12/10/2021
Sức khoẻ và An sinh
Bệnh nhân Lao và vắc-xin Covid-19
Bệnh nhân Lao và vắc-xin Covid-19

Kể từ đầu tháng 9/2021, Hà Nội tổ chức tiêm bao phủ vắc-xin Covid-19 toàn thành phố. Theo số liệu báo cáo, đến trên 96% người từ 18 tuổi đã được tiêm chủng, kể cả người không đăng ký cư trú, không có giấy tờ tùy thân. Còn lại một số người chưa được tiêm là những người có vấn đề về sức khỏe, trong đó có bệnh nhân Lao. 

Câu chuyện của một bệnh nhân Lao

Chú Dũng là "khách hàng" thân quen của SCDI và Mỗi ngày Một quả trứng (MNMQT). Cả nhóm gặp chú Dũng từ đợt Covid đầu tiên, khi đi hỗ trợ lương thực cho các gia đình có nguy cơ thiếu đói. Gia đình chú Dũng có chín người thì năm người bị vướng vào vòng lao lý, người đã ra khỏi trại, người thì vẫn thụ án. Không chỉ vậy, chú Dũng còn mắc lao. Nhà có mấy người mắc, nhưng chú là người bị nặng nhất, bởi vì việc chữa trị liên tục bị ngắt quãng. Chú Dũng ra vào trại giam nhiều lần nhưng lần nào cũng dành phần lớn thời gian chấp hành án để điều trị bệnh. Mỗi lần ra trại là một lần gián đoạn. Vậy nên bệnh ngày càng trở nặng, trở thành kháng thuốc, kháng đa thuốc rồi siêu kháng thuốc. Chú Dũng nằm trong số khoảng 300 bệnh nhân lao siêu kháng thuốc ở Việt Nam, kháng lại hầu như tất cả thuốc điều trị lao. Không chỉ khó điều trị, nguy hiểm đến tính mạng, tốn nhiều thời gian, mà căn bệnh này còn nguy hiểm ở chỗ nếu lây cho người khác thì người đó có thể nhiễm lao siêu kháng thuốc, dù chưa từng mắc lao trước đây. Hỗ trợ chú chữa bệnh không chỉ là cải thiện sức khỏe cho chú, mà còn bảo vệ cho bao người khác khỏi nguy cơ.

Lần đầu nhóm gặp chú Dũng, chú đang nằm thở khó nhọc tại nhà. Bệnh lao nặng kèm theo viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính khiến chú thường xuyên trong tình trạng khó thở, phải thở oxy. Trước đây, gia đình đã đưa chú đến bệnh viện kèm theo bệnh án từ trại giam nhưng không được nhận điều trị vì không có đủ số tiền đặt cọc, cộng thêm chú không có giấy tờ tùy thân. SCDI đã nhờ đến sự giúp đỡ để chú Dũng được vào nhận vào điều trị, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng chế độ hỗ trợ dinh dưỡng của dự án Quỹ Toàn cầu. 

Bệnh viện đã "quen" nên mỗi khi chú cần nằm viện cũng không còn khó khăn như ngày trước. SCDI liên hệ với Phòng Công tác Xã hội của bệnh viện để cùng hỗ trợ cho chú. Cuộc sống và sức khỏe của chú Dũng đã dần khá hơn nhờ sự giúp đỡ của bao người. 

Mở ra hy vọng

Dịch Covid diến biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, chú Dũng lo lắng lắm. Người có bệnh lý nền như chú nếu nhiễm Covid thì nguy cơ bệnh tiến triển nặng, tiến tới tử vong là rất cao. Vì vậy, khi thấy địa phương tổ chức tiêm phòng, chú cũng đăng ký tiêm. Nhưng chú Dũng không được chấp nhận vì bệnh nặng quá, sợ tiêm sẽ nguy hiểm. Chú đến cả bệnh viện nhưng cũng bị từ chối vì lý do tương tự. 

Như một mối nhân duyên, đại sứ quán Pháp liên hệ đến SCDI rằng họ có một số liều vaccine dư có thể dùng cho người hưởng lợi của dự án mà SCDI đang thực hiện. Bệnh viện Việt - Pháp, nơi thực hiện tiêm chủng cho đại sứ quán Pháp đồng ý nhận tiêm cho bệnh nhân lao kháng thuốc. Họ cho rằng những bệnh nhân đó cần được ưu tiên tiêm để giảm nguy cơ tử vong. Vậy là chú Dũng cùng với ba bệnh nhân bị lao kháng thuốc khác, sau khi bị từ chối tiêm, dù đã từng ra tù vào tội, được tiêm chủng tại một trong những bệnh viện tốt nhất Hà Nội với tất cả sự ân cần và chu đáo. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho việc lấy bệnh nhân là trung tâm, đặt ưu tiên của bệnh nhân lên hàng đầu, tìm mọi cách để chăm sóc sức khỏe cho dù họ là ai. 

 

Ảnh: Chú Dũng tiêm mũi 1 vắc-xin tại bệnh viện Việt - Pháp

Ảnh: Cán bộ của SCDI đưa hai bệnh nhân lao và người nhà tới tiêm vắc-xin mũi 1

Ảnh: Các bác sĩ chuẩn bị bình oxy cho bệnh nhân trước khi tiêm vắc-xin

Để không ai bị bỏ lại phía sau

SCDI và MNMQT đã từng tiếp xúc nhiều với những người từng đi tù về và mắc lao. Môi trường đông đúc và khép kín như trong trại giam khiến bệnh lao dễ lây nhiễm và trở nặng. Do điều kiện không đảm bảo chất lượng, việc chữa trị gián đoạn do ra vào trại nhiều lần khiến số người nhiễm lao, lao kháng thuốc, đa kháng thuốc và thậm chí là siêu kháng thuốc như chú Dũng không phải là hiếm. Muôn vàn hoàn cảnh khó khăn và nguyên do khiến bệnh trở nặng, trong đó không nhập lại được hộ khẩu nên không có giấy tờ tuỳ thân, không có tiền để chi trả để được vào điều trị, không có tiền để ăn khi điều trị là những lý do nổi bật. Nhiều người trong số họ có những bệnh mạn tính khác cũng cần điều trị và điều trị tức thời như viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc tiểu đường biến chứng. Nếu phải dùng những đồng tiền hiếm hoi của mình vì sức khoẻ thì họ phải chọn mua thuốc giãn phế quản để thở được, đi phẫu thuật cắt bỏ phần chi hoại tử... chứ không phải để vào điều trị lao.

Cùng với đó, khó hoà nhập xã hội sau khi đi án dài, gia đình tan nát hoặc chối bỏ, vợ bỏ hoặc cũng đi tù để lại con, không có sinh kế sau khi ra trại bởi vốn dĩ đã không có nghề, bởi tiền án, bởi kỳ thị khiến cho con đường quay trở lại trại giam gần hơn nhiều so với con đường hoàn lương. Rồi những tác động ấy kéo sang cả con cháu của họ. SCDI tập trung hỗ trợ gia đình để họ có thể "giữ bàn tay sạch", để con cái của họ được đi học, được gần cha mẹ, để phá vỡ cái vòng lặp luẩn quẩn không hồi kết. Sách vở, tiền học cho trẻ, hỗ trợ để người lớn có sinh kế, có thẻ bảo hiểm y tế,... hoặc chỉ là một gói lương thực, những hộp sữa, gói cháo trong thời điểm dịch bệnh khó khăn,... chẳng phải điều gì lớn lao nhưng những hỗ trợ thiết thực, kịp thời và chân thành đó cũng đủ để một gia đình vốn tan tác ấy một cơ hội để hồi sinh, tránh xa cạm bẫy và có cơ hội sống cuộc đời lương thiện.

Một năm vừa qua với bao đảo lộn và khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng những gia đình có tù nhân mắc lao mà SCDI hỗ trợ không ai bị bắt vì phạm pháp. Nhiều người nghĩ đến những người ra tù vào tội như thành phần nguy hiểm của xã hội. Nhưng ai mà chẳng muốn làm người lương thiện, muốn được một lần nữa hòa nhập, chỉ cần có cơ hội.

Người viết: Khuất Thị Hải Oanh 

Biên tập: Ngọc Anh