25/09/2018
Mạng lưới cộng đồng
Sofosbuvir - cơ hội mới trong điều trị viêm gan C
Sofosbuvir - cơ hội mới trong điều trị viêm gan C

Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới (WHO) hiện tại trên thế giới có khoảng 130-150 triệu người đang mắc viêm gan siêu vi C mạn tính (WHO, 2015).
 
Ở Việt Nam, theo TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Y học Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, ước tính trung bình khoảng 3,6% tổng dân số nước ta nghĩa là xấp xỉ 3,2 triệu người đang mắc HCV.
 
Viêm gan C do virus gây viêm gan loại C (Hepatitis C virus - HCV) gây ra. Trong số những người nhiễm virus loại này, khoảng 15 - 45% tự khỏi trong vòng 6 tháng, số còn lại chuyển sang mắc viêm gan C mạn tính. Một tỷ lệ đáng kể trong số này sẽ diễn biến thành xơ gan hoặc ung thư gan.
 
Virus viêm gan C lây truyền một cách dễ dàng qua đường máu, chủ yếu qua dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc qua dịch vụ y tế không đảm bảo vô trùng. Ngoài ra, người ta có thể bị lây nhiễm viêm gan C qua quan hệ tình dục, qua truyền máu, hoặc phụ nữ có thai nhiễm viêm gan C truyền cho con. Hiện chưa có vacxin tiêm phòng viêm gan C. Viêm gan C có 6 tuýp: 1, 2, 3, 4, 5, 6. Ở Việt Nam hiện nay người bệnh mắc chủ yếu là tuýp 1 và 6.



Sofosbuvir đang được dùng ở nhiều nước cho điều trị viêm gan C
 
Bộ Y tế đã có Quyết định số 4817/QĐ-BYT ngày 28/11/2013 về việc ban hành Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị viêm gan virus C với phác đồ điều trị là Interferon + Ribavirin trong 6 - 18 tháng. Chi phí điều trị của một người bệnh theo đúng phác đồ khoảng 60-200 triệu đồng. Đầu năm 2015, Bộ Y tế đã đưa các thuốc điều trị viêm gan C vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán ở giới hạn 30-50% mức hưởng bảo hiểm y tế. Quyết định này thể hiện sự quan tâm của Bộ Y tế với bệnh nhân viêm gan C. Tuy nhiên, mức đóng góp của người bệnh cho điều trị vẫn là một con số đáng kể, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Mặt khác, điều trị bằng interferon chỉ có hiệu quả ở khoảng 50% bệnh nhân trong khi loại thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ.
 
Hiện nay các nghiên cứu trên thế giới về viêm gan C không ngừng cải tiến với nhiều thay đổi trong điều trị, cụ thể là việc thay thế Interferon bằng các thuốc mới kháng virus trực tiếp (DAAs – direct-acting antiviral) trong đó nổi bật là Sofosbuvir, kết hợp với peg-interferon hoặc phức hợp Sofosbuvir + Ledipasvir… Các thuốc mới này có rất ít tác dụng phụ và quan trọng là nó đạt hiệu lực lên đến trên 90%.
 
Sự có mặt trên thị trường của Sofosbuvir được coi là một cuộc cách mạng trong điều trị viêm gan C. Ở Mỹ và các nước Tây Âu, các thuốc thuộc nhóm này được bán với giá hàng chục nghìn đô-la một liệu trình điều trị và mang lại hàng tỉ đô-la lợi nhuận cho các hàng dược. Tuy nhiên, mức giá này là không thể chi trả được ở các nước có thu nhập thấp. Sau quá trình thương thảo, Gilead - hãng dược phẩm hàng đầu trong sản xuất Sofosbuvir đã xây dựng một chương trình Tiếp cận thuốc, theo đó 91 nước có thu nhập thấp - trong đó có Việt Nam - có thể được hưởng mức giá thành điều trị thấp hơn rất nhiều, tương đương với vài phần trăm so với mức giá ở các nước giàu. Một số quốc gia đã đi đầu trong việc thương thảo với các hãng dược và đã được mức giá vừa phải cho chương trình điều trị ở nước mình. Ví dụ như Ai-cập đã thương thảo được mức giá 300 đô-la Mỹ cho một liệu trình điều trị bằng Sofosbuvir. Mức giá này thấp hơn hẳn so với chi phí điều trị theo phác đồ hiện tại bằng Interferon trong khi Sofosbuvir cho hiệu quả điều trị cao hơn nhiều.
 

Rào cản quan trọng nhất cho bệnh nhân ở Việt Nam trong việc tiếp cận thuốc Sofosbuvir là việc thuốc này chưa được đăng ký ở Việt Nam vì phải thông qua các quy trình thử nghiệm thuốc. Trong khi các thuốc này đã được cấp phép và sử dụng ở các nước phát triển, có quy trình xét duyệt nghiêm ngặt, thiết nghĩ Bộ Y tế cần xem xét việc áp dụng các quy chế đặc biệt để đẩy nhanh việc đăng ký thuốc này ở Việt Nam.


PHƯƠNG TRINH