Ngày 21 tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, phối hợp cùng SCDI, đã tổ chức thành công hoạt động mít tinh kỷ niệm ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2025. Hoạt động tập trung tổng kết và đánh giá lại các hoạt đồng phòng chống lao trong năm 2024 và triển khai kế hoạch hoạt động cho năm 2025.
Theo báo cáo tổng kết chương trình phòng chống lao tại tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2024, toàn tỉnh có 858 bệnh nhân lao được phát hiện, đạt 78% so với chỉ tiêu đề ra. Tổng số bệnh nhân được điều trị trong năm 2024 là 1,018 người, trong đó 542 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 425 bệnh nhân đã hoàn thành điều trị. Tỷ lệ điều trị thành công các thể lao chung là 95%, bệnh nhân lao phổi mới và tái phát đạt 95%, bệnh nhân lao kháng thuốc là 100%.
Các hoạt động sàng lọc lao cộng đồng được triển khai rộng rãi, bao gồm sàng lọc bằng phương pháp 2X (X-quang và Xpert). Trong tổng số 3.082 người được sàng lọc và chụp X-quang, có 101 trường hợp có X-quang bất thường, 138 người được xét nghiệm Xpert, trong đó có 6 ca dương tính, và 1 người mắc lao kháng thuốc. Hoạt động khám, phát hiện lao tiềm ẩn tại các địa phương trong tỉnh là 1.393 người, trong đó phát hiện 185 người có kết quả dương tính, chiếm tỷ lệ 13,2%.
Về phía SCDI, trong năm vừa qua, Trung tâm đã đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Đắk Lắk, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo, các trạm y tế xã và CSET tại các huyện Krông Pắc và Ea H’leo để hỗ trợ 67 bệnh nhân lao tuân thủ điều trị. Trong số này, có 40 bệnh nhân đã hoàn thành điều trị, số còn lại sẽ tiếp tục được hỗ trợ điều trị trong năm 2025. Bên cạnh đó, với nỗ lực hỗ trợ người bệnh điều trị một cách toàn diện, SCDI đã hỗ trợ tiền mặt cho 13 bệnh nhân, nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí giúp người bệnh yên tâm hoàn thành điều trị.
Ảnh: Chị Nguyễn Thị Hoài Thương, Cán bộ dự án của SCDI tại Đắk Lắk, chia sẻ tại buổi mít tinh
Thông qua Mạng lưới Cộng đồng chấm dứt bệnh lao (CSET), SCDI đã tổ chức 44 buổi truyền thông nhóm nhỏ cho người thân và cộng đồng xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống, thu hút 342 lượt tham gia. Nội dung truyền thông tập trung vào những kiến thức cơ bản về bệnh lao, quy trình khám chữa bệnh lao tại cơ sở y tế địa phương, giúp gia đình bệnh nhân và cộng đồng hiểu rõ về phòng chống lao và dễ dàng tiếp cận dịch vụ khám và điều trị lao tại cộng đồng.
Ngoài ra, SCDI đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên CSET tại huyện Krông Pắc và Ea H’leo, đồng thời phối hợp cùng các bệnh viện và trung tâm y tế tại hai huyện này để tổ chức các buổi họp tổng kết và rút kinh nghiệm cho các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân lao tại địa phương.
Đặc biệt, buổi mít tinh có sự góp mặt và chia sẻ của các thành viên CSET tại địa phương về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị. Trong đó phần chia sẻ của chị Phạm Thị Thảo Tâm, thành viên CSET tại huyện Ea H’leo, đã để lại nhiều ấn tượng. Xuất phát từ nỗi trăn trở khi chính người thân của mình từng mắc lao và bị kỳ thị, chị tình nguyện tham gia hỗ trợ bệnh nhân lao với mong muốn giúp đỡ những người bị xa lánh. Với sự kiên trì và quyết tâm, hiện chị Tâm đã hỗ trợ điều trị cho 3 bệnh nhân lao, giúp họ vượt qua mặc cảm xã hội. Ông Nay L. (xã Ea Sol, huyện Ea H'Leo), một trong những bệnh nhân lao được chị Tâm hỗ trợ, từng rơi vào suy sụp, nhưng sau khi được chị Tâm tận tình giúp đỡ và động viên, ông đã bỏ được thuốc lá và rượu, sức khỏe cải thiện và tốt lên từng ngày.
Ảnh: Chị Phạm Thị Thảo Tâm, thành viên CSET tại huyện Ea H’leo, chia sẻ về câu chuyện hỗ trợ bệnh nhân lao
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ tận tình của các thành viên cộng đồng và cơ sở y tế tại địa phương, trong năm 2025, SCDI sẽ tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động phòng chống lao tại Đắk Lắk để hướng đến mục tiêu đẩy lùi bệnh lao trên địa bàn tỉnh nói riêng và tại Việt Nam nói chung.