Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!
Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, thế giới đã mất đi 28,3 triệu héc-ta rừng - phần diện tích tương đương với gần 40 triệu sân bóng đá. Sự sụt giảm nghiêm trọng về độ che phủ rừng trên toàn cầu do cả nguyên nhân tự nhiên và hoạt động của con người đã khiến những dự án trồng rừng ngày càng được ủng hộ và nhân rộng.
Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường hiện nay, việc nhanh chóng phục hồi độ che phủ rừng lại càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, liệu trồng rừng có phải là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải? Có khi nào trồng rừng mang lại nhiều hại hơn lợi không?
Hậu quả khôn lường từ việc mất rừng
Diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp ở mức độ kỷ lục trong những thập kỷ gần đây. Từ năm 2002 đến 2023, chúng ta đã mất đi 488 triệu héc-ta rừng, tức khoảng hơn một nửa diện tích của Trung Quốc, trong đó có 16% là rừng nguyên sinh.
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm diện tích rừng trên toàn cầu (Ảnh: Matt Howard)
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí CO₂, một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài việc giảm lượng carbon trong không khí, rừng còn giúp bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì cân bằng hệ sinh thái.
Mất rừng cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mất đi những “dịch vụ sinh thái” mà rừng cung cấp bấy lâu nay. Điều này sẽ góp phần khiến thiên tai trở nên khắc nghiệt hơn, sinh kế của các cộng đồng bản địa sống nhờ vào rừng bị ảnh hưởng và hệ sinh thái vốn có của rừng bị mất đi.
Khi nào trồng rừng có nhiều hại hơn lợi?
Việc trồng rừng không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi. Nếu như ta luôn phải để ý và chăm sóc để có thể trồng và nuôi lớn một cái cây, thì trồng một khu rừng sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần như vậy.
Nếu các dự án trồng rừng không được cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ rất có khả năng các khu rừng trồng chỉ tập trung vào đơn canh, trồng các loài ngoại lai hay trồng tại các vùng đất mới và không phù hợp. Khi đó, lợi ích sinh thái từ việc trồng rừng không chỉ thấp, mà còn có nguy cơ gây hại thêm cho các loài bản địa và làm lãng phí nguồn lực.
Trái lại, những dự án trồng rừng được triển khai bài bản như One Tree Planted sẽ giúp tận dụng được tối đa nguồn lực, để rừng được phục hồi tự nhiên và tạo sinh kế cho cộng đồng tại địa phương.
Nhưng…chỉ trồng rừng thôi thì chưa đủ!
Với tình hình hiện tại, các nỗ lực trồng rừng cũng giống như việc cố gắng múc nước ra khỏi một con tàu đang chìm - nó có giúp ích, nhưng chưa đủ! Để không “bị chìm”, chúng ta cần bịt cả lỗ thủng, mà ở đây là giới hạn lượng khí thải ra môi trường.
Trong lúc chờ đợi những khu rừng hồi phục, chúng ta có thể:
- Ưu tiên các sáng kiến chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh thay cho năng lượng hóa thạch
- Giảm tiêu thụ các loại thịt đỏ, thay bằng thịt gà, cá và các loại rau xanh
- Giảm lượng thức ăn thừa
- Di chuyển bằng phương tiện công cộng khi có thể
Thay đổi chế độ ăn cũng sẽ giúp làm giảm khí thải nhà kính (Ảnh: Dan Gold)
Khi có thể kết hợp được trồng thêm cây và các thực hành giảm khí thải khác, vai trò “bể chứa carbon” của các khu rừng mới có thể được phát huy tốt nhất.