Thông tin chung
Nhà tài trợ: Stop TB Partnership
Giai đoạn: 2024-2025
Địa bàn triển khai: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Nghệ An, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh
Thực hiện: Chương trình Sức khỏe và An sinh
Dự án Thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự phối hợp các bên để ứng phó với bệnh Lao tại Việt Nam là một nỗ lực đặt cộng đồng làm trung tâm của cuộc chiến chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Dự án tập trung vào các tỉnh có gánh nặng bệnh lao cao, nơi các rào cản về kinh tế, xã hội và tiếp cận thông tin gặp nhiều khó khăn. Thông qua cách tiếp cận toàn diện, dự án đặt trọng tâm vào việc thực hiện thúc đẩy Ban chỉ đạo chấm dứt bệnh lao tại các tỉnh để điều phối, huy động và phối hợp nhiều bên liên quan nhằm tăng cường ứng phó với bệnh lao, đảm bảo đạt được các mục tiêu phòng chống bệnh lao với sự tham gia của cộng đồng, đồng thời bảo vệ quyền và bình đẳng giới. Việc xây dựng và nâng cao năng lực cho hệ thống giám sát do cộng đồng dẫn dắt (Community-led Monitoring – CLM) là một trụ cột của dự án nhằm tạo cơ chế để cộng đồng theo dõi, phản hồi các vấn đề trong quá trình điều trị và dịch vụ y tế liên quan đến lao.
Đối với Ban chỉ đạo chấm dứt bệnh lao tại các tỉnh, dự án thúc đẩy các hoạt động và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo chấm dứt bệnh lao cấp tỉnh thông qua hỗ trợ tổ chức các cuộc họp tổng kết và báo cáo kế hoạch với sự tham gia đầy đủ của đại diện các sở, ban ngành địa phương, đại diện y tế tuyến tỉnh/huyện và thành viên CSET. Tạo không gian không chỉ để đánh giá kết quả thực hiện, mà còn ghi nhận và lồng ghép tiếng nói của cộng đồng.
Tại huyện Krông Pa (Gia Lai), dự án đã xây dựng cơ chế giao ban chuyên biệt dành riêng cho lĩnh vực lao ở tuyến huyện, trong đó có sự tham gia trực tiếp của đại diện CSET. Những buổi giao ban định kỳ này trở thành không gian chia sẻ thông tin hai chiều, giúp cộng đồng phản ánh các thách thức từ thực tế hỗ trợ người bệnh, đồng thời tạo điều kiện cho cơ sở y tế địa phương nắm bắt và triển khai hoạt động phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.
Đối với Mạng lưới CSET, dự án chú trọng nâng cao năng lực và cập nhật kiến thức cho các thành viên CSET tại các tỉnh dự án. Đồng thời, CSET tham gia mô hình hỗ trợ toàn diện, phối hợp chặt chẽ với y tế tuyến huyện, xã và trạm y tế để đồng hành cùng người bệnh lao trong suốt quá trình điều trị cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
Kết quả năm 2024
Trong năm 2024, dự án đã hỗ trợ bệnh viện Phổi tại các tỉnh triển khai dự án tổ chức mít-tinh ngày Thế giới Phòng chống lao (24/3) với sự tham gia của đại diện các ban ngành và CSET tại địa phương.
11 lớp tập huấn chuyên sâu đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 140 thành viên CSET tại các tỉnh dự án. Nội dung tập huấn được thiết kế toàn diện, bao gồm: kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi, kỹ năng thu thập và phản hồi thông tin, kỹ năng làm việc với các bên liên quan, kỹ năng giám sát do cộng đồng dẫn dắt (CLM),...
Tổng cộng 58 thành viên CSET tham gia mô hình hỗ trợ toàn diện, hỗ trợ 312 bệnh nhân tuân thủ điều trị điều trị, tổ chức 101 buổi truyền thông nhóm với 768 lượt người tham dự, bao gồm bệnh nhân lao, người nhà bệnh nhân và các nhóm có nguy cơ cao.
CSET cũng chủ động triển khai các hình thức hỗ trợ xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ dinh dưỡng cho 100 bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, với tổng chi phí lên đến 200 triệu đồng. Các hình thức hỗ trợ không chỉ giúp người bệnh an tâm điều trị mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính.
Dự án đã xây dựng và vận hành kênh Zalo với gần 100 thành viên mạng lưới CSET tại các tỉnh nhằm chia sẻ thông tin nhanh chóng, tạo không gian kết nối, đồng hành trong công tác hỗ trợ người bệnh. Đồng thời, website thư viện bệnh lao cũng được xây dựng với mong muốn trở thành nguồn tham khảo tin cậy cho cả cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình tìm hiểu, nâng cao nhận thức và đồng hành cùng người bệnh.
Đầu mối
(Ms.) Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý Chương trình Sức khỏe & An sinh