, hỗ trợ can thiệp sức khỏe tâm thần, v.v.
- Củng cố hệ thống cộng đồng ứng phó với HIV/AIDS, thông qua việc kết nối mạng lưới y tế công (hệ thống y tế dự phòng) - tư (các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có sự quản lý của nhà nước) - cộng đồng (các nhóm tiếp cận viên cộng đồng) để ứng phó linh hoạt, hiệu quả, bền vững với dịch HIV/AIDS; Tăng cường năng lực chuyên môn, kiến thức và kỹ năng làm việc cho các nhóm cộng đồng, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động dự án tại cộng đồng.
Can thiệp dự phòng HPV và ung thư cổ tử cung là một điểm mới trong năm 2024 – được triển khai nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhóm phụ nữ sống chung với HIV. Dự án đã phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, tiếp cận viên, đồng thời thực hiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành vi dự phòng. Khách hàng được cung cấp thông tin về cơ chế lây nhiễm HPV, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và tầm quan trọng của việc sàng lọc phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Kết quả năm 2023
Tính đến cuối năm 2023, dự án GF HIV đã tiếp cận được 13.160 khách hàng, đảm bảo mỗi người nhận được ít nhất một dịch vụ phòng ngừa HIV thiết yếu. Dự án đã chuyển gửi 11.063 khách hàng đi xét nghiệm HIV và phát hiện 129 trường hợp dương tính với HIV, tất cả đều được hỗ trợ tiếp cận điều trị.
Kết quả năm 2024
Chỉ trong 4 tháng triển khai dự án (từ tháng 8 - tháng 12/2024), 10.639 khách hàng được tiếp cận ít nhất một dịch vụ dự phòng HIV (đạt 73,9% kế hoạch năm), trong đó có 10.607 người nhận đủ ba gói dịch vụ dự phòng HIV (chiếm 99,7%), và 8.652 người được xét nghiệm HIV tại cộng đồng (81,3%). Dự án đã chăm sóc 240 trường hợp HIV dương tính, trong đó có 67 ca mới, và kết nối điều trị ARV cho 238 người (65 ca mới). Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ khách hàng tiếp cận các dịch vụ y tế khác như PrEP (781 ca), điều trị Methadone (316 ca), khám và điều trị STIs (1.884 ca), chăm sóc sức khỏe tinh thần (183 ca), viêm gan B, C (672 ca), bệnh lao (407 ca); đồng thời hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV cho 20 khách hàng và kết nối mua bảo hiểm y tế cho 51 người.
Với hoạt động dự phòng HPV và ung thư cổ tử cung, dự án đã tiếp cận và truyền thông tới 933 phụ nữ có HIV, trong đó có 86 người được hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc HPV và ung thư cổ tử cung. Kết quả cho thấy 14 trường hợp dương tính, bao gồm các chủng nguy cơ cao như HPV 16, 18, 58 và các chủng khác. Tất cả các trường hợp đều được tư vấn về điều trị và theo dõi định kỳ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời.
Đầu mối
(Ms.) Nguyễn Thị Hà - Điều phối dự án Văn phòng Duyên hải