11/12/2023
Hoạt động của SCDI
Sự tham gia của cộng đồng trong hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân lao
Sự tham gia của cộng đồng trong hỗ trợ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân lao

Tại tỉnh Gia Lai, bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 650 bệnh nhân mắc lao các thể, trong đó có trên 400 bệnh nhân lao phổi. Thông qua các hoạt động sàng lọc lao chủ động thực hiện tại Gia Lai, SCDI phát hiện ra nhiều người có dấu hiệu bất thường nghi lao, nhưng trong số đó, khoảng 1/3 bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám và điều trị bệnh.  

Giai đoạn 2021-2025, cả nước chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới, nhiều xã ở Gia Lai không còn được xếp vào “Vùng 3” – xã đặc biệt khó khăn. Theo chính sách của nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã này được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, một trong số đó là bao cấp thẻ BHYT. Nhưng một khi đã chuyển thành xã Vùng 2, chính sách này không còn được áp dụng nữa, tạo nên những khoảng trống trong bao phủ thẻ BHYT tại khu vực này. 

BHYT là một chính sách quan trọng tại Việt Nam để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và giảm chi phí thảm họa do gánh nặng bệnh tật gây ra, trong nỗ lực đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage). Sự tham gia của các thành viên cộng đồng đóng vai trò quan trọng làm thu hẹp khoảng cách giữa những người gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ BHYT, giúp tránh khỏi cái bẫy đói nghèo do bệnh tật gây ra. 

Ảnh: Chị Rơ Ô H’Hóp, trưởng nhóm Ia Mlah tại xã Ia Mlah, huyện Krong Pa, Gia Lai đi truyền thông sốt rét tại nhà người dân 

Là một thành viên nhiệt tình và năng nổ của Nhóm cộng đồng phòng chống sốt rét (Community Malaria Action Team - CMAT) của SCDI từ tháng 10/2019, chị Rơ Ô H’Hóp từ lâu đã nhận được sự tin tưởng, tín trọng của người dân tại xã Ia Mlah, huyện Krong Pa, Gia Lai. Chị là trưởng nhóm Ia Mlah bao gồm 5 thành viên, hàng ngày mang kiến thức, thông tin mình có được đi truyền thông và hỗ trợ người dân trong vùng.  

Buôn thôn chị ở nằm trong vùng “Nông thôn mới”, nên kể từ năm 2022, trừ những người cao tuổi, gia đình thuộc hộ nghèo, người được hưởng chính sách, đa phần người dân ở đây đều không có thẻ BHYT. Người dân ở đây đã quen với việc được nhà nước hỗ trợ BHYT bao nhiêu năm nay, nên khi không còn được bao cấp, không ít người chưa nắm được thông tin này. Có những người chỉ biết được điều đó khi đi khám bệnh. Và đa số họ không nắm được việc mình cần làm gì để mua BHYT và cách sử dụng ra sao? 

Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và còn nhiều hộ gặp khó khăn. Họ không đủ tiền để mua BHYT cho bản thân, chưa nói đến cho cả gia đình. Có những gia đình nhiều hơn 5 thành viên, nhưng không thành viên nào có BHYT vì hoàn cảnh thiếu thốn, phần vì không biết nên mua BHYT cho ai. Có những người không biết chữ, không có phương tiện di chuyển nhưng cũng không nhờ được ai hỗ trợ. 

“Người dân ở đây vẫn giữ thói quen là khi nào có bệnh rồi mới cần BHYT, nhưng khi cần mới mua thì không kịp nữa rồi” Chị Hóp chia sẻ “đặc biệt là những người phát hiện lao cần nhập viện ngay và luôn, nhưng việc không có thẻ BHYT khiến họ chậm trễ trong quá trình điều trị nếu không có sự hỗ trợ”  

“Vai trò của BHYT quan trọng, mà vai trò của thẻ BHYT trong điều trị bệnh lao còn quan trọng hơn gấp bội” 

Ảnh: Anh Ksor Lik, trường trưởng Buôn Bluk, xã Phú Cần, huyện Krong Pa, Gia Lai đi hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân 

Bắt đầu từ tháng 10/2023, anh Ksor Lik - trưởng Buôn Bluk, xã Phú Cần, huyện Krong Pa, Gia Lai bắt đầu tham gia vào công việc truyền thông và hỗ trợ người dân tiếp cận BHYT trong khám chữa bệnh. Từ năm 2022, 40% xã tại huyện Krong Pa trở thành các xã nông thôn mới nên không còn được hỗ trợ 100% thẻ BHYT, trong đó có buôn của anh. Anh Lik và những người đồng đội của mình trở thành những người kết nối, hỗ trợ bao phủ thẻ BHYT tại địa phương.  

“Bởi công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên người dân không nhận thức được lợi ích của BHYT. Có nhiều người vẫn có khả năng mua, nhưng họ sẵn sàng bỏ ra chi phí nhiều hơn số tiền mua thẻ BHYT một năm cho bản thân để tự đi khám, tự đi mua thuốc.” 

“Không chỉ hỗ trợ thẻ BHYT, mà việc hướng dẫn người dân sao cho hiệu quả cũng vô cùng quan trọng.” 

Anh Lik chia sẻ “Có những người có thẻ BHYT rồi, nhưng khi đi khám mới phát hiện ra sai nên tên không sử dụng được. Nhiều người họ không biết chữ, hoặc họ không để ý thông tin cá nhân trên thẻ đâu. Cứ đinh ninh mình có thẻ là được khám chữa bệnh miễn phí rồi. Khi ấy, CMAT như anh phải đưa họ đi đến BHXH huyện để chỉnh sửa lại thông tin trên thẻ BHYT sao cho chính xác với CCCD rồi mới sử dụng được. Hay có người không kiểm tra nên để thẻ BHYT hết hạn. Những trường hợp như thế, tại các buổi truyền thông, anh cũng hướng dẫn người dân những thông tin như vậy để tránh sai sót”.  

“Hoặc một vài người họ không hiểu hết về thẻ BHYT. Họ nghĩ dùng thẻ BHYT là có thể điều trị và mua thuốc miễn phí 100% tất cả các loại bệnh. Khi đi khám những bệnh không nằm trong danh mục được BHYT chi trả, họ sẽ thắc mắc “Tại sao mua BHYT mà vẫn phải trả tiền?”, nên dẫn tới mất niềm tin vào thẻ BHYT. Đó cũng là điều mà bọn anh chú trọng trong công tác truyền thông” 

Đặc biệt, đối với một căn bệnh có tính cấp thiết trong việc phát hiện và điều trị sớm như bệnh lao, việc có BHYT rất quan trọng. Thực tế tại xã Phú Cần, nơi anh Lik sinh sống, toàn xã có hơn 5.600 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đợt sàng lọc lao chủ động trong tháng 10 do SCDI và Trung tâm y tế huyện Krông Pa thực hiện đã phát hiện 13 người có bất thường nghi lao được chỉ định lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Gene-Xpert và 27 người được tiêm Mantoux xét nghiệm lao tiềm ẩn. Trong số những người nghi mắc lao, có nhiều người không có BHYT, đồng nghĩa với việc nếu mắc bệnh lao, họ sẽ phải mua thuốc với chi phí đắt đỏ, trong khi điều kiện kinh tế eo hẹp, việc được điều trị dứt điểm bệnh lao là rất khó khăn. Điều đó lại càng đưa người bệnh lao vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. 

“Anh thuyết phục người dân sử dụng BHYT bởi một khi thấy phổi bất thường, dù không phải lao nhưng họ cũng vẫn cần chăm sóc sức khỏe. Anh cũng giải thích rằng, bệnh lao được BHYT chi trả 100%, ngoài ra những thuốc điều trị lao cũng rất khó để tìm mua ở những hiệu thuốc bên ngoài. Nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và những người xung quanh,… Cung cấp cho người dân thông tin đầy đủ về bệnh lao cũng là cách để người dân hiểu được và tham gia BHYT” 

“Nếu không đủ tiền mua cả năm thì có thể mua theo quý, mua nửa năm. Còn những trường hợp khó khăn quá, anh sẽ liên hệ đến SCDI để tìm sự hỗ trợ” 

“CMAT chính là cây cầu kết nối” 

Những người như anh Lik, chị Hóp là hai trong số 20 anh chị CMAT tại khu vực Tây Nguyên để tham gia các hoạt động hỗ trợ tiếp cận BHYT đối với bệnh nhân lao và người bị ảnh hưởng bởi lao. CMAT đóng vai trò người đi rà soát, tìm hiểu và xác minh thông tin, lập danh sách bệnh nhân lao để kết nối hỗ trợ; khi cấp phát thẻ BHYT, họ cũng phối hợp với công an BHXH và TTYT tại địa phương để đi phát cho người dân. 

CMAT là những người gần gũi và hiểu rõ những nhu cầu thiết yếu của người dân ở địa phương, đặc biệt là khoảng trống trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bởi vậy, chính là CMAT chứ không phải ai khác là đội ngũ thể hiện được vai trò nổi bật trong bao phủ BHYT: từ phát hiện những người có dấu hiệu mắc lao chưa có thẻ BHYT, truyền thông, cung cấp thông tin về tầm quan trọng cũng như cách sử dụng thẻ BHYT, đến kết nối, tìm nguồn lực hỗ trợ những người gặp khó khăn.  

Thông qua những buổi tập huấn do SCDI tổ chức, CMAT hiểu về quy trình làm sao để hỗ trợ một người chưa có thẻ BHYT, được nâng cao kiến thức cũng như được cấp phát công cụ để truyền thông. Mỗi khi tiếp cận được người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu của bệnh lao và có hoàn cảnh khó khăn, CMAT sẽ báo cho cán bộ SCDI, song song với đó là cơ sở địa phương sở tại để tìm phương án hỗ trợ người bệnh. Qua thời gian, năng lực của CMAT ngày càng được nâng cao và hoàn thiện.  

Ảnh: CMAT trong một buổi tập huấn về quy trình khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT 

Nổi bật ở các CMAT là sự nhiệt tình, tận tâm và dày dặn kinh nghiệm trong hỗ trợ cộng đồng qua nhiều năm hoạt động trong nhóm cộng đồng phòng chống sốt rét. Anh chị là người có tiếng nói và nhận được sự tín nhiệm của không chỉ người dân trong vùng, mà còn của chính quyền, cơ sở y tế tại địa phương.  

Phần lớn CMAT, bên cạnh việc hỗ trợ cộng đồng, họ còn có những công việc khác của bản thân để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, họ vẫn luôn có cách để thực hiện vai trò là một người đóng góp cho cộng đồng rất hiệu quả và tận tâm. Chị Rơ Ô H’Hóp là một ví dụ, trong những buổi đi làm rẫy cùng mọi người, chị tranh thủ giờ nghỉ giải lao để truyền thông về lao, về tầm quan trọng và quy trình sử dụng BHYT. “Cứ tranh thủ 10-15phút nghỉ là chị truyền thông, nghỉ trưa nói, lụm mì cũng nói, chị nói như tâm sự chuyện hàng ngày thôi chứ không cao siêu gì. Chị còn làm những video trên facebook, tiktok để hướng dẫn mọi người nữa” 

Ảnh: chị Rơ Ô H’Hóp truyền thông trên rẫy 

“Mọi người khen mình nhiệt tình là mình vui rồi, có động lực để làm nhiều hơn. Việc hỗ trợ ai đó khiến mình vui. Mình mong mình có đủ lực, có sức khỏe để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cộng đồng”  

BHYT là người bạn đồng hành với bệnh nhân lao trong quá trình điều trị. Trong tương lai, mô hình về truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân về BHYT cần được đẩy mạnh và cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan địa phương, trong đó, CMAT đóng vai trò là cây cầu kết nối, hỗ trợ người mắc lao và bị ảnh hưởng bởi lao được tiếp cận và sử dụng hiệu quả BHYT để khám chữa bệnh, giúp ngăn chặn vòng xoáy đói nghèo.