Từ ngày 1/4 đến ngày 4/4, Hội thảo chung khu vực Đông Nam Á & Tây Thái Bình Dương về việc đẩy nhanh triển khai các chính sách mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do Chương trình Lao Toàn cầu của WHO, phối hợp với Văn phòng WHO Khu vực Đông Nam Á (SEAR) và Khu vực Tây Thái Bình Dương (WPR), cùng với Unitaid, KNCV, Quỹ Toàn cầu và Chương trình Lao Quốc gia Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Khoảng 80 đại biểu tham dự sự kiện, bao gồm đại diện từ các chương trình lao quốc gia, phòng thí nghiệm tham chiếu quốc gia từ 14 quốc gia có gánh nặng lao cao tại khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Sự kiện cũng có sự tham gia của các tổ chức đối tác như Unitaid, KNCV, CDC, Quỹ Toàn cầu, BMGF, Clinton Health Access Initiative, Stop TB Partnership/Global Drug Facility, FHI360, Partners in Health, phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự từ các nước có gánh nặng lao cao, cùng đại diện văn phòng WHO tại các nước và khu vực.
Đây là sự kiện quan trọng sau khi WHO cập nhật chính sách toàn cầu về phòng ngừa, chẩn đoán, dinh dưỡng và điều trị bệnh lao kháng thuốc vào năm 2024. Mục tiêu của hội thảo là thúc đẩy việc áp dụng và triển khai hiệu quả các chính sách mới của WHO ở cấp quốc gia tại các nước trong khu vực, bao gồm:
- Phương pháp điều trị phòng ngừa lao cho người tiếp xúc với ca bệnh lao kháng thuốc (MDR/RR-TB).
- Phương pháp chẩn đoán mới, tiên tiến (như công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới - NGS).
- Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân lao và gia đình.
- Các phác đồ điều trị lao kháng thuốc mới hiệu quả hơn (gồm phác đồ 6 tháng, 9 tháng).
Những cải tiến này hứa hẹn sẽ mang lại sự linh hoạt hơn cho các quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và giúp tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị bệnh.
Tham dự hội thảo phiên ngày 01/04, chị Nguyễn Thái Bình, Điều phối Chương trình Sức khỏe và An sinh, đã chia sẻ về mô hình Mạng lưới Cộng đồng chấm dứt bệnh lao (Community System to End TB - CSET) mà SCDI hiện đang triển khai. Mạng lưới CSET là một sáng kiến của SCDI, được thành lập với với sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi lao có thể được tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng tốt, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.
Ảnh: Chị Nguyễn Thái Bình, Điều phối Chương trình Sức khỏe và An sinh, chia sẻ tại hội thảo
Kể từ khi thành lập, mạng lưới CSET đã và đang triển khai nhiều hoạt động để thu hẹp những khoảng trống trong công tác phòng chống bệnh lao nói riêng và nâng cao sức khỏe cộng đồng nói chung. CSET đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ tiếp cận dịch vụ khám và điều trị lao cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao mắc lao nhưng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ dự phòng và điều trị bệnh.
CSET đóng vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện các hoạt động: từ nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động tiếp cận những đối tượng có nguy cơ cao, vận động họ tham gia sàng lọc, đến việc liên kết và đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị. Là “cánh tay nối dài” của hệ thống y tế, CSET đang góp phần quan trọng đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2035.