25/04/2022
Giảm hại và Điều trị Nghiện
SCDI đồng hành cùng Tp. Hải Phòng xây dựng cơ sở điều trị nghiện toàn diện đầu tiên
SCDI đồng hành cùng Tp. Hải Phòng xây dựng cơ sở điều trị nghiện toàn diện đầu tiên

Dẫn nguồn: Báo Dân Trí

Trước tình hình người nghiện ma túy gia tăng, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trên cả nước đang nghiên cứu đề án thí điểm điều trị nghiện toàn diện tại cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả.

Điều trị nghiện toàn diện có những gì?

TP Hải Phòng đang hoàn thiện đề án triển khai thí điểm cai nghiện toàn diện tại 2 cơ sở Methadone dự kiến là Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên) và Vĩnh Niệm (quận Lê Chân). Đề án được thực hiện trong 2 năm, từ năm 2022-2023. Tháng 12/2023 sẽ tổng kết đề án và đề xuất phương hướng tiếp theo.

Chương trình này hướng tới người sử dụng, người nghiện các chất dạng thuốc phiện, các chất ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó là người đủ 12 tuổi trở lên tự nguyện tham gia điều trị chất dạng thuốc phiện hoặc điều trị ma túy tổng hợp hoặc cả 2 loại chất trên.

Mục tiêu của đề án là phát triển cơ sở Methadone thành cơ sở điều trị toàn diện nhằm tăng khả năng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu điều trị toàn diện cho người nghiện một hoặc nhiều chất ma túy.

Người điều trị sẽ được can thiệp về nhiều mặt như: y tế, tâm lý, xã hội, pháp lý, hỗ trợ hồi phục, mở rộng các hoạt động giảm hại, tăng khả năng tuân thủ điều trị, tăng kết quả, hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ tái sử dụng, cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng hòa nhập cộng đồng

Các cơ sở này sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, chuyển gửi cắt cơn giải độc; điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy dạng Amphetamine/ATS, lồng ghép tư vấn và điều trị ARV cho người có HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại thông qua sàng lọc, chuyển gửi điều trị viêm gan B, C, lao, dự phòng và xử trí quá liều các chất dạng thuốc phiện, hỗ trợ hồi phục, hòa nhập cộng đồng cho người vào điều trị.

Bên cạnh đó, mục tiêu đề án là điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện, điều trị các rối loạn tâm thần cho bệnh nhân đang điều trị methadone và các bệnh nhân tự nguyện đến điều trị cho khoảng 800 người mỗi năm, mỗi người bệnh được nhận được ít nhất 5 dịch vụ. Hỗ trợ hồi phục sức khỏe và các chức năng xã hội cho 500 bệnh nhân mỗi năm. Các cơ sở chuyển gửi điều trị các bệnh viêm gan B, C, bệnh lao cho ít nhất 80% bệnh nhân sau khi được khám sàng lọc, kết quả có nguy cơ cao.

Giảm ít nhất 50% tỉ lệ người bỏ điều trị methadone do có sử dụng các chất ma túy, thiếu tuân thủ điều trị so với bệnh nhân ở cơ sở điều trị Methadone khác ở Hải Phòng; giảm 90% các hành vi vi phạm pháp luật do hành vi nghiện ma túy. 100% cán bộ y tế và tư vấn viên được đào tạo và cấp chứng chỉ để đáp ứng với nhiệm vụ của cơ sở điều trị toàn diện.

Trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá để từng bước để nhân rộng mô hình điều trị toàn diện dựa trên nền tảng sẵn có của cơ sở điều trị Methadone để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của công tác điều trị, cai nghiện, hỗ trợ hồi phục cho người nghiện ma túy.

Cần thiết trong bối cảnh mới

Theo báo cáo của chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hải Phòng, tính đến tháng 6/2020, thành phố có hơn 5.400 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó hơn 1.100 người đang điều trị ở các cơ sở cai nghiện tập trung, chiếm hơn 20%. Trong số gần 4.300 người nghiện đang điều trị ở cộng đồng có gần 3.960 người đang điều trị bằng Methadone.

TP Hải Phòng cũng đã sắp xếp lại cơ sở cai nghiện, điều trị ma túy gồm 3 cơ sở cai nghiện tập trung, 18 cơ sở điều trị Methadone (12 cơ sở do ngành y tế quản lý, số còn lại do ngành Lao động - Thương binh & Xã hội quản lý). 13 cơ sở đã phối hợp với Liên hiệp Hội KHKT thành phố triển khai chương trình hỗ trợ hòa nhập xã hội, thành lập 13 nhóm tự lực "Xây dựng niềm tin, vượt lên chính mình", thu hút 300 thành viên là bệnh nhân methadone tham gia.

Hiện nay, công tác điều trị Methadone đang gặp một số khó khăn, bệnh nhân vào mới và bỏ trị tương đương nhau. Nguyên nhân khiến bệnh nhân bỏ trị chủ yếu là nợ phí, đi tù…

Từ năm 2014, các cơ sở thực hiện xã hội hóa, bệnh nhân đóng góp 300.000 đồng/tháng, có tới 6 cơ sở do ít bệnh nhân nên không đủ nguồn kinh phí hoạt động. Đặc biệt là ở 9/16 cơ sở có dưới 300 bệnh nhân; một số bác sĩ làm việc theo chế độ hợp đồng nên thu nhập thấp, áp lực nhiều, không yên tâm làm việc.

Đầu tháng 4/2021, Hải Phòng là 1 trong 3 địa phương của cả nước triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mở ra cơ hội cho bệnh nhân tuân thủ điều trị và triển vọng cho các bác sĩ, nhân viên các cơ sở Methadone có cơ hội làm việc tốt hơn.

Bối cảnh chung cho thấy, tình hình người nghiện ma túy không ngừng gia tăng, sử dụng nhiều loại ma túy. Công tác cai nghiện ma túy nói chung, điều trị nghiện bằng thuốc thay thế nói riêng không ngừng được mở rộng song đứng trước những vấn đề mới nảy sinh hết sức khó khăn. Có một tỉ lệ đáng kể bệnh nhân điều trị methadone sử dụng "2 mang", có nhiều vấn đề về sức khỏe, bỏ trị, rất đáng được quan tâm xử trí.

Bên cạnh tình trạng sử dụng các chất ma túy khác nhau, nhiều người có các bệnh lây nhiễm như HIV, viêm gan B, C, bệnh lây truyền qua đường tình dục; nhiều bệnh nhân có các rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, trong khi cơ sở điều trị Methadone chỉ có chức năng điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Vì vậy, nhu cầu điều trị nghiện các chất ma túy khác phổ biến hiện nay là ma túy tổng hợp dạng ATS cũng như sàng lọc, khám và chuyển gửi điều trị các bệnh đồng diễn không được cơ sở điều trị Methadone thực hiện do không có chức năng, nhiệm vụ, không có kiến thức chuyên môn.

Bản thân người bệnh một mặt do ảnh hưởng ma túy đến chức năng nhận thức của não bộ, mặt khác do không có điều kiện trong tiếp cận các dịch vụ điều trị như đi khám bệnh, chuyển gửi, chi trả dịch vụ xét nghiệm làm cho tình trạng bệnh ngày càng thêm trầm trọng, nếu điều trị sẽ kéo dài thời gian, tốn kém nhiều kinh phí, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.

Bởi vậy, việc phát triển cơ sở điều trị Methadone thành cơ sở điều trị nghiện toàn diện cho người nghiện tại cộng đồng sẽ góp phần tích cực, tạo ra động lực cho người nghiện ma túy bởi sự thuận lợi, kết nối điều trị các bệnh liên quan đến sử dụng ma túy, tăng tuân thủ điều trị nghiện ma túy và nâng cao kết quả, hiệu quả điều trị toàn diện.

Kinh phí đảm bảo cho việc triển khai đề án dự kiến lấy từ nguồn ngân sách thành phố, hỗ trợ của Bộ Y tế, tài trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) và các nguồn khác.

Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI, đề án ra đời đáp ứng nhu cầu điều trị toàn diện cho người nghiện ma túy, giúp tối đa hóa hiệu quả sử dụng các điều kiện sẵn có của cơ sở Methadone để phát triển thành cơ sở điều trị toàn diện tại cộng đồng. Hướng đi này cũng đáp ứng và sẵn sàng cam kết thực hiện các tiêu chuẩn điều trị nghiện ma túy của Liên Hiệp Quốc.

 

Bài viết liên quan