01/06/2023
Các dự án
Bảo vệ Tương lai 2.0
Bảo vệ Tương lai 2.0

Thông tin chung

Tên đầy đủ: Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng để kiểm soát lây nhiễm HIV trong thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam

Nhà tài trợ: French L'Initiative (trước đây gọi là Sáng kiến 5%) thông qua Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp

Giai đoạn: 2022 - 2023

Địa bàn triển khai: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh

Thực hiện: Chương trình Trẻ em và Thanh niên

Dự án Bảo vệ Tương lai 2.0 được kế thừa và phát triển dựa trên những thành công và bài học kinh nghiệm có được từ giai đoạn I (thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng 11/2019). Dựa trên những hiểu biết sâu sắc về đặc điểm, vấn đề và nhu cầu riêng biệt của nhóm thanh thiếu niên sử dụng ma túy, Bảo vệ Tương lai 2.0 xây dựng các can thiệp mục tiêu và thiết kế các gói can thiệp cá nhân hóa để giải quyết các vấn đề và nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng.

Dự án Bảo vệ Tương lai 2.0 hướng đến những thanh niên từ 16-24 sử dụng ma túy, chủ yếu là các loại ma túy tổng hợp như methamphetamine với mục tiêu "Cải thiện chất lượng và lấp đầy những khoảng trống trong can thiệp HIV cho người sử dụng ma túy thông qua các can thiệp đa chiều và sáng tạo". Lý do dự án lựa chọn nhóm tuổi này bởi đây là giai đoạn thanh thiếu niên có nhiều sự tò mò, mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ. Tuy nhiên, não bộ của con người thường phát triển hoàn thiện vào khoảng 25 tuổi. Việc sử dụng ma túy sớm có thể gây ra những tổn thương lâu dài và không hồi phục, chẳng hạn như giảm khả năng học tập, suy giảm nhận thức, mất trí nhớ. Can thiệp sớm không chỉ giúp giảm thiểu tác hại do sử dụng ma túy, dự phòng nguy cơ nghiện chất mà còn góp phần dự phòng HIV hiệu quả và hạn chế tác động tiêu cực về sức khỏe lâu dài cho thanh thiếu niên.

Ngoài các can thiệp phòng ngừa HIV và giảm hại, Bảo vệ Tương lai 2.0 không chỉ giải quyết các yếu tố trước mắt mà còn đánh giá và khắc phục những rủi ro tiềm ẩn, đó là vấn đề về sức khỏe tâm thần và những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Trong khuôn khổ dự án, những người tham gia có trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu sẽ nhận được can thiệp về sức khỏe tâm thần thông qua các hoạt động: Trị liệu Trò chơi, trị liệu Nghệ thuật, các hoạt động chánh niệm, vòng tròn chữa lành. Những hoạt động này nhằm mục đích giúp khách hàng kết nối với những tổn thương trong quá khứ, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện cá nhân và bày tỏ cảm xúc, đồng thời chia sẻ các chiến lược để đối mặt với những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống.

Kết quả 2023

Trong năm 2023, dự án đã tiếp cận và cung cấp các dịch vụ cơ bản về dự phòng HIV cho 9.308 khách hàng. 3.405 khách hàng tham gia các buổi tư vấn cá nhân về giảm hại sử dụng chất gây nghiện. 30 khách hàng phát hiện tình trạng nhiễm HIV và 100% được dự án hỗ trợ đăng ký điều trị ARV. 165 khách hàng được giới thiệu đến các cơ sở y tế để xét nghiệm/kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), PrEP, methadone.

Ngoài ra, 474 khách hàng đã được tư vấn cơ bản về sức khỏe tâm thần, 210 khách hàng được chẩn đoán và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Dự án cũng tổ chức ba khóa học cơ bản về chánh niệm, 48 buổi vòng tròn chia sẻ, sáu buổi can thiệp chuyên sâu theo phương pháp  vòng tròn và chín buổi trị liệu dựa trên nghệ thuật và trò chơi.


Đầu mối

(Ms.) Nguyễn Minh Trang - Quản lý Chương trình Trẻ em và Thanh niên

Email: trangnguyen@scdi.org.vn