Giống như một tấm khiên bảo vệ, tầng Ozone giúp con người tránh khỏi những ảnh hưởng xấu từ tia UV gây ra. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học Otago, New Zealand, lỗ thủng tầng Ozone ở Nam Cực đã mở rộng chưa từng có vào năm 2023 vừa qua, tương đương gấp 3 lần diện tích đất liền của Australia. Sự suy thoái tầng Ozone không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
1. Suy thoái tầng Ozone: Khi tấm khiên bảo vệ Trái Đất gặp nguy hiểm
Tầng Ozone là một lớp khí mỏng nằm ở tầng bình lưu của khí quyển, chứa nồng độ cao khí ozone (O₃). Nó hoạt động như một tấm khiên bảo vệ, hấp thụ phần lớn tia cực tím (UV-B) có hại từ mặt trời, giúp bảo vệ sự sống trên Trái Đất.
Vào năm 1970 và 1980, các nhà khoa học đã phát hiện một lỗ thủng lớn trong tầng ozone do tác động của CFCs (chlorofluorocarbons). CFCs được sử dụng trong các sản phẩm như bình xịt, tủ lạnh và điều hòa không khí, khi bay lên tầng bình lưu, phá vỡ các phân tử ozone chính là nguyên nhân tạo ra lỗ thủng tầng Ozone. Lỗ thủng này có thể thay đổi kích thước theo mùa và điều kiện khí hậu.
Với sự nỗ lực loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng Ozone, các chuyên gia nhận định lỗ thủng tầng Ozone đang dần phục hồi, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2066. Thế nhưng, tầng Ozone rất phức tạp và sức khỏe của nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Đặc biệt, trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu cũng như ảnh hưởng của con người lên môi trường, tiến trình lấp lỗ thủng này có thể phải kéo dài lâu hơn dự tính.
2. Suy thoái tầng Ozone – suy thoái sức khoẻ con người
Không còn là vấn đề vĩ mô xa vời, tầng Ozone suy thoái ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của mỗi chúng ta. Khi tầng Ozone bị suy thoái, lượng tia UV-B tiếp xúc với bề mặt Trái Đất tăng lên. Tia UV-B có khả năng gây tổn thương DNA trong tế bào sống, dẫn đến các bệnh nguy hiểm.
Hãy tưởng tượng tầng Ozone như một chiếc ô khổng lồ bảo vệ chúng ta khỏi ánh nắng mặt trời. Khi chiếc ô này bị thủng, nhiều tia nắng độc hại sẽ chiếu thẳng xuống chúng ta. Những tia nắng này có thể làm da chúng ta bị cháy nắng, gây ra các vết đỏ và đau rát. Nếu tiếp xúc lâu dài, chúng có thể gây ra ung thư da, một căn bệnh rất nguy hiểm. Ngoài ra, những tia nắng này còn có thể làm mắt chúng ta bị mờ đi, giống như khi nhìn vào ánh sáng quá chói, dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể. Hơn nữa, chúng còn làm cho cơ thể chúng ta yếu đi, dễ bị bệnh hơn vì hệ miễn dịch bị suy giảm.
3. Để tầng Ozone “khoẻ mạnh” hơn
"Từ núi lửa đến biến đổi khí hậu, có rất nhiều yếu tố đóng vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc hình thành lỗ thủng tầng Ozone ở Nam Cực. Tuy nhiên, không có yếu cố nào ảnh hưởng lớn như các chất làm suy giảm ozone do con người tạo ra". Chúng ta có thể chăm sóc sức khỏe cho tầng Ozone ngay từ bây giờ với các thực hành cụ thể:
- Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường: Chọn các sản phẩm không chứa CFCs và các chất gây hại khác. Ví dụ, sử dụng bình xịt và tủ lạnh không chứa CFCs.
- Tiết kiệm năng lượng: Giảm sử dụng điện năng bằng cách tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện và các thiết bị điện hiệu quả năng lượng.
- Hạn chế sử dụng xe cá nhân: Sử dụng phương tiện công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ khi có thể để giảm lượng khí thải gây hại cho tầng Ozone.
- Tái chế và tái sử dụng: Giảm lượng rác thải bằng cách tái chế và tái sử dụng các sản phẩm, giúp giảm nhu cầu sản xuất mới và hạn chế phát thải các chất gây hại.
Ảnh: Bảo vệ tầng Ozone là bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta
Chia sẻ về tầm quan trọng của tầng Ozone cũng như hậu quả của việc "sức khỏe" tầng Ozone bị suy yếu để nâng cao sự hiểu biết và ý thức cũng là một thực hành gần gũi và cụ thể. Hãy hành động ngay từ bây giờ! Bởi bảo vệ tầng Ozone không đơn thuần là bảo vệ môi trường. Bảo vệ tầng Ozone chính là bảo vệ sức khoẻ, cuộc sống của chính chúng ta.