12/08/2023
Trẻ em và Thanh niên
VACEP 3 - Người con gái - Tự truyện
VACEP 3 - Người con gái - Tự truyện

Tôi là một phụ nữ chuyển giới 23 tuổi sống ở Việt Nam. Âm nhạc là người bạn suốt đời của tôi, giúp tôi thể hiện mình là ai qua từng điệu nhảy trên sân khấu. Mọi người hình dung tôi là một cô gái vui tươi với nụ cười rạng rỡ, nên họ đều bất ngờ khi biết chuyện quá khứ của tôi. Tôi được sinh ra trong một lần lầm lỡ của bố mẹ ruột, nhưng lại may mắn được bố mẹ nuôi đồng hành, và được bà nội dành cho một tình yêu vô điều kiện. Cuộc sống của tôi đầy thử thách và gian truân, nhưng cũng mang lại cho tôi vô vàn hạnh phúc.

Tuổi thơ đặc biệt

Tôi đã vô cùng may mắn khi có bố mẹ nuôi ở bên trên mọi chặng đường. Năm ba tuổi, định mệnh đã mang tôi đến với bố mẹ nuôi. Mẹ nuôi tôi, một người phụ nữ học thức và đầy tình thương, cũng là phó hiệu trưởng ở trường tôi hồi ấy, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Sự thấu hiểu của mẹ đã chỉ đường dẫn lối cho tất cả các cuộc phiêu lưu của đời tôi, từ những trò nghịch ngợm ở trường cho đến hành trình tìm kiếm chính mình. Bố nuôi tôi, tuy trình độ học vấn không cao như mẹ, nhưng ông đang rất cố gắng để hiểu con người tôi và những quyết định của tôi. Điều ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng với bố, nhưng ông đã dần dần thích nghi.

Bố mẹ ruột của tôi lại sống theo một cách hoàn toàn khác. Mẹ ruột tôi có một cuộc đời đầy sóng gió, kết hôn nhiều lần và hành nghề mại dâm. Bị dòng đời xô đẩy, mẹ đã cố bán tôi khi tôi mới ba tuổi, nhưng bà nội tôi đã kiên quyết không cho mẹ mang tôi đi. Sau đó, tôi được nuôi dưỡng bởi chị gái của bố ruột tôi, người đã trở thành mẹ nuôi tôi. Quá khứ đầy biến động này đã đưa tôi đến với gia đình hiện tại, nơi thực sự bao bọc tôi và nuôi dưỡng tôi thành người. Đến tận bây giờ, trong tất cả những trụ cột nâng đỡ tôi, bà tôi luôn là điểm tựa vững chãi nhất. Tình yêu của bà vẫn là nguồn sức mạnh không đổi, ngay cả khi tôi bắt đầu hành trình chuyển giới. Bà luôn là người ủng hộ tôi, sẵn sàng cùng tôi đi đến Thái Lan phẫu thuật chuyển giới, cũng như cổ vũ tôi trong các cuộc thi sắc đẹp sau này.

Dù được bảo vệ bởi bà và bố mẹ nuôi, tôi vẫn có những bóng ma ám ảnh tuổi thơ mình. Đáng buồn nhất là việc tôi đã bị bao vây bởi những người lạm dụng ma túy, bố ruột tôi và em gái út của ông ấy, từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Ngay từ khi tôi mới 5 hay 6 tuổi, tôi đã chứng kiến ​​họ tiêm chích ma tuý ngay trước mặt mình. Họ còn đưa tôi đi cùng khi họ mua heroin. Tôi thậm chí còn là tấm bình phong cho bố ruột và cô để đi mua ma tuý - họ giả vờ sử dụng tiền tiêu vặt của gia đình để đưa tôi đi chơi, nhưng rồi tiêu hết vào ma tuý. Trong suốt quá trình lớn lên của mình, tôi đã chứng kiến ​​​​vòng luẩn quẩn ra vào trại cai nghiện của bố ruột và cô tôi. Cô của tôi còn từng bị sảy thai do sử dụng ma túy, giờ không còn con cái để nương tựa. May mắn thay, sau này cô đã thành công hoàn lương để chăm sóc bà tôi và người em cùng bố khác mẹ của tôi. Mặt khác, chất gây nghiện vẫn đeo đẳng bố ruột tôi đến tận bây giờ khi ông đã gần 50 tuổi. Sâu thẳm trong tâm trí gia đình chúng tôi, bố ruột của tôi đã “vô phương cứu chữa”, và không thể ai đoán được ngày mai của ông.

 

Tôi thấy mình là con gái từ bé

Sự nhận thức của tôi về việc mình là một người con gái đã đi sâu vào tâm thức từ thuở nhỏ. Không giống những người khác có thời điểm quyết định về danh tính, tôi từ bé đã coi mình là con gái rồi. Trong khi nhiều người tự đặt câu hỏi về giới tính của họ, tôi chưa bao giờ làm như vậy. Suốt thời thơ ấu của mình, tôi đồng cảm và kết nối nhiều hơn với con gái. Lớn lên trong một khu phố nơi con trai chiếm ưu thế, tôi chỉ có người bạn đồng hành duy nhất là chị gái hàng xóm ở căn nhà đối diện. Chúng tôi chơi cùng nhau, chị ấy chỉ cho tôi những việc con gái thường làm như vẽ tranh và mặc váy. Tôi dần có cảm tình và ưa thích quần áo và trang sức nữ tính, thích chơi với con gái, và yêu màu hồng. Khi tôi xin mua một cái vòng giống chị hàng xóm, bố mẹ mua cho tôi những chiếc lắc bạc to bản của con trai, góc cạnh và cục mịch. Tôi từ chối đeo chúng, tôi chỉ muốn đeo những chiếc vòng tay mảnh mai và sặc sỡ. Tôi thích dành thời gian bên các bạn nữ, tham gia các trò như nhảy dây, que mốt. Vì sở thích màu hồng, tôi còn bảo bố sơn hẳn căn nhà mình màu hồng neon; nó trở thành căn nhà hồng duy nhất trong xóm, nổi bật vô cùng. Mặc dù vẫn chơi với các bạn nam, tôi không bao giờ thực sự hòa mình vào sở thích của họ.

Khoảng lớp 4 hoặc 5, bố nuôi tôi bắt đầu đặt câu hỏi vì sao tôi chỉ chơi với các bạn nữ mà không thân với bạn nam nào. Tôi trả lời rằng tôi cảm thấy thoải mái như vậy, nhưng cơn tức giận của bố tôi ngày càng trở nên ác liệt, dẫn đến những cuộc cãi vã gay gắt giữa hai bố con. Vào khoảng lớp 10, bố mẹ nuôi tôi bắt đầu ám chỉ về “sự lệch lạc giới tính” của tôi, và cuối cùng, tôi trực tiếp nói với bố mẹ rằng tôi vẫn sẽ là tôi. Khi tôi tiến xa hơn trong việc học và làm việc, bố nuôi bắt đầu lo sợ sự độc lập của tôi ở Hà Nội sẽ dẫn đến những sai lệch lớn hơn, và ông ngày càng quyết tâm đưa tôi trở về đúng “quy chuẩn xã hội”. Bố thúc ép mẹ thuyết phục tôi tiêm hormone nam, thậm chí không quan tâm bao nhiêu tiền, nhưng tôi đã phản kháng, tăng thêm sự căng thẳng và những giọt nước mắt từ bố mẹ. Thái độ của bố tôi càng gay gắt; ông không thoải mái, đổ lỗi và chửi mắng tôi, nhất định bắt tôi phải tuân theo giới tính sinh học. Khi tôi tiêm hormone nữ thay vì hormone nam và khiến mình tăng cân, bố tôi càng chỉ trích dữ dội về cơ thể tôi cũng như cách tôi cư xử.

Dù tôi cố bỏ ngoài tai, sự không hài lòng và những lời thúc giục của bố tôi vẫn tiếp diễn. Ngay cả diện mạo của tôi cũng bị nhắc nhở, kiểu tóc của tôi cũng làm bố khó chịu. Tôi đã chống trả lại mạnh mẽ để là chính con người thật của mình. Mẹ tôi khuyên tôi đừng phản ứng quá gay gắt với những lời ông nói, điều này tạm thời khiến bố nguôi ngoai. Dù sao thì bây giờ con đường của tôi cũng đã rõ ràng, và tôi giữ vững niềm hạnh phúc cùng sự ổn định mà nó mang lại.

Những thăng trầm trên ghế nhà trường

Ngay từ ngày đầu đến trường, tôi đã không ngại thể hiện mình là ai. Tôi chọn cặp sách hồng, chọn màu tóc rực rỡ, chọn nhảy múa trước đám đông. Tất nhiên, điều đó khiến tôi phải đối mặt với không ít thách thức. Tôi còn nhớ rằng lúc tôi cấp 2, bọn con trai lớp tôi rất ác với con gái. Tôi đau đớn chứng kiến các bạn nữ trở thành nạn nhân của sự bắt nạt, thậm chí tới mức lạm dụng thể chất và hành vi làm nhục, mà tôi không biết phải làm gì để giúp. Còn với tôi, cô tôi đã dạy tôi tự bảo vệ mình bằng pháp luật, và tôi dám nói thẳng với đám con trai rằng nếu chúng động vào tôi, gia đình tôi có thể tống chúng vào tù. Không dám hành hạ bằng thể xác, chúng chuyển sang làm tổn thương tinh thần, bằng cách thường xuyên chọc ghẹo và sử dụng những từ phỉ báng. Họ nhắm vào tôi với những lời trêu đùa đầy đau đớn như "“bê đê”, “gay”, “bóng”... Những từ này như những con dao sắc, đâm thẳng vào lòng tự trọng của tôi. Trong một khoảnh khắc đau lòng, tôi tìm niềm an ủi trong những phút giây tĩnh lặng một mình, úp mặt vào tường, lặng lẽ khóc không để ai biết. Tuy vậy, sau đó, tôi được động viên và khích lệ bởi những bạn nữ thân thiết chơi cùng.

Trong khi đó, ký ức của tôi về thời cấp 3 lại hoàn toàn trái ngược, tràn ngập niềm vui và tự hào. Các bạn nam ở đó quan tâm và chăm sóc tôi không các gì những nữ sinh còn lại, đặc biệt trong những sự kiện như Ngày Phụ nữ Việt Nam hay Quốc tế Phụ nữ. Tôi cảm thấy rất hãnh diện, rất hạnh phúc khi nhìn lại quãng đường học cấp 3 của mình. Ngay cả bây giờ, những người bạn cùng lớp cấp ba của tôi vẫn thể hiện sự đoàn kết, giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau. Môi trường tích cực này đã giúp tôi hoàn thiện và phát triển. Những kỉ niệm thời cấp 3 đã tạo nên tôi của hiện tại - một người có thể gần gũi và chia sẻ với mọi người xung quanh, lan tỏa sự tích cực và thắt chặt sợi dây liên kết. Tôi rút ra một bài học cho chính mình, đó là môi trường tốt sẽ tạo nên con người tốt, còn môi trường xấu sẽ tạo ra con người xấu. Chẳng có gì sai khi sống thật với chính mình, và luôn có những người ở bên đồng cảm và ủng hộ chúng ta.

Cộng đồng LGBT - gia đình thứ hai

Dần dà, tôi hòa nhập vào cộng đồng LGBT ở quê nhà bằng những bước nhảy. Họ đi xem hòa nhạc với tôi, biểu diễn cùng tôi, tham gia nhóm nhảy của tôi. Theo thời gian, chúng tôi tìm thấy ở nhau một chỗ dựa, một người bạn đồng hành. Nhiều em gặp khó khăn về tài chính, tôi đã giúp đỡ bằng cách đưa các em theo để biểu diễn và kiếm tiền. Tôi còn nhớ như in rằng hồi cấp 3, một người em của tôi bị mẹ chửi mắng vì thể hiện cá tính bản thân trái ngược với giới tính sinh học; em chạy thẳng sang nhà tôi, nước mắt giàn giụa, nằm trên giường tôi, khóc thút thít trên vai tôi. Tôi an ủi em rằng sẽ cần thời gian để bố mẹ chấp nhận em. Ngược lại, khi tôi ốm đau hay mệt mỏi, tôi cũng tìm thấy sự an ủi và vỗ về từ những anh chị em trong cộng đồng LGBT. Cứ như vậy, chúng tôi thay phiên nhau bảo vệ nhau, để tinh thần của nhau không bị sa sút.

Trong khoảng 7-8 năm qua, dù đôi khi vẫn xảy ra xung đột, chúng tôi vẫn kề vai, sát cánh bên nhau khăng khít. Chúng tôi đối xử với nhau như gia đình, như anh chị em một nhà. Sự đoàn kết này xuất phát từ những trải nghiệm và sự thấu hiểu chung. Khi chúng tôi trưởng thành, mỗi người cũng bắt đầu đi trên con đường riêng của mình. Chúng tôi vẫn duy trì sự kết nối, đùm bọc và giúp đỡ nhau khi cần. Nhìn lại, tôi đã ủng hộ các người bạn, người em của mình; tới khi gặp tôi, chính họ đã thừa nhận rằng: "Nếu không có chị, bọn em sẽ không trở thành bọn em ngày hôm nay". Tôi luôn khuyên các bạn ấy hãy tự tin, phát triển con đường sự nghiệp riêng của mình, và quay trở lại với một phiên bản đầy lạc quan và tin yêu cuộc sống.

Đôi lần trái tim lỡ nhịp

Trong vô vàn tình cảm mà tôi may mắn nhận được, cũng có những người chiếm vị trí đặc biệt. Mối tình đầu của tôi là một chàng trai cao, đẹp trai, bằng tuổi tôi. Chuyện xảy ra khi tôi vừa học xong lớp 9, chúng tôi quen nhau trong một kỳ học hè. Tính cách và sở thích của chúng tôi rất giống nhau - chúng tôi đều có tính cách “lố lăng và đồng bóng”, chúng tôi hâm mộ những thần tượng giống nhau, chúng tôi cũng có chung niềm đam mê nghệ thuật và thời trang. Nhưng mối quan hệ đó là “sai thời điểm”, vì tôi chỉ muốn tôi tập trung vào việc học, và bố tôi còn dọa đánh tôi nếu bắt quả tang tôi hẹn hò. Vì vậy, khi anh ấy đến tìm tôi, tôi bực bội đến mức đóng sầm cửa vào mặt anh ấy. Sau cú sập cửa đó, anh ấy chặn tôi trên Facebook, không bao giờ nói chuyện với tôi nữa, và giả vờ như tôi không tồn tại khi bất kỳ người bạn nào nhắc đến tôi. Nhưng tôi cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác, vì tôi không thể cãi lời bố mẹ mình vào thời điểm đó, khi chưa có bất kỳ sự độc lập tài chính nào.

Lên đại học, tôi có một mối tình kéo dài 2 năm. Anh và tôi đã hỗ trợ lẫn nhau trong việc thuyết phục bố mẹ chấp nhận bản dạng giới của chúng tôi. Anh ấy đã ở đó khi tôi ốm, khuyên tôi bỏ thuốc kích thích khi tôi nhập viện cấp cứu vì sỏi thận và tôi nhận được nhiều chẩn đoán bệnh khác. Tuy nhiên trong 2 năm đó, tôi cũng cảm thấy mình bị gò bó - vì tôi là một người có tinh thần tự do, hướng ngoại. Thời gian ấy, dù tôi làm gì, tôi cũng sợ mọi người đánh giá tôi. Tôi rất sợ gia đình bạn trai phán xét tôi vì gia đình anh làm trong nhà nước; họ bảo thủ đến mức để ý cả việc tôi sơn móng tay, nhuộm tóc và xỏ khuyên.

Thật ra, bản thân là một người chuyển giới dị tính, tôi cũng có những hạn chế riêng. Bạn trai cũ của tôi là một người chuyển giới nam chưa phẫu thuật hoàn toàn. Tôi khát khao có một cơ thể nữ tính, nhưng tôi không cảm thấy bị hấp dẫn bởi cơ thể của phái nữ. Trong suốt mối quan hệ đó, ôi cũng không cảm thấy mình có thể thể hiện khía cạnh mềm yếu, dễ bị tổn thương của bản thân với anh ấy, kể cả khi chúng tôi tranh cãi. Cuối cùng tôi quyết định từ bỏ mối tình này vì sự khác biệt trong tính cách của chúng tôi và nhận thức của gia đình anh ấy.

 

Bóng ma từ chất kích thích

Lúc bắt đầu sống tự lập ở Hà Nội, tôi đối mặt với khủng hoảng về tài chính. Gánh nặng kinh tế khiến tôi buộc phải nhanh chóng một công việc lương cao, và thế là tôi trở thành vũ công. Trong vũ trường mà tôi đang làm việc, có một quy tắc bất thành văn trong việc sử dụng chất kích thích để tăng năng lượng và sức hút của chúng tôi trên sân khấu. Tôi đã dần quen với việc mọi người bí mật nhét chất kích thích vào tay mỗi khi tôi chuẩn bị lên biểu diễn. Và cứ như thế, việc sử dụng chất trước khi biểu diễn đã trở thành một phần công việc của tôi. Sau khi nhảy suốt đêm, tôi trở về nhà, đầu óc hoàn toàn trống rỗng và kiệt sức. Tôi chỉ muốn qua đêm một mình và tách biệt khỏi tất cả mọi người.

Làm việc tại quán bar được khoảng 1 năm, tôi bắt đầu thấy những tác động của công việc này đối với sức khỏe. Tôi cảm nhận được rõ ràng ​​sự bất ổn tinh thần do dùng chất, đầu tiên là cảm giác mụ mị và hoàn toàn bị cuốn theo tiếng nhạc, sau đó là mệt mỏi và cô đơn. Ngoài ra, tôi cũng nhạy cảm hơn với ánh sáng và âm nhạc. Sau giai đoạn hưng phấn do chất, tất cả các tế bào thần kinh trong não của tôi như căng ra. Đôi khi, tôi thậm chí còn nghe thấy có ai đó gọi tên tôi giữa đêm, mặc dù tôi lúc ấy đang ở một mình; tôi chỉ biết gọi facetime với bạn bè để át đi những tiếng thì thầm rợn tóc gáy kia. Một mình trong đêm, tôi rồi sẽ lại chìm vào những dòng suy nghĩ. Rồi tôi sẽ thổn thức khóc vì căng thẳng, chán chường và muốn buông xuôi tất cả. Người ngoài ai cũng quen với hình ảnh tích cực, rạng rỡ của tôi, nên khi tiêu cực tôi không hề muốn ai nhìn thấy hình ảnh này của mình. Không chỉ bị ảnh hưởng về tinh thần, mà sức khỏe thể chất của tôi cũng đang đi xuống. Bây giờ tôi phải cực kỳ cẩn thận, thậm chí là ăn uống kiêng khem, vì trong người tôi đang có rất nhiều bệnh. Ngoài sỏi thận, tôi còn bị gan nhiễm mỡ, huyết áp thấp, thiếu máu...

Tôi cũng mang trong mình một nỗi lo lắng cố hữu khi bắt đầu sử dụng chất kích thích như một phần công việc. Tôi sợ rằng mặt tối này của tôi sẽ bị phơi bày với gia đình thân yêu, những người ở quê tôi và những người mà tôi sẽ làm việc cùng trong tương lai. Vì hiện tại tôi đang hoạt động tích cực trong cộng đồng LGBTIQ+ và tham gia nhiều cuộc thi lớn, nên tôi không muốn bất cứ đối tác nào biết về mặt tối này. Về kế hoạch dài hạn, tôi còn mong muốn mở một trung tâm đào tạo nhảy và người mẫu tại quê hương với tư cách giáo viên. Tôi sợ rằng danh tiếng mà tôi miệt mài xây dựng của mình sẽ bị hoen ố, chỉ vì tôi phải kiếm sống qua ngày. Đặc biệt là ở quê tôi, nơi vẫn tồn tại sự kỳ thị phổ biến đối với người làm việc tại quán bar, họ sẽ gán người ấy với mọi tệ nạn xã hội như mại dâm và nghiện ngập.

Tôi đã chứng kiến ​​việc lạm dụng chất và nghiện ngập tước đoạt đi phẩm giá và cơ hội của những người thân trong gia đình ruột thịt của mình. Tôi vẫn nhớ như in cái cách mà bố ruột và cô của tôi đã bị ông nội tôi xích lại để cai nghiện. Hồi tôi khoảng bốn tuổi, ông nội tôi đánh bố ruột và cô của tôi rất dã man, đến nỗi họ phải trốn sau cái giếng cạnh nhà và không dám vào nhà vì sợ lại bị đánh. Điều ám ảnh tôi nhất là khi họ lên cơn thèm thuốc. Tôi chẳng còn thấy hình ảnh thân thuộc của cô và bố, mà chỉ thấy những con thú hoang đang lồng lên vì đói khát. Nhưng cơn thèm thuốc không là gì so với quá trình cai nghiện. Dưới sự giám sát của ông nội, cả bố ruột và cô của tôi đều bị xích lại để không thể tìm đến ma túy. Lúc đó, tôi nhớ mình đã thầm nghĩ “Đời có muôn vàn lối đi, tại sao không chọn con đường tốt đẹp, tại sao cô phải biến mình thành một hình hài kinh khủng như vậy?” Về phía bố tôi, ông đã không thể trở thành một người bố tốt và một con người lương thiện. Bất cứ khi nào bố ruột của tôi được tự do, ông lại lông bông và nghiện ngập, rồi vòng luẩn quẩn nghiện và cai nghiện lặp lại. Nhiều lúc chạnh lòng, tôi thú nhận với ông: “Bố cũng đã 50 tuổi rồi, bố định lún sâu trong bãi bùn này đến bao giờ? Bố đã không lo cho con, còn em T của bố thì sao? Bố không chịu đi làm thì bố vẫn phải nghĩ cách chăm sóc cho T chứ. Bố không nuôi con, con cũng không trách bố. Con chưa bao giờ có ác cảm hay hận thù gì với bố. Nhưng nếu bố để em T phải chịu cảnh như con, bố sẽ là một người bố tôi tệ lắm.” Hình ảnh đau khổ và vật vã của cô và bố ruột tôi vì nghiện giờ đã ăn sâu vào não tôi như một hồi chuông cảnh tỉnh để tôi ngừng sử dụng chất gây nghiện.

Đôi khi, tôi nhìn lại về quyết định của mình khi làm việc tại một vũ trường - nơi sử dụng chất kích thích là một “lẽ thường tình”. Khi còn ở quê, tôi khá độc lập về tài chính nhờ công việc đào tạo người mẫu và dạy nhảy cho trẻ em. Khi tôi ra Hà Nội để theo học đại học, tôi không có bất kỳ nguồn tiền nào khác, nhưng các loại chi phí như chi tiêu hàng ngày, học phí đại học, tiền thuê nhà trọ bắt đầu đè nặng lên tôi. Khi ấy tôi thậm chí đã đưa một số tiền khá lớn cho người chị gái của mình, cũng thuộc cộng đồng LGBTIQ+, để hỗ trợ chị cấy ghép ngực nên tôi thực sự cạn tiền. Bên cạnh đó, sức hút của chốn Hà Nội xa hoa trở nên đầy cám dỗ. Nhìn lại, thời gian ấy là cuộc khủng hoảng tài chính đối với tôi, vậy nên tôi buộc mình phải làm công việc này để kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Suy ngẫm về tình trạng sức khỏe, những nguyện vọng trong tương lai và gia đình, tôi hiện đang lên kế hoạch dần dần ngừng sử dụng chất kích thích. Hiện tại, tôi đã cố gắng chủ động giảm lượng chất mình sử dụng, hoặc giả vờ như thể mình đã dùng hết dù chưa hề động đến chúng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng nếu không có sự tác động của chất, sức bền khi biểu diễn của tôi cạn kiệt nhanh chóng. Sau màn trình diễn, tôi cảm thấy như mình có thể gục ngã ngay lúc đó. Tuy nhiên, bây giờ khi tôi đến nơi làm việc, tôi sẵn sàng chịu bị cắt giảm lương để không phải nhảy trong thời gian dài và không phải sử dụng chất kích thích để biểu diễn, như một cách để bảo vệ sức khỏe của mình. Tôi biết rằng nguyên nhân gốc rễ của việc sử dụng chất kích thích của tôi nằm ở môi trường làm việc nên tôi dự định sẽ bỏ công việc này vào cuối năm nay hoặc cùng nhất là vào giữa năm sau.

Trong khi đó, tôi vẫn cố gắng hết sức để giảm liều lượng và kiêng sử dụng chất kích thích. Tuy nhiên, tôi nhận thức được và lo ngại rằng sẽ có những lúc khách hàng ở vũ trường ép tôi uống rượu hoặc dùng chất kích thích. Tôi sợ rằng tôi sẽ không thể kiểm soát bản thân trong lúc hưng phấn hoặc dưới tác động của tiếng nhạc xập xình và ánh đèn lập loè. Tâm trí tôi sẽ trở nên trống rỗng và tôi có thể sẽ đánh mất lý trí của mình. Tuy nhiên, tôi phải tự mình luyện tập để xây dựng tinh thần thép. Tôi sẽ phải cố gắng hết sức để không bị cuốn theo và nuốt chửng bởi những cám dỗ này.

Học cách dựa vào mình

Tôi nhớ mãi câu chuyện khi tôi mới đến Hà Nội và đang tìm thuê trọ. Bố nuôi tôi cùng tôi ra Hà Nội để xem các căn nhà cho thuê. Tại một trong những khu trọ, có người chủ nhà từ chối cho tôi thuê vì ngoại hình của tôi. Vào thời điểm đó, tôi vẫn có mái tóc ngắn, kiểu tomboy. Chủ nhà nói với bố tôi rằng họ không muốn cho “một đứa trai không ra trai, gái không ra gái” thuê nhà. Thay vì tiếp tục đưa tôi đi tìm căn trọ khác, bố nuôi tôi, tức giận và buồn bã, kéo tôi trở lại quê. Tôi đã thất vọng với ông đến nhường nào vì ông không những chẳng đứng lên bảo vệ tôi mà còn trút giận lên tôi. Thay vì kiên nhẫn và cân nhắc các lựa chọn khác, ông nóng nảy đưa tôi về nhà và khoá tôi trong phòng.

Trở về nhà, tôi không thể rời khỏi nhà trong một tuần. Tôi bị buộc phải cắt tóc. Tôi cũng chẳng thể nuốt nổi thức ăn. Tôi thậm chí đã phải vào viện cấp cứu vì quá ốm trong một tuần ấy. Tôi cảm thấy rất ê chề, thất vọng và tức giận. Tôi đã thất vọng với bố nuôi vì ông đã không suy nghĩ đến cảm xúc của tôi khi vừa không thuê được trọ, lại vừa bị xúc phạm. Chỉ vì quá thẹn, bố tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà trút giận lên tôi. Bố nuôi tôi là kiểu người thiếu sự nhìn xa trông rộng và suy nghĩ thấu đáo. Ngay cả khi bàn đến chuyện tương lai của tôi, ông ấy cũng chỉ muốn tôi mở một tiệm làm tóc ở quê, cắt tóc cho vài người mỗi ngày để đủ tiền ăn ba bữa. Ông ấy chỉ kiếm sống cho hôm nay, và nghĩ rằng tôi sẽ có một cuộc đời tương tự. Tôi thất vọng về ông vì không để ý đến cảm xúc của tôi. Tôi đã ở trong tình trạng dễ bị tổn thương khi bước chân đến một thành phố lớn từ một thị trấn nhỏ và không ổn định về tài chính. Tôi cảm thấy mình bị dồn vào chân tường.

Sau khi ngẫm lại, tôi dần hiểu và thông cảm với cách nghĩ của bố nuôi vì hạn chế trong trình độ học vấn và nghề nghiệp - ông là một tài xế. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự vô lí và cơn thịnh nộ của bố nuôi đã khiến tôi bị trầm cảm. Tôi cảm giác mình không thể gắng gượng nỗi. Tôi thậm chí còn nhờ bạn lén mang cho mình thuốc ngủ… Tôi muốn được giải thoát. Mãi mãi. Tuy nhiên, khi tôi nằm trên giường, tôi đã thực sự suy ngẫm lại về cuộc sống của mình. Về những gì tôi vẫn chưa trải nghiệm, chưa hoàn thành. Tôi luôn mơ ước được tham gia một cuộc thi sắc đẹp. Tôi vẫn còn một danh sách dài những điều mà tôi muốn hoàn thành. Tôi vứt thuốc ngủ ngay sau đó.

Tôi sẽ mô tả mình là một người rất tích cực và hài hước. Tôi sẽ nói rằng tôi là một người hướng ngoại. Tôi tìm kiếm sự vui vẻ khi ở bên người khác và khám phá thế giới. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống có nhiều điều tốt đẹp dành cho mình. Tuy nhiên, khi tôi buồn, tôi không thể tìm thấy sự an ủi ở nơi khác, ngoại trừ chính mình. Tôi tìm kiếm sự giải thoát trong nghệ thuật - âm nhạc và nhảy múa. Khi tôi buồn, tôi sẽ đeo tai nghe lên và nhảy. Chỉ khi tôi nhảy, tôi mới quên đi phần còn lại - mọi vấn đề, mọi kỳ vọng, mọi buồn tủi trên đời. Thời gian tôi bị nhốt trong nhà một tuần sau khi bị từ chối chỗ thuê, tôi đã căng thẳng đến mức lần đầu tiên trong đời tôi không thể nhảy. Tôi chỉ nằm đó và chìm trong những suy nghĩ ngày càng tiêu cực. Nhưng sau đó tôi nhận ra, cuộc đời này có rất nhiều cơ hội. Cuộc sống của tôi vẫn còn rất nhiều triển vọng. Tôi vẫn còn rất nhiều thứ để cho đi. Tôi đã yêu cuộc sống và bản thân mình một lần nữa.

Tôi đã học được qua những trải nghiệm của mình rằng ngay cả khi những hoàn cảnh khó khăn ập đến với bạn, cuộc sống vẫn tươi đẹp. Tôi khuyên bạn nên bình tĩnh - không có gì phải vội vàng trong cuộc sống này. Hãy kiên nhẫn. Hãy giữ cho mình một cái đầu lạnh cùng trái tim ấm nóng. Dù thế nào đi nữa, ta luôn có gia đình bên cạnh để trở về. Tuy nhiên, bạn cũng phải đấu tranh vì chính mình.

Tôi nhận ra điều này vào sinh nhật lần thứ 18 của mình. Ông tôi qua đời vài ngày sau đó. Mặc dù chúng tôi không thân thiết và khắc khẩu trong nhiều vấn đề, nhưng sự ra đi của ông đã giúp tôi nhận ra rằng một ngày nào đó gia đình tôi sẽ chẳng còn ở đây bên tôi. Vào cuối ngày, người duy nhất mà tôi có là bản thân mình. Người duy nhất cho tôi đủ sức mạnh để vượt qua mọi thách thức là tôi. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Người duy nhất ở bên bạn cho đến cuối đời là chính bạn.

 

Đời tôi vẫn còn nhiều điều tốt đẹp

Tôi muốn nhìn lại tuổi trẻ của mình mà không hối tiếc. Dù người khác nghĩ thế nào, điều quan trọng là tôi phải đưa ra những quyết định mà bản thân cảm thấy là đúng đắn. Kế hoạch của tôi trong năm nay là đi du lịch để trải nghiệm cuộc sống. Tôi cũng dự định sẽ tham gia một cuộc thi sắc đẹp vào năm tới, nên tôi đang tập trung trau dồi kiến thức và cải thiện hình ảnh của bản thân. Tôi quyết định bước vào đại học, không phải để có một công việc đúng ngành, mà vì tôi thực sự tin rằng học vấn sẽ giúp tôi có nhận thức, hiểu biết tốt hơn trong xã hội. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu cụ thể và ngắn hạn, để khi tôi hoàn thành chúng, tôi có thể cho phép mình đặt những mục tiêu tiếp theo..

Trong tương lai xa, tôi mong muốn được làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở quê nhà. Ngay cả khi làm việc cho cơ quan của địa phương, tôi vẫn sẽ tham gia vào các chương trình và hoạt động văn hóa. Tôi cũng sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc tại các trường mầm non hoặc mở một phòng tập nhảy.

Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tạo ra con đường riêng của mình. Bạn không cần phải là một tỷ phú, hay là một triệu phú. Điều quan trọng trước nhất là bạn phải có khả năng hỗ trợ bản thân. Đối với tôi, tôi tin rằng mình cần phải có đủ tiềm lực để nuôi sống bản thân trước khi có thể hỗ trợ gia đình. Hơn tất thảy, điều quan trọng nhất là đảm bảo hạnh phúc và sức khỏe cho mình và gia đình thân yêu. Với tôi, tiền không không phải là thước đo của hạnh phúc.