31/01/2025
Các dự án
Tạo nhu cầu và trách nhiệm giải trình của cộng đồng đối với điều trị và chăm sóc bệnh lao kháng thuốc với cách tiếp cận lấy người bệnh là trung tâm
Tạo nhu cầu và trách nhiệm giải trình của cộng đồng đối với điều trị và chăm sóc bệnh lao kháng thuốc với cách tiếp cận lấy người bệnh là trung tâm

Thông tin chung

Nhà tài trợ: Treatment Action Group (TAG)

Giai đoạn: 2/10/2024 - 31/7/2025 

Địa bàn triển khai: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk

Thực hiện: Chương trình Sức khỏe và An sinh

Theo Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao trên thế giới với tỷ lệ mắc ước tính có khoảng 8.900 bệnh nhân lao đa kháng thuốc (MDR-TB0/rifampicin (RR-TB) mỗi năm. Trong nhiều năm, bệnh nhân lao đa kháng thuốc và tiền siêu kháng/siêu kháng thuốc được điều trị theo phác đồ điều trị lao kháng thuốc kéo dài tới 20 tháng và yêu cầu sử dụng 7 loại thuốc. Mặc dù vậy, tỷ lệ điều trị thành công chỉ đạt khoảng 70%.

Bắt đầu từ tháng 1/2024, phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới (BPaL/M) do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị được Bộ Y tế chính thức đưa vào Hướng dẫn Chẩn đoán, Điều trị và Dự phòng bệnh lao tại Việt Nam và áp dụng trên 21 tỉnh/thành phố. Phác đồ BPaL/M là phác đồ điều trị với 4 lọai thuốc, sử dụng hoàn toàn bằng đường, rút ngắn khoảng thời gian điều trị xuống còn từ 6-9 tháng với tỷ lệ điều trị thành công lên đến 90%. So với phác đồ truyền thống, BPaL/M giúp người bệnh giảm bớt tác dụng phụ và gánh nặng trong quá trình điều trị, giúp họ và phục hồi và quay trở lại cuộc sống nhanh hơn.

Với mục tiêu xây dựng chiến lược do cộng đồng dẫn dắt nhằm ứng phó với các rào cản của việc điều trị thành công và tạo cơ hội truyền thông tới các nhà tài trợ/đối tác về việc cải thiện và mở rộng áp dụng các dịch vụ khám chữa lao kháng thuốc, bao gồm điều trị bằng phác đồ mới tại Việt Nam, dự án tập trung vào 03 nhóm hoạt động chính:

  • Nâng cao năng lực, phổ biến kiến thức cho các thành viên Mạng lưới Cộng đồng Chấm dứt bệnh lao (CSET) và thành viên các nhóm cộng đồng (CBOs) hỗ trợ bệnh nhân lao về phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới
  • Thực hiện tham vấn cộng đồng và đối tác về những rào cản trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc
  • Chia sẻ, cập nhật với đối tác và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để tăng cường tiếp cận dịch vụ

Kết quả năm 2024

Trong năm 2024, dự án đã thực hiện 01 lớp buổi trực tuyến về phác đồ điều trị lao kháng thuốc ngắn ngày (BPaL/M) với sự chia sẻ của các bác sĩ từ Chương trình Chống lao Quốc gia (National Tuberculosis Program) với sự tham gia của 104 thành viên từ Mạng lưới CSET và CBOs hỗ trợ bệnh nhân lao. Đây không chỉ là cơ hội để cập nhật kiến thức mới mà còn tạo ra không gian đối thoại cởi mở giữa cán bộ y tế và các thành viên cộng đồng, giúp tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn khi hỗ trợ người bệnh lao và lao kháng thuốc tiếp cận, tuân thủ điều trị.

Dự án thảo luận cùng các đối tác tại bệnh viện Phổi Hải Phòng và Nghệ An về thực trạng mở rộng triển khai phác đồ BPaL/M, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong chủ động giám sát (Community - Led Mornitoring) trong chất lượng dịch vụ, phản hồi kịp thời các rào cản, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình và cải thiện hệ thống y tế trong áp dụng rộng rãi phác đồ mới trên các địa bàn.

Dự án đã bước đầu thúc đẩy tiếp cận và phổ biến thông tin về phác đồ điều trị mới, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong cải thiện áp dụng phác đồ, đẩy nhanh việc áp dụng rộng rãi, đảm bảo tiếp cận và cải thiện tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ dựa vào cộng đồng.


Đầu mối

(Ms.) Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý Chương trình Sức khỏe & An sinh 

Email: dungnguyen@scdi.org.vn