17/06/2024
Hoạt động của SCDI
Tái chế rác thải nhựa vì một môi trường xanh
Tái chế rác thải nhựa vì một môi trường xanh

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI


Nhựa là một vật liệu phổ biến trong đời sống hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho con người. Tuy nhiên, việc sử dụng và thải bỏ rác thải nhựa bừa bãi đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. May mắn thay, một số loại rác thải nhựa vẫn có thể được tái chế thành các sản phẩm mới, góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường và tiết kiệm tài nguyên.

Tái chế rác thải nhựa được hiểu là quá trình thu gom rác thải hoặc những phế phẩm từ nhựa, sau đó trải qua quá trình xử lý để tạo thành vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người. Đây là một giải pháp có thể giúp tiết kiệm vật liệu cũng như giảm thiểu việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Làm thế nào để biết rác thải nhựa nào có thể tái chế?

Dựa vào ký hiệu tái chế: Các loại rác thải có thể tái chế được đánh dấu bằng ký hiệu tái chế quen thuộc trên bao bì hoặc thân vật dụng.

Dựa vào chất liệu nhựa: 

Trên nhãn hiệu đồ vật, nếu loại nhựa được ký hiệu bằng một trong những cụm chữ sau, chúng có thể tái chế: PETE, HDPE, LDPE, PP.

Ảnh: Ký hiệu loại nhựa trên đồ vật

Ngoài ra, nếu đó là nhựa PS (hay được tìm thấy ở vật liệu xây dựng, công nghiệp như tấm lợp lấy sáng, đĩa CD, vỏ máy điện thoại, máy tính), chúng cũng hoàn toàn có thể được tái chế. Tuy nhiên, chúng lại không được khuyến khích tái chế đơn giản để làm đồ gia dụng hằng ngày, mà cần phải được đưa đến cơ sở tái chế chuyên nghiệp.

Với rác thải nhựa, nên và không nên làm gì?

Nên

  • Tìm hiểu và đọc về những loại nhựa có thể tái chế cũng như không thể tái chế;
  • Sáng tạo hay tìm kiếm ý tưởng tái chế;
  • Phân loại và vận chuyển những vật dụng nhựa không hợp tái chế trong gia dụng, nhưng vẫn có thể tái chế trong những mục đích khác, đến cơ sở xử lý và tái chế phù hợp.

Không nên

  • Bỏ chung rác thải nhựa với những loại rác thải hữu cơ và các loại rác thải khác không thể tái chế;
  • Vội vã bỏ rác thải nhựa mà chưa tìm hiểu về loại nhựa, cũng như vật dụng đó có thể tái chế không.

Những sáng kiến nào từ rác thải nhựa?

Từ những chai nhựa phế thải, ta có thể tái chế thành sợi polyester để sản xuất quần áo, chăn màn, balo... Các chai nhựa cũ cũng được biến thành những vật dụng thiết yếu như chậu cây, bình tưới, ống hút, thậm chí là nhà cửa. Túi nilon được tái chế thành túi đựng rác, bạt che mưa, sàn nhà... Lốp xe cũ sau khi qua xử lý có thể trở thành sân chơi, đường chạy bộ, thậm chí là vật liệu xây dựng.

Ảnh: Chậu trồng cây làm từ chai nước

Không phải tất cả rác thải rắn đều có thể được tái chế, nhưng hiện có rất nhiều rác có thể tái chế lại đang chôn mình cùng những loại rác không thể tái chế khác. Việc hình thành thói quen tái chế rác không chỉ giúp chúng ta hạn chế việc phải mua mới hay tiêu dùng những vật dụng khác tương tự, mà còn giúp chúng ta làm lành với các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang ô nhiễm và quá tải bởi lượng rác khổng lồ của con người.