Hoạt động sàng lọc lao chủ động tại cộng đồng đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cùng Chương trình Chống lao Quốc gia NTP và Stop TB Partnership phối hợp triển khai tại một số tỉnh thành phía Bắc (thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An) từ tháng 11/2021.
Chương trình tiếp tục được mở rộng thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai từ tháng 3/2022, tập trung tại các xã có tỷ lệ mắc lao cao và tồn tại nhiều rào cản trong tiếp cận và điều trị bệnh này.
Chiến lược mới tập trung sàng lọc trên nhóm người có nguy cơ cao thay vì đợi những người có triệu chứng đến khám tới chủ động tìm. Đây là cách tiếp cận có hiệu quả nhằm chấm dứt bệnh lao khi cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trong việc chạm đến dịch vụ dự phòng và điều trị. Tại Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai, SCDI có mạng lưới CMAT rộng khắp, có kinh nghiệm và thân quen với bà con trong vùng.
Ảnh: Đội ngũ nhân viên tư vấn cho người dân địa phương.
Trong quá trình sàng lọc, những người tham gia được chụp X-quang, xét nghiệm Gene Xpert và TST miễn phí. Cho đến nay, chương trình sàng lọc 11719 trường hợp, chỉ định Gene Xpert 1399 người và thực hiện tiêm Mantoux 2811 người: tại Đắk Nông đã tiến hành chụp X-quang cho 4192 người, Đắk Lắk sàng lọc 1305 người; Gia Lai sàng lọc 1820 người.
Ảnh: Nhân viên hỗ trợ, tư vấn khám sàng lọc lao.
Ngoài ra, chương trình phát hiện ra những người mắc lao tiềm ẩn và lao kháng thuốc trong cộng đồng. Trong trường hợp được phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời, hơn 90% người mắc bệnh lao thường sẽ khỏi bệnh, trên 75% người mắc lao kháng thuốc sẽ khỏi bệnh.
Việc phát hiện bệnh chủ động không chỉ dễ dàng hơn trong việc phát hiện sớm, điều trị để khống chế sự lây nhiễm bệnh lao ở cộng đồng, bảo vệ sức khỏe cho người mắc lao, giảm gánh nặng kinh tế do bệnh gây ra và quan trọng hơn, là bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng, chấm dứt tình trạng bệnh lao ở nước ta.