24/08/2024
Hoạt động của SCDI
Từ không khí đến tâm trí: Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khoẻ tinh thần
Từ không khí đến tâm trí: Mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khoẻ tinh thần

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Theo Unicef, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, khiến cho tuổi thọ trung bình bị rút ngắn 1,4 năm. Khi lượng bụi mịn PM 2.5 ngày càng vượt ngưỡng cho phép, chất lượng không khí ngày một tệ đi, tình trạng sức khoẻ tinh thần của con người cũng chạm đến mức báo động do tiếp xúc với ô nhiễm. Đó là lúc, bảo vệ môi trường không còn là những câu chuyện vĩ mô. Phòng chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm không khí giờ đây chính là bảo vệ sức khoẻ của chính chúng ta, trong đó có sức khoẻ tinh thần.

1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu: Khi hai là một

Ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Dễ dàng bắt gặp những lần hai đô thị này lọt top những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao, tình trạng mù mịt khói bụi tại các tuyến phố khiến con người dễ mệt mỏi khi ra đường quá lâu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Đặc biệt, trẻ em và người già là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trẻ em tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp và phát triển thần kinh, trong khi người già có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch và hô hấp mãn tính.

Ảnh: Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội 

Vấn đề ô nhiễm không khí có mối liên hệ mật thiết với tình trạng biến đổi khí hậu nhiều hơn chúng ta tưởng. Thông qua việc phát thải các khí nhà kính như CO2 và metan quá nhiều và quá nhanh, bầu khí quyển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đây, các biến số về khí hậu, thời tiết xuất hiện và tác động tiêu cực tới con người. Ngược lại, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm không khí, tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm. Tình trạng này tiềm tàng nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe tinh thần.

2. Khi môi trường không yên, sức khoẻ tinh thần cũng gặp “biến”

Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Toàn cầu (Global Health Institute), những người sống trong khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm và lo âu cao hơn 20% so với những người sống trong môi trường trong lành.

Biến đổi khí hậu cũng góp phần làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, và hạn hán. Đây được coi là một trong những yếu tố tạo ra áp lực tâm lý lớn cho người dân. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, sau các thảm họa thiên nhiên, tỷ lệ người mắc các vấn đề tâm lý như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) hay trầm cảm tăng đáng kể.

Ngoài ra, sự thay đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường khác như nhiệt độ và độ ẩm, làm gia tăng mức độ căng thẳng và lo âu. Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng, nhiệt độ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý lên đến 14%. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ảnh: Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm lý 

Các nhà khoa học đã chứng minh tình trạng sức khoẻ tinh thần của con người giảm sút xuất phát từ chính những hành động, nhận thức sai lầm của chúng ta, trong đó, phải kể kể đến như:

Sự thiếu hiểu biết và kiến thức về bảo vệ môi trường: Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tác động của ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đến sức khỏe tinh thần. Sự thiếu hiểu biết này dẫn đến việc không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết.

Nhận thức sai lầm về biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí: Một số người vẫn lầm tưởng biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những vấn đề vĩ mô xa vời, không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, càng không có sự liên quan mật thiết đến sức khoẻ của họ. Chính nhận thức sai lầm này khiến nhiều người không để tâm đến việc tìm hiểu, hành động bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Coi nhẹ sức khỏe tinh thần: Nhiều người không nhận ra rằng môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của họ, dẫn đến việc chủ quan, thiếu kiến thức chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Việc không chú trọng đến sức khỏe tinh thần dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu và trầm cảm gia tăng.

Thiếu các biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời: Trong nhiều trường hợp, các biện pháp hỗ trợ và can thiệp tâm lý không được triển khai kịp thời sau các thảm họa thiên nhiên hoặc trong các khu vực bị ô nhiễm nặng. Điều này làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý và sức khỏe tinh thần của người dân.

3. Yêu môi trường là trân quý sức khoẻ tinh thần của bản thân

Chúng ta có thể bắt đầu việc bảo vệ “sức khoẻ” môi trường cũng như tinh thần từ những hành động nhỏ nhất:

  • Trang bị kiến thức về môi trường, khí hậu, sức khỏe tinh thần: Việc nhận thức rõ ràng và có kiến thức về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và sức khỏe tinh thần là bước đầu tiên để chúng ta có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe tinh thần một cách hiệu quả
  • Trồng các loại cây giúp thanh lọc không khí: Một số loại cây như lưỡi hổ, lan ý, phú quý,… giúp làm sạch không gian sống, cải thiện chất lượng không khí, ra môi trường sống lành mạnh
  • Thực hành lối sống, thói quen “xanh”: Việc này giúp giảm “dấu chân carbon” của mỗi người ảnh hưởng đến môi trường. Bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất như phân loại rác, thu thập pin, hạn chế sử dụng các nhiên liệu đốt …

Ảnh: Thu gom pin là một trong những cách giúp bảo vệ môi trường 

Hãy bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ tinh thần, chăm chút hơn cho môi trường sống xung quanh chúng ta. Bởi quyền hít thở không khí trong lành là một trong những quyền cơ bản nhất của tất cả mọi người trên hành tinh này, “sức khoẻ” môi trường chính là sức khoẻ của chính chúng ta.