Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI
Rác thải điện tử (E - waste) được định nghĩa là những sản phẩm điện tử bị vứt bỏ bao gồm điện thoại di động, đồ chơi điện tử, TV, lò vi sóng, thuốc lá điện tử, máy tính xách tay và tấm pin mặt trời,… có thể gây ra những nguy cơ đáng kể cho sức khỏe và môi trường vì có những thành phần độc hại như chì, thủy ngân, phát sinh dioxin do nhựa bị đốt,...
Theo số liệu thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Viện Nghiên cứu Liên hợp quốc về Nghiên cứu và Đào tạo (UNITAR), năm 2022 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kinh ngạc của rác thải điện tử, đạt đến 65 triệu tấn, mức cao kỷ lục và tăng 82% so với năm 2010. Tuy nhiên, điều đáng báo động hơn nữa là chỉ có chưa đến 25% trong tổng khối lượng rác thải điện tử khổng lồ này được thu gom và tái chế trong năm 2022.
Ảnh: Rác thải điện tử toàn cầu tăng nhanh đáng báo động
Tác hại của rác thải điện tử
Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, rác thải điện tử sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện tới con người và môi trường cả trực tiếp và gián tiếp. Khi những chất độc này ngấm vào đất, chúng sẽ ảnh hưởng đến cây trồng trong khu vực, từ đó dễ dàng xâm nhập vào nguồn cung cấp thực phẩm của người dân địa phương.
Ô nhiễm môi trường
Chất độc hại từ rác thải điện tử như chì, thủy ngân hay dioxin,v.v. này rất dễ rỉ ra trong quá trình phơi nắng, phơi mưa (hoặc đơn giản là trong quá trình oxi hóa do để trong oxi) có thể phát tán trong không khí, xâm nhập vào nguồn nước, cũng như là ngấm vào đất. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường cũng như sinh vật sống dưới nước, dẫn đến mất cân bằng trong hệ sinh thái ảnh hưởng cây trồng và nguồn nước ngầm.
Đặc biệt khi chất thải điện tử được xử lý bằng cách đốt tại bãi chôn lấp thông thường. Quá trình này có thể giải phóng hydrocacbon trong khí quyển, gây ô nhiễm không khí và góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính.
Gây hại cho sức khỏe con người
Ảnh hưởng từ các độc tố do rác thải điện tử tạo ra có thể khiến trẻ em bị dị tật bẩm sinh và người lớn mắc nhiều biến chứng về sức khỏe. Nếu hít phải chất độc thải ra từ quá trình đốt rác thải điện tử, con người sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tổn thương phổi, gan,...
Ngoài ra, các chất độc như thủy ngân, chì, asen, bari... có thể xâm nhập vào mạch nước ngầm và đi tới các ao, hồ. Con người nếu sử dụng nguồn nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp như mắc bệnh ung thư, bệnh ngoài da, tổn thương mắt, não, thận, gan... thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một số cách để xử lý rác thải điện tử
Rác thải điện tử vốn sở hữu những tiềm năng tái chế khổng lồ. Những bộ phận được làm nên từ kim loại hay nhựa có trong rác thải điện tử, khi được xử lý đúng cách sẽ đó khả năng “sống thêm nhiều cuộc đời”.
Ảnh: Rác thải điện tử được phân loại để tái chế
Bảo quản và tái chế
Nếu thiết bị điện tử đã đến lúc "nghỉ hưu”, hãy bảo quản chúng cẩn thận ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp. Sau đó, trong vòng 30 ngày, hãy mang chúng đến các điểm thu gom và tái chế rác thải điện tử uy tín.
Sử dụng thiết bị điện tử đến hết hạn sử dụng
Trước khi vội vàng mua sắm thiết bị mới, hãy kiểm tra xem thiết bị cũ của bạn có thực sự cần được thay thế hay không. Hãy thử khởi động lại, kết nối với các thiết bị khác hoặc mang đến cửa hàng sửa chữa uy tín để được tư vấn.
Mua sắm thông minh
Thay vì chạy theo những công nghệ mới nhất, hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sắm thiết bị điện tử. Liệu bạn có thực sự cần tính năng mới này? Thiết bị mới có tiết kiệm năng lượng hơn so với thiết bị cũ hay không? Chi phí bỏ ra có xứng đáng?
Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc tặng chúng cho những người có nhu cầu thông qua các chương trình hỗ trợ thay vì vứt bỏ thiết bị cũ khi vẫn còn có thể sử dụng.
Mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phân loại rác; bảo quản và sử dụng hợp lý để kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm điện tử nhằm giảm bớt lượng rác thải ra môi trường.