14/10/2024
Hoạt động của SCDI
Biến đổi khí hậu "biến đổi'' bão như thế nào?
Biến đổi khí hậu "biến đổi'' bão như thế nào?

Bản tin Môi trường cập nhật những tin tức về môi trường và các giải pháp bảo vệ Trái Đất. Cùng chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp!

Thực hiện bởi đội ngũ Môi trường SCDI.


Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của các cơn bão, khiến chúng ta phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt. Dễ dàng nhận thấy những cơn bão gần đây như Milton, Helene tại Mỹ mạnh lên 5 cấp sau 20 giờ do nhiệt độ nước biển ấm lên, Yagi tại khu vực Biển Đông được ghi nhận cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 4 - mức chưa từng có trong lịch sử chính là minh chứng rõ nhất. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam đón nhận trên dưới 10 cơn bão, để lại rất nhiều hậu quả nặng nề. Trước tình hình biến đổi khí hậu khôn lường, tần suất và mức độ ảnh hưởng do bão gây ra sẽ ngày một khó đoán trước hơn bao giờ hết.

1. Bão nhiệt đới: Thách thức thường niên tới Việt Nam 

Bão nhiệt đới hình thành từ các vùng áp thấp nhiệt đới trên biển, nơi nhiệt độ nước biển cao và độ ẩm lớn. Khi các điều kiện này kết hợp với nhau, chúng tạo ra các cơn gió mạnh và mưa lớn, dẫn đến sự hình thành của bão. Tên các cơn bão do nhiều tổ chức khí tượng đóng góp và được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thống nhất và lựa chọn, nhằm dễ dàng nhận diện và theo dõi. Việt Nam cũng từng góp một vài tên gọi, chẳng hạn như Sơn Tinh, Hải Yến,…

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, do đó, mỗi năm chúng ta phải đối mặt với khoảng trên dưới 10 cơn bão. Những cơn bão này thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 11, với đỉnh điểm là vào tháng 9 và tháng 10. Bão nhiệt đới gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho đời sống và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế. Những hình ảnh tan hoang tại các thành phố lớn sau cơn bão Yagi vừa rồi chính là minh chứng rõ ràng về việc bão có sức công phá, ảnh hưởng rất lớn. Ngoài ra, hoàn lưu của bão gây mưa nhiều, lũ quét, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc, gây tổn thất nhiều về người và của.

Ảnh: Đường phố Hà Nội tan hoang sau cơn bão Yagi 

2. Biến đổi khí hậu ‘biến đổi’ bão như thế nào?

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi tần suất và cường độ của các cơn bão nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình Trái Đất ấm lên, sự dị thường của hiện tượng El Nino, La Nina đều có ảnh hưởng lớn đến mức độ tàn phá của bão.

El Nino và La Nina là hai hiện tượng khí hậu đối lập nhau, thuộc chu kỳ ENSO (El Nino-Southern Oscillation). El Nino thường gây ra thời tiết khô hạn và nóng bức, trong khi La Nina mang lại mưa nhiều và lũ lụt. Biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng này trở nên khó lường hơn, dẫn đến sự gia tăng về tần suất và cường độ của các cơn bão.

Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ toàn cầu mà còn làm thay đổi các mô hình thời tiết. Nhiệt độ nước biển tăng cao là một trong những yếu tố chính làm gia tăng cường độ của bão. Những vùng biển, đại dương ấm lên cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các cơn bão, làm cho chúng nguy hiểm và khó dự báo hơn. Điều này dẫn đến việc các cơn bão có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn trước đây.

Ảnh: Nhiệt độ bề mặt biển từ năm 1981 đến tháng 3/2024

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, số lượng những cơn bão mạnh từ cấp 4, cấp 5 tăng gấp đôi, ngày càng những siêu bão có sức công phá lớn gây thiệt hại nặng nề. Quá trình công nghiệp hoá của con người đã khiến môi trường bị tàn phá, khí hậu phải căng mình ra để chống chọi với những thay đổi đó.

Khi thiên nhiên trở nên khắc nghiệt hơn, đó không chỉ là tín hiệu kêu cứu từ Trái Đất. Đó là lời cảnh báo về ý thức bảo vệ môi trường, về việc phải hành động để giữ lấy mái nhà chung của tất cả chúng ta.