12/08/2023
Trẻ em và Thanh niên
VACEP 3 - "23"
VACEP 3 - "23"

(Câu chuyện bắt đầu với tương lai giả định của nhân vật chính, H, khi anh bước sang tuổi 23, còn hiện tại anh ấy 21 tuổi. Tất cả câu chuyện trước tuổi 23 đều được ẩn dụ một cách hợp lý từ các câu trả lời phỏng vấn của anh ấy.)

Một ngày nóng bức và ẩm ướt, như bất cứ ngày hè nào ở Hà Nội, tưởng chừng như chẳng có gì ngoài oi bức và khó chịu, nhưng gần đây tôi có vài điều đáng mong đợi. Vừa tham gia một dự án thú vị ở văn phòng luật địa phương, tôi đang trở về nhà để ăn mừng kỷ niệm 6 tháng yêu nhau cùng bạn gái. Trên đường đi, ánh mắt tôi không bị cuốn vào một nơi nào khác ngoài quán bar quen thuộc, kỷ niệm chợt ùa về như những  thước phim trọn vẹn, đầy đủ những khoảnh khắc. Ở lối vào của quán bar là các cô cậu sinh viên đang tụ tập, tôi bắt đầu nghĩ về thời còn trẻ.

Ngày xưa, thời đại học, tôi từng làm việc bán thời gian tại quán bar để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Đó là công việc hoàn hảo đối một "cú đêm" như tôi: không chỉ được trả tiền để thức đến rạng sáng, mà tôi còn được đắm chìm trong nhạc hay, đám đông nhộn nhịp, một không gian dường như không có chỗ cho căng thẳng.

Công việc mang lại niềm vui cuối ngày là vậy, nhưng thực ra thời gian này đối với tôi thật sự rất khó khăn. Nỗi buồn dường như luôn tìm đến khi tôi nghĩ về việc ly thân của bố mẹ. Nghĩ về việc gia đình không còn được như xưa khiến tôi vừa buồn, vừa sợ, vừa tủi thân, chỉ muốn cô lập mình. Bạn bè tôi vẫn ở đây nhưng biết rằng họ sẽ chẳng thể hiểu hết được câu chuyện của mình nên tôi cũng không chia sẻ với họ. Điều duy nhất họ giúp tôi tạm quên đi nỗi buồn là đưa tôi điếu thuốc lá. Một sự thoải mái lạ lẫm khi từng hơi khói đi vào người,  một niềm vui nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, một khoảnh khắc tạm thời làm tôi quên đi sự lo âu. Một hơi, rồi một hơi nữa, và trước khi hay biết, tôi đã dùng đến gói thứ hai.

Sáu tháng - khoảng thời gian tôi xem thuốc lá như một liều thuốc tinh thần, một người bạn có thể an ủi mỗi khi tôi buồn. Cảm giác phấn khích chỉ kéo dài từ khi châm điếu thuốc đến khi điếu thuốc tàn, và sau cùng điều đó không còn làm tôi thỏa mãn, tôi cần một thứ gì đó mạnh mẽ hơn. Là một người phục vụ bóng cười ở quán bar, khách hàng và đồng nghiệp thường xuyên mời tôi thử. Sự an ủi mà nó mang lại mạnh mẽ hơn nhiều so với thuốc lá, nhưng dường như nó vẫn chưa đủ để làm tôi thỏa mãn, và thế là tôi bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó mới lạ với mục đích giảm bớt những rối ren trong tâm hồn.

Một ngày nọ, một người bạn giới thiệu cho tôi cái gọi là “đá” và sau này tôi mới biết đó chính là ma túy đá. Ma túy đá là thứ bất hợp pháp ở Việt Nam, tôi biết chứ, nhưng có lẽ, sự sợ hãi trước nỗi đau khi chứng kiến bố mẹ chia tay đã áp đảo mọi sự sợ hãi khác trong tôi. Lần đầu tiên tôi thử "ma túy đá", và khi đó tôi biết mình đã tìm thấy “ thứ mạnh mẽ” mà tôi nghĩ mình đang tìm kiếm. Không giống như sự an ủi thoáng qua từ bóng cười hay thuốc lá, đây là một thứ mạnh mẽ đưa tôi vào một thế giới khác - một thế giới không có nỗi buồn hay đau đớn. Đêm đó, kiệt sức sau cơn “phê” kéo dài trước đó, tôi đã có một giấc ngủ bình yên, một trong những giấc ngủ bình yên nhất mà tôi từng có trong thời gian dài.

Sự yên bình giả tạo mà ma túy đá mang lại đã cuốn hút tôi, và tôi bắt đầu dùng nó bất cứ khi nào có thể. Chỉ một hơi thôi, nhưng cảm giác nó mang lại thật là khó tin. Bất cứ khi nào tôi căng thẳng về việc học, gia đình hay tương lai, ma túy đá có thể khiến tôi quên đi tất cả. Khi “đồ” đã ngấm, những nặng nề trước đó bỗng hóa nhẹ tênh, tôi phấn khởi và hạnh phúc. Tuy nhiên, túi tiền cũng bắt đầu cạn, thật khó để tôi có thể duy trì thói quen thường xuyên sử dụng ma túy đá của mình. Tôi đã tự giới hạn mình chỉ sử dụng đá hai lần một tuần. Và tất nhiên rồi, vẫn luôn có những lúc bị cám dỗ khiến mình gần như không thể kiềm chế, tôi bồn chồn, lo lắng, bất an. Những lần như thế, tôi thường chui vào phòng, đeo tai nghe và mải mê trong âm nhạc hoặc tập trung vào một việc gì đó.

Đã có những lúc tôi nghĩ bản thân mình kiềm chế được, nhưng nỗ lực của tôi không phải lúc nào cũng hiệu quả. Chưa kể, tôi bắt đầu thấy được tác động tiêu cực của ma túy đá lên cơ thể mình - mất ngủ, ảo giác và uể oải thường xuyên. Sức khỏe đi xuống, và tôi cũng cảm thấy ngại ngần làm quen với bạn mới. Không muốn để thêm ai biết rằng mình “chơi đá”, tôi đã cô lập mình với mọi người và chỉ tập trung vào việc dành thời gian với những người bạn thân thiết.

Nhờ một người bạn giới thiệu, tôi biết đến The Times, một tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm giúp đỡ những người sử dụng ma túy, phòng ngừa lây nhiễm HIV và cung cấp các dịch vụ cộng đồng khác. Từ đây tôi lại biết đến SCDI - tổ chức có thể giúp đỡ những người có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu và sử dụng chất khi còn trẻ. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi đồng ý mở lòng với một người bạn mới về những khó khăn trong gia đình mình.

Một vài tuần sau, tôi thấy mình ngồi trong văn phòng của The Times, đối diện với năm người khác. Tôi ngồi khoanh tay như muốn bảo vệ mình và miễn cưỡng khi nói chuyện. Đây là lần gặp đầu tiên của chúng tôi. Trong nhóm có bốn sinh viên đại học, ba người trong số họ không thể nói tiếng Việt, và một cán bộ của SCDI. Tôi hiểu rằng họ đang cố tập trung vào những trải nghiệm tôi đã trải qua, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không thoải mái khi chia sẻ câu chuyện về gia đình của mình với năm người xa lạ. "Chào, H. Cảm ơn em vì đã sẵn sàng trò chuyện với các bạn ở đây, các bạn mong muốn có cơ hội tìm hiểu và  hỗ trợ em trong những ngày tới," chị Hiền - cán bộ của SCDI mở lời chào đón tôi.

Ngồi chung với những người xa lạ trong một căn phòng thật không thoải mái chút nào, tôi bối rối khi các bạn sinh viên và chị Hiền bắt đầu “chất vấn”. Tuy nhiên, khi gặp họ lần thứ hai, một bạn sinh viên đã chia sẻ câu chuyện bạn đã trải qua trong chính tuổi thơ của mình, tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái và kết nối với các bạn hơn. Dần dần, tôi bắt đầu giải nén những câu chuyện của riêng mình về quá trình trưởng thành và gia đình.

Nhìn lại, tôi nghĩ rằng mình đã đoán được trước rằng bố mẹ sẽ chia tay. Tôi vẫn nhớ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ hay cãi vã về một số vấn đề gia đình. Tôi không thể nhớ được lý do cụ thể của các cuộc cãi vã, nhưng những vấn đề này dường như quá nhỏ bé trong mắt tôi, có lẽ vì nó lặp đi lặp lại quá thường xuyên chăng? Tôi không biết từ khi nào hoặc vì sao bố mẹ tôi bắt đầu có những cuộc cãi vã thường xuyên như vậy. Những gì tôi thực sự thấy và cảm nhận được là việc bố mẹ cãi vã chưa bao giờ đem lại sự yên bình cho căn nhà của mình.

Ít nhất họ không bao giờ đánh nhau - tôi đã tự an ủi mình như vậy. Mỗi khi thấy bố mẹ cãi vã, họ lại lên giọng và lời qua tiếng lại. Đối với tôi, khi còn là một đứa trẻ, điều này rất đáng sợ và tôi luôn thấy một điều gì đó mất cân bằng trong gia đình mình. Nếu có ai đó nói rằng “bố mẹ mày kiểu gì cũng ly thân”, tôi cũng không bất ngờ. Tôi nghĩ mình đủ thông minh để biết rằng, tình cảm của bố mẹ đã sứt mẻ, khó mà hàn gắn lại được, và sẽ thật là ích kỷ nếu tôi luôn muốn họ ở bên nhau.

Vậy mối quan hệ giữa bố mẹ và tôi khi tôi còn nhỏ thì sao? Tôi nhớ lại những lúc mình bị đánh khi đi chơi với bạn bè đến tận đêm. Mẹ tôi thường dùng gậy gỗ để đánh, để lại vết bầm trên cánh tay tôi. Mặc dù những vết thương ngoài da có thể phai mờ theo năm tháng, nhưng ai biết rằng nó cũng là vết thương lòng để lại trong tâm hồn của một đứa trẻ như tôi. Thay vì oán trách, tôi nghĩ roi vọt là cách bố mẹ dạy bảo tôi sống cho nên người, nếu không quan tâm, bố mẹ thật sự không cần phải động đến roi vọt. Tuy nhiên nó đã khiến tôi sợ bố mẹ mình - tôi dần xa cách họ, tôi không dám chia sẻ nhiều với họ. Từ đó trở đi, trước khi thảo luận bất cứ vấn đề gì với gia đình, tôi luôn tự hỏi mình làm thế này có đúng không; nếu đúng, tôi sẽ chia sẻ, nếu không đúng, tôi sẽ giữ kín cho riêng mình.

Bố mẹ tôi luôn có kỳ vọng ở các con. Tôi nhớ lại thời điểm  anh trai mình quyết định chọn ngành Quản trị Nhà hàng, khách sạn khi thi đại học, bố mẹ đã ngăn cản và dường như là “bắt” anh thi ngành Kế toán. Và rồi cuối cùng, anh trai tôi cũng nghe theo bố mẹ, chọn ngành kế toán. Việc này càng cho tôi thấy quyết định của bố mẹ ảnh hưởng lớn như thế nào đến cuộc sống của hai anh em tôi.

Đầu những năm cấp 2, tôi bị cận nhưng thời điểm đó tôi không nghĩ mình bị cận và tôi đã không kể với bố mẹ về việc này. Tôi không nhìn rõ bảng trong lớp học. Việc học tập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ học sinh giỏi suốt năm năm lớp một, tôi tụt xuống học sinh trung bình khi vừa vào lớp sáu. Nói đến đây cũng đủ biết bố mẹ tôi cảm thấy thế nào. Và cứ thế, tôi cố học và bố mẹ vẫn không biết việc tôi bị cận. Điểm số cứ tụt dần, và dường như tình yêu, sự ấm áp của bố mẹ dành cho tôi cũng giảm theo những điểm số đó.

Nếu được thay đổi một thứ về gia đình mình, tôi mong rằng bố mẹ sẽ trò chuyện với mình nhiều hơn. Bố mẹ hoàn toàn có thể dạy bảo tôi qua những cuộc trò chuyện, thay vì tạo áp lực và ép tôi làm theo ý của họ. Tôi vẫn nhớ lúc bố tôi say rượu và về nhà vào đêm muộn. Thật đau lòng khi chứng kiến người đàn ông mạnh mẽ nhất trong đời mình suy sụp, bố cũng có lúc yếu đuối và không kiềm chế được bản thân.

Mặc dù phải trải qua những trải nghiệm không vui này nhưng tôi vẫn tự hào về bản thân mình hồi lớp 2 đến lớp 5. Tôi khao khát được trở lại những ngày vô tư chơi đùa, đuổi bắt nhau ở sân làng Hải Dương. Nhớ lại phiên bản ngây thơ của chính mình ngày ấy, khi đạt học sinh giỏi ở trường và luôn có bạn bè xung quanh, tôi không thể kiềm được niềm vui của mình. “Hạnh phúc nhất trong tuổi thơ của mình chính là khoảng thời gian từ lớp 2 đến lớp 5,” tôi tự nghĩ.

Ở trường, tôi là học sinh ưu tú mà thầy cô nào cũng yêu mến. Những bài tập trong lớp dường như quả đơn giản với tôi, điểm số thi cử của tôi cũng luôn tốt. Ở nhà, bố mẹ luôn nấu một mâm thịnh soạn ăn mừng mỗi khi khi tôi đạt 10 điểm. Trong khoảng thời gian ấy, niềm hy vọng trong tôi luôn đầy ắp. Tôi không phải lo lắng về việc làm hài lòng bố mẹ hay lẩn tránh những lần giận dữ của họ. Tôi không bị áp lực, không phải lo nghĩ việc gì khác ngoài việc học vốn đã rất đơn giản đối với tôi. Niềm vui thực sự của tôi ở thời điểm đó đến từ việc chơi bóng đá, bắn bi và thả diều trên đồng cỏ với bạn bè.

Và bây giờ, khi đứng bên ngoài quầy bar, tôi không thể ngừng suy nghĩ về tuổi thơ của mình. Những năm cấp 1 là một hành trình và một phần không nhỏ của ký ức. Nó khiến tôi nhận ra rằng những năm tháng đó đã góp phần hình thành lên con người tôi như hiện nay. Những thử thách mà tôi gặp phải,những khó khăn mà tôi vượt qua thực sự đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hiện nay của tôi.

“Khoảng thời gian đó là động lực để tôi trở thành một con người tốt hơn,” tôi tự nghĩ khi nhìn lại quá trình trưởng thành của mình. Hành trình đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng với những bài học và sự kiên cường mà tôi đã trải qua thì nó chính là  tài sản vô giá trên hành trình hoàn thiện bản thân của tôi.

Nhìn vào quầy bar một lần nữa, tôi nghĩ mình đã sẵn sàng khép lại mọi thứ. Tôi đã làm hòa với quá khứ của mình và sẵn sàng đón nhận tương lai đầy hứa hẹn phía trước. Cuộc sống là một hành trình không ngừng phát triển và học hỏi, tôi háo hức bước đi trên con đường này với đầy ắp niềm hy vọng và sự quyết tâm.

Bây giờ, khi đang ở tuổi 23, một lần nữa, tôi cảm thấy tự tin và tự hào về bản thân mình. Tôi đã dành thời gian để đối mặt với quá khứ, thừa nhận những trở ngại mà mình đã gặp phải và có được những bài học vô giá từ đó. Điều này đã cho tôi sức mạnh để ngẩng cao đầu tiến về phía trước, quá khứ sẽ không phải là gánh nặng hay mối bận tâm ghì tôi xuống nữa.

Khi bước những bước đầu tiên qua quán bar quen thuộc, tôi không thể ngừng mỉm cười. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trên vai. Tâm hồn tôi như vừa được chữa lành  và giải phóng, giờ đây tôi hoàn toàn sẵn sàng đón chào một phiên bản tốt hơn của chính mình trong tương lai.

Với lòng quyết tâm của mình, tôi sẵn sàng khám phá những điều chưa biết, sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thách thức hay cơ hội nào đang chờ đón. Con đường phía trước không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng tôi sẵn sàng đối mặt với nó, và những bài học trong quá khứ sẽ là hành trang cho tôi đón nhận tương lai của mình.

Kể từ thời điểm đó, tôi tự hứa với mình sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện bản thân. Tôi hiểu rằng cuộc sống là một hành trình liên tục và tôi háo hức đón nhận từng bước đi với lòng dũng cảm và sự lạc quan. Lấy quá khứ làm nền tảng và ước mơ làm kim chỉ nam, tôi sẵn sàng xây dựng một tương lai mà tôi chắc chắn mình sẽ tự hào

Cuối ngày, tôi trở về nhà, đầu óc quay cuồng với những suy nghĩ về tương lai. Tôi đi qua những con phố quen thuộc, hoàng hôn tỏa ánh sáng ấm áp lên vạn vật. Những mệt mỏi trong ngày dần như tan biến khi tôi về đến nhà, bạn gái tôi đang đợi.

Vào bên trong, tôi thấy bạn gái mình đang ngồi trên sofa, mải mê đọc một cuốn sách. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy cô ấy, biết ơn vì tình yêu và cuộc sống ổn định mà tôi đang có khi ở bên cô ấy. Tôi ngồi xuống cạnh bạn gái mình, cô ấy nhìn lên, nở một nụ cười với tôi.

"Ngày hôm nay của anh thế nào?" cô đặt cuốn sách sang một bên.

Tôi hít một hơi thật sâu, chuẩn bị nói một điều quan trọng. "Hôm nay anh tham gia một sự kiện rất đặc biệt. Anh cũng trò chuyện với một người bạn và nhờ đó anh nghĩ về tương lai của bọn mình.”

Bạn gái tôi tò mò. "Ồ? Anh đang nói về cái gì vậy?"

Tôi bắt đầu cởi mở về những suy nghĩ của mình. "Anh muốn một ngày nào chúng mình sẽ trở thành những ông bố bà mẹ. Anh muốn có mặt trong mọi hành trình của con mình, không chỉ chăm sóc hay dạy dỗ mà còn là một người bạn đồng hành cùng con. Anh muốn trò chuyện cùng con, thấu hiểu con và ủng hộ mọi quyết định của con.”

Mắt bạn gái tôi sáng lên, cô ấy nắm lấy tay tôi. "Hay quá! Em cũng mơ ước được là một người mẹ đầy trách nhiệm, anh nói ra điều này làm em vui lắm.”

Tôi mỉm cười, nhẹ nhõm khi cô ấy cùng suy nghĩ với tôi. "Mình phải trở thành một team, quyết định dạy dỗ con thật tốt. Anh muốn con mình được tự do lựa chọn những điều mình thích, ngay cả khi điều đó khác với những chúng mình mong đợi.”

Cô ấy gật đầu đồng ý. "Nhất trí. Em nghĩ điều quan trọng là để con mình khám phá ra đam mê và chúng ta sẽ ở bên cạnh con, cùng vượt qua những thách thức.”

Càng nói chuyện lâu hơn, kế hoạch của chúng tôi trở nên rõ ràng và phù hợp hơn. Chúng tôi thảo luận về những giá trị mà con chúng tôi nên trân trọng và những đức tính mà con nên có. Giao tiếp, mở lòng là chìa khóa cho con để con có thể thoải mái chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của bản thân mình.

Cuối cùng, chúng tôi tự đưa ra một cam kết mới về tương lai mà chúng tôi muốn hướng đến. Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng chúng tôi tràn ngập sự quyết tâm và niềm hy vọng, sự hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp chúng tôi cùng phát triển.

Tối hôm ấy, chúng tôi tiếp tục trò chuyện, vui cười về ước mơ của cả hai, biết ơn rằng nhờ tình yêu và sự cam kết mà chúng tôi vẫn luôn bên nhau. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi chìm vào giấc ngủ, biết rằng ngày mai sẽ mang đến những cơ hội và thách thức mới. Ở hiện tại, chúng tôi tìm thấy sự thấu hiểu trong những giấc mơ chung về một gia đình ngập tràn yêu thương.

(Tất cả thông tin cá nhân đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của H)